Theo đó, đêm 23 sang ngày 24 - 6, bão số 2 sẽ ở khu vực Vịnh Bắc bộ, và sẽ “chốt” tại đây 2 - 3 ngày, gây mưa cho toàn bộ các tỉnh miền Bắc.
“Bão số 2 lần này sẽ có hoạt động phức tạp, bởi nó chịu ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới đang hoạt động ngoài khơi Thái Bình Dương”, ông Bùi Minh Tăng - Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương nói.
Theo đó, sau khi bão số 2 đổ bộ vào khu vực biên giới Việt - Trung, sẽ suy yếu thành vùng áp thấp nhưng không tan ngay. Nó bị hút trở ra Vịnh Bắc bộ, mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, tác động trực tiếp đến các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Bình.
Từ ngày 25 đến 26 - 6, thời tiết ở Vịnh Bắc bộ sẽ xấu đi và kéo dài đến hết tuần. Các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi có gió mạnh, mưa rào, giông kèm lốc xoáy.
Theo ông Tăng, từ tối 23 – 6 các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung bộ như Hà Tĩnh, Quảng Bình sẽ có mưa lớn. Lượng mưa ít nhất đạt 100mm, phổ biến từ 200 - 300mm, cá biệt có một số nơi mưa sẽ lên đến 400mm.
Trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương Cao Đức Phát cho biết, so với những dự báo trước đó, bão số 2 đã có những diễn biến bất lợi hơn cho nước ta.
“Càng ngày, bão số 2 càng di chuyển dịch xuống phía Nam nước ta, bởi vậy, cần phải đề phòng những tình huống xấu nhất có thể xảy ra”, ông Phát nói.
Ông Phát nói rằng, các địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng của bão cần sẵn sàng tinh thần ứng phó với bão trong mọi hoàn cảnh và tình huống. Đặc biệt, cần lưu ý những công trình thủy lợi trọng điểm, các tàu thuyền du lịch ở Quảng Ninh và Hải Phòng, tránh những trường hợp xấu có thể xảy ra. Đối với tàu thuyền đang hoạt động hoặc neo đậu trong vùng ảnh hưởng của bão, đến chiều tối 23 - 6 phải lập tức di chuyển vào nơi tránh trú an toàn
Ông Trần Quang Hoài, Cục trưởng Cục Đê điều và Phòng chống Lụt bão cảnh báo, một số công trình đê điều, thủy lợi đang dang dở như hồ Suối Mỡ ở Bắc Giang, Điện Biên, đê Nam Đàn ở Nghệ An… sẽ gặp nguy hiểm nếu không có biện pháp phòng chống ngay từ hôm nay.
Hồi 13 giờ ngày 22 - 6, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,2 độ Vĩ Bắc; 113,4 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 260 km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15km, đi vào khu vực bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 13 giờ ngày 23 - 6, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 21,3 độ Vĩ Bắc; 110,2 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (tức là từ 50 đến 61 km một giờ), giật cấp 8, cấp 9. Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15 km, vượt qua bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) đi dọc theo vùng bờ biển Việt - Trung rồi suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Đến 13 giờ ngày 24 - 6, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 21,5 độ Vĩ Bắc; 107,2 độ Kinh Đông, trên khu vực Đông Bắc Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ). Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 6 - 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Biển động mạnh. Khu vực quần đảo Hoàng Sa có mưa rào và dông mạnh. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy. Từ trưa 23 - 6, vùng biển phía Bắc vịnh Bắc Bộ gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Biển động. Vùng ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng gió sẽ mạnh dần lên cấp 5, có nơi cấp 6, giật cấp 7. Từ chiều 23 - 6, ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông. Ngoài ra, do ảnh hưởng kết hợp với hoạt động của gió mùa tây nam ở khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển ngoài khơi các tỉnh Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, cấp 8, biển động và có mưa rào và dông rải rác. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy. |