Bao nhiêu xe Toyota gặp lỗi áp suất dầu phanh ở Việt Nam?
Lỗi áp suất dầu phanh trên các dòng xe Toyota Innova và Fortuner được một kỹ sư của Toyota Việt Nam phát hiện từ tháng 11/2010. Sau khi phản ánh lên công ty này và Cục Đăng kiểm Việt Nam, đến tháng 4/2011, Toyota Việt Nam thừa nhận có 167 chiếc Innova J sản xuất từ 19/1/2010 đến 24/11/2010 bị ảnh hưởng.
Hai tháng sau đó, vào ngày 6/6/2011, trong văn bản số 217/2011/TMV-GA Toyota Việt Nam gửi cho Cục Đăng kiểm Việt Nam, hãng này công bố số lượng Innova J gặp lỗi áp suất dầu phanh là 6.108 chiếc.
Đến tháng 4/2017, trong văn bản trả lời Cục Đăng kiểm Việt Nam về việc có ý kiến cho rằng số lượng xe cần kiểm tra liên quan đến lỗi áp suất dầu phanh là hơn 60.000 xe, bao gồm cả Toyota Innova và Fortuner, Toyota Việt Nam một lần nữa khẳng định chỉ có 6.108 chiếc Innova J bị ảnh hưởng do đồ gá điều chỉnh áp suất dầu phanh trên van điều phối áp suất dầu phanh theo tải trọng (LSPV) bị biến dạng sau quá trình sử dụng lâu dài. Hãng này cũng cho biết các loại xe Fortuner và Innova G, Innova V không bị ảnh hưởng.
Cũng trong văn bản trả lời Cục Đăng kiểm, liên doanh Nhật Bản thông báo, đến tháng 4/2017, sau khoảng 6 năm tỷ lệ xe Innova J được kiểm tra về lỗi áp suất dầu phanh chỉ đạt 31%. Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết cơ quan này vẫn đang tiếp tục theo dõi và yêu cầu Toyota Việt nam thực hiện theo chương trình kiểm tra đối với lỗi lệch áp suất dầu phanh.
Lỗi áp suất dầu phanh nguy hiểm thế nào?
Theo một kỹ sư đang làm việc cho Toyota Việt Nam, người phát hiện ra lỗi áp suất dầu phanh, đây là lỗi chức năng A, được xem là lỗi chức năng nguy hiểm nhất. Nguyên nhân của lỗi này theo mô tả của vị kỹ sư này là do Jig (dưỡng) để định vị vị trí của van điều phối theo tải bị thiết kế sai.
Về hậu quả, trong tình huống khẩn cấp, lái xe phải phanh gấp, khi đó tải trọng dồn về 2 bánh trước, đuôi xe bổng lên làm tải trọng của cầu sau giảm. Van điều phối có chức năng giảm áp suất dầu cấp đến bánh sau tương ứng với tải trọng đã bị giảm đi.
Nếu lực phanh bánh sau lớn sẽ dẫn đến bó phanh, hai bánh sau sẽ bị trượt gây mất lái và làm mất tác dụng phanh trên 2 bánh sau. Nếu lực quán tính của xe lớn hơn lực ma sát giữa 2 bánh trước với mặt đường thì 2 bánh trước cũng bị trượt dẫn đến xe hoàn toàn lao đi theo quán tính và mất kiểm soát.
3 tình huống dễ gặp nhất với những xe gặp lỗi này là dễ văng đuôi nếu phanh trong khi cua, giảm hiệu quả phanh khi lái thẳng hoặc văng đuôi và trượt cả 4 bánh.