Cụ thể, sau 13 năm (được triển khai từ năm 2000), nghiệp vụ bảo hiểm thân tàu lỗ tới 48 triệu USD (tương đương gần 1.008 tỷ đồng), tỷ lệ bồi thường thực của nghiệp vụ có năm lên đến 212%.
Theo tổng hợp của Vinare, hiện có 2/3 số DN bảo hiểm phi nhân thọ đang triển khai nghiệp vụ bảo hiểm thân tàu, tổng số phí bảo hiểm gốc toàn thị trường từ 2000 - 2012 là 174 triệu USD, trong khi tổng số tiền bồi thường gốc toàn thị trường giai đoạn này là 222 triệu USD. Trung bình mỗi năm, nghiệp vụ này thua lỗ khoảng 3,4 triệu USD, chưa kể chi phí khai thác, quản lý.
Năm 2012, top DN dẫn đầu về doanh thu bảo hiểm thân tàu vẫn không có gì thay đổi. Ba "ông lớn" là Bảo Việt, PVI và PJICO đã nắm tới 73,3% doanh thu bảo hiểm thân tàu toàn thị trường (PVI 31,3%; Bảo Việt 26,1%, PJICO 15,9%). Dưới 10% có Bảo Minh (7,4%) và PTI (6,5%); GIC và BIC, mỗi DN nắm dưới 5%; các DN còn lại chỉ chia nhau vỏn vẹn 3,7%.
Sang năm 2013, một số công ty gần như dừng hẳn việc cung cấp sản phẩm bảo hiểm thân tàu sau một thời gian khai thác kinh doanh không hiệu quả. Tuy nhiên, một số DN vẫn cố tham gia lĩnh vực bảo hiểm này, bất chấp tỷ lệ tổn thất cao và ngày càng tăng. Thậm chí, có DN còn sẵn sàng cạnh tranh bằng cách giảm phí, mở rộng phạm vi bảo hiểm, tăng chi phí khai thác. Tư tưởng "đạt được doanh thu bằng mọi giá" còn bao trùm từ công tác xây dựng/giao kế hoạch cho đến chỉ đạo thực hiện.
Ngoài ra, cạnh tranh phi kỹ thuật còn xuất hiện cả trong nghiệp vụ tái bảo hiểm: phí tái bảo hiểm ngày càng cao trong khi phí gốc giảm, hợp đồng tái bảo hiểm kết hợp hàng - tàu làm cho nhận thức sai về mức độ tổn thất tàu. Đây được xem là khó khăn mang tính nội tại, dẫn đến lỗ nghiệp vụ.
Trong khi đó, nhìn từ bên ngoài, còn không ít khó khăn từ thị trường vận tải biển như: cạnh tranh khốc liệt, cước phí thấp, chi phí tăng cao; hầu hết các chủ tàu nhỏ, khả năng tài chính thấp; trình độ quản lý và khai thác còn hạn chế; chất lượng đội tàu "chưa già đã yếu", tình trạng nợ phí phổ biến của các chủ tàu.
Swiss Re cho rằng, bảo hiểm thân tàu tại Việt Nam, ngoài mang những thách thức chung mang tính toàn cầu, còn có những khó khăn mang tính riêng biệt như thiếu sự cải thiện về tiêu chuẩn an toàn và điều kiện/điều khoản bảo hiểm; thiếu sự đầu tư trong công tác định giá và tính phí…
Tránh lỗ cách nào?
Để vực dậy nghiệp vụ bảo hiểm thân tàu, theo các chuyên gia trong ngành, cần có gói giải pháp tổng thế từ phía DN bảo hiểm, cũng như Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI), lẫn cơ quan quản lý.
Cụ thể, DN bảo hiểm cần khắc phục khó khăn về công tác nghiệp vụ và kinh doanh, quản lý và định phí. Cần quyết liệt quán triệt phương châm "ít nhất là hòa vốn" và đưa phương châm này vào công tác xây dựng và giám sát kế hoạch kinh doanh. Thậm chí, cần định nghĩa điểm hòa vốn cho từng loại nghiệp vụ bảo hiểm, để từ đó xây dựng các biểu phí phù hợp.
"Mỗi DN cần phối hợp với AVI và các DN khác trong các chương trình hợp tác về việc xây dựng/cải tiến các điều khoản/quy tắc/tập quán/biểu phí bảo hiểm tàu thủy phù hợp với nhu cầu thị trường và hệ thống pháp luật bảo hiểm; xây dựng và phát triển quy trình/quy chế quản trị rủi ro DN, tăng cường công tác kiểm tra và kiểm soát nội bộ", đại diện Bảo Minh đề xuất.
Ngoài ra, cũng cần nâng cao vai trò của Hiệp hội trong việc hỗ trợ quản lý và giám sát hoạt động của thị trường. Về phía Nhà nước, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật và cải tiến năng lực công tác tư pháp liên quan đến bảo hiểm tàu thủy nói riêng và hàng hải nói chung, phù hợp chuẩn mực và tập quán quốc tế; nâng cao chất lượng của công tác đăng kiểm và đào tạo đội ngũ thuyền viên; tăng cường công tác quản lý và giám sát hoạt động của thị trường bảo hiểm, đặc biệt là về cạnh tranh và trục lợi.
Đại diện Swiss Re đề xuất, nên chăng, có báo cáo giải trình lãi lỗ riêng đối với nghiệp vụ bảo hiểm P&I và thân tàu tại Việt Nam; Khi khai thác, cần định vị rõ nguyên tắc/mục tiêu khai thác là cần dòng tiền thực tế hay lãi kỹ thuật của nghiệp vụ; cần nhận thức đúng đắn về rủi ro, mà ở đó, rủi ro bảo hiểm thân tàu không chỉ là về tuổi tàu mà còn về tiêu chuẩn vận hành tàu.
Theo Kim Lan
Giao Thông Vận tải