Bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ người mất việc làm

0:00 / 0:00
0:00
TP - Hiện Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho 4 chế độ, trong đó 3 chế độ cho người lao động (NLĐ) và 1 chế độ cho người sử dụng lao động. Chính sách nhân văn của BHTN không chỉ hướng tới hỗ trợ thu nhập cho NLĐ mất việc làm, còn gắn với hỗ trợ NLĐ sớm tìm được về làm, chuyển đổi nghề để duy trì thu nhập.

Vai trò chia sẻ lúc rủi ro

Hiện BHTN có 3 chế độ, trong đó 3 chế độ cho NLĐ (trợ cấp thất nghiệp, tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề, ngoài ra còn trợ cấp bảo hiểm y tế suốt thời gian nhận trợ cấp thất nghiệp); và 1 chế độ cho người sử dụng lao động (hỗ trợ đào tạo nâng cao kỹ năng nghề cho NLĐ). Các chế độ BHTN mang ý nghĩa không chỉ hướng tới hỗ trợ một phần thu nhập cho NLĐ khi mất việc làm, còn gắn với giúp NLĐ sớm tìm được việc làm mới, chuyển đổi nghề để duy trì việc làm và thu nhập.

Bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ người mất việc làm ảnh 1

BHTN trở thành chỗ dựa chia sẻ khó khăn với người lao động lâm cảnh mất việc làm

Bộ LĐ-TB&XH đánh giá, mức, thời gian, thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp đã cơ bản đảm bảo nguyên tắc đóng - hưởng, chia sẻ, đảm bảo công bằng trong chính sách, khắc phục được việc lợi dụng, trục lợi chính sách BHTN. Quy định về bảo lưu thời gian đóng BHTN đã góp phần đảm bảo sự công bằng cho những người tham gia. Các quy định và chế độ về tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề miễn phí đã góp phần hỗ trợ NLĐ mất việc sớm tìm được việc làm mới, chuyển đổi nghề mới. Giai đoạn 2015-2021, số lượng NLĐ hưởng các chế độ BHTN liên tục tăng, đặc biệt trong 2 năm ảnh hưởng dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp và NLĐ bị ảnh hưởng tới việc làm, thu nhập.

Giai đoạn 2015-2021, số lượng NLĐ được quỹ BHTN chi hỗ trợ đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm liên tục tăng. Năm 2015, hơn 400 nghìn người được tư vấn, giới thiệu việc làm, năm 2020 tăng lên hơn 2,2 triệu người, năm 2021 cũng trên 1,7 triệu người (tăng bình quân 94%/năm). Bên cạnh đó, bình quân mỗi năm trên 30 nghìn NLĐ thất nghiệp được hỗ trợ học nghề, chủ yếu học lái xe, nấu ăn, pha chế đồ uống, tin học, may mặc...

Cụ thể, năm 2015, mới hơn 500 nghìn người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tới năm 2020 con số này tăng lên hơn 1,1 triệu người, năm 2021 cũng trên 800 nghìn người (bình quân tăng 42%/năm). Cơ quan BHXH phối hợp với ngành LĐ-TB&XH đã giải quyết trả trợ cấp thất nghiệp cho trên 500 nghìn người vào năm 2015, tới năm 2020 tăng lên hơn 1 triệu người, năm 2021 cũng trên 700 nghìn người. Tất cả NLĐ hưởng trợ cấp thất nghiệp đều được cơ quan BHXH cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, tạo điều kiện thuận lợi cho NLĐ được khám chữa bệnh hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế.

Dù vậy, Bộ LĐ-TB&XH cũng nhìn nhận chính sách BHTN còn một số hạn chế, khi chưa đặt trọng tâm vào việc phòng ngừa thất nghiệp; chưa gắn với khuyến khích người sử dụng lao động tuyển dụng và sử dụng NLĐ là người khuyết tật, người cao tuổi, các hỗ trợ đột xuất... Ngoài ra, các quy định quỹ BHTN hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nâng cao kỹ năng cho NLĐ khá chặt chẽ, dẫn tới ít doanh nghiệp tiếp cận được chính sách hỗ trợ này. Từ khi luật ra đời, tới tháng 6/2021, chưa doanh nghiệp nào được hỗ trợ theo chế độ này. Ngay chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng COVID-19 đào tạo lại lao động để duy trì việc làm (Nghị quyết 68/NQ-CP năm 2021) cũng chỉ có 57 đơn vị được quỹ BHTN hỗ trợ gần 70 tỷ đồng.

Với chế độ trợ cấp thất nghiệp, quy định hiện hành chưa rõ với trường hợp NLĐ bị sa thải, tự ý bỏ việc không báo trước, nên các nhóm này vẫn được trợ cấp thất nghiệp. Nên không phù hợp với mục đích của chính sách BHTN nhằm hỗ trợ NLĐ thực sự khó khăn về việc làm. Chưa có quy định về xử lý với số tháng đóng BHTN nhưng bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp. Luật hiện hành cũng thiếu các quy định sử dụng quỹ BHTN xử lý trong trường hợp đột xuất, như khủng hoảng kinh tế, thiên tai, dịch bệnh... để hỗ trợ NLĐ, doanh nghiệp.

Đề xuất thêm chế độ

Trong Dự thảo xây dựng Luật Việc làm sửa đổi, về quy định liên quan tới chế độ trợ cấp thất nghiệp của BHTN, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất: Sửa đổi quy định về mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa đối với NLĐ khu vực nhà nước cho phù hợp với việc bỏ lương cơ sở; bổ sung quy định liên quan trường hợp NLĐ bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp; quy định một số trường hợp không được hưởng trợ cấp thất nghiệp, như tự ý bỏ việc, bị buộc thôi việc...

Cơ quan soạn thảo cũng đề xuất thêm quy định hỗ trợ NLĐ đang tham gia BHTN đều được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; hỗ trợ các khóa đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề, gồm cả hỗ trợ chi phí khác trong thời gian học nghề (đi lại, sinh hoạt phí…).

Với người sử dụng lao động, cơ quan soạn thảo bổ sung quy định để nhận hỗ trợ từ quỹ BHTN khi gặp khó khăn trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế; thêm hỗ trợ tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN khi tuyển dụng NLĐ khuyết tật, dân tộc thiểu số, người cao tuổi.

MỚI - NÓNG
Đi vớt rác, ngư dân Quảng Ngãi phát hiện động vật quý hiếm trong Sách đỏ thế giới
Đi vớt rác, ngư dân Quảng Ngãi phát hiện động vật quý hiếm trong Sách đỏ thế giới
TPO - Trong lúc đang vớt rác vướng ngoài lồng nuôi cá, một ngư dân ở huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) vô tình phát hiện một con rùa biển đang vùng vẫy trong vợt. Con rùa biển này là một cá thể đồi mồi (một loài rùa biển, động vật biển quý hiếm), có tên trong Sách đỏ thế giới và Việt Nam.