Chỉ 5.000 đồng mỗi ngày
Theo Luật BHXH 2014, mức đóng BHXH tự nguyện hàng tháng bằng 22% mức thu nhập người lao động tự chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất (mức thu nhập thấp nhất tính đóng BHXH tự nguyện bằng chuẩn nghèo khu vực nông thông, cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở). Ngoài ra, nhà nước có mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện theo từng thời kỳ (hiện hỗ trợ 3 mức là 10%, 25% và 30%). Theo chuẩn nghèo hiện nay, người đóng BHXH tự nguyện thấp nhất mỗi tháng chỉ 154.000 đồng/tháng (bình quân chỉ 5.000 đồng mỗi ngày), còn được nhà nước hỗ trợ thêm ít nhất 15.000 đồng mỗi tháng. Người tham gia có thể lựa chọn đóng 1 lần cho 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng; hoặc đóng 1 lần cho nhiều năm về sau, hoặc đóng 1 lần cho những năm còn thiếu để hưởng lương hưu.
Khi tham gia BHXH tự nguyện đủ 20 năm, tới tuổi nghỉ hưu, người tham gia được hưởng: Lương hưu hàng tháng (tăng theo chỉ số giá tiêu dùng); Được cấp thẻ BHYT suốt thời gian hưởng lương hưu; Nếu người tham gia BHXH tự nguyện chết, thân nhân được hưởng trợ cấp mai táng (10 lần lương cơ sở) và chế độ tuất.
Đưa chính sách lên bản
Để đưa chính sách BHXH tới mọi người dân hơn, dù ở bất kể đâu, những cán bộ tuyên truyền không ngại khó, không ngại khổ, trèo đèo, lội suối tới từng hôn bản để thuyết phục người dân tham gia loại hình bảo hiểm ưu việt này.
“Có những chuyến đi về các xã miền núi xa xôi, xe hỏng dọc đường, hoặc sa vũng lầy, chị em tuyên truyền viên phải xắn tay phụ bác tài lấp đường, đẩy xe vượt sình lầy, tới được điểm tuyên truyền ai cũng đầy bùn đất. Vượt hàng chục, thậm chí hàng trăm ki-lô-mét đường núi ngoằn nghèo, khúc khuỷu đã khó, để thuyết phục được bà con đồng bào hiểu và tham gia BHXH tự nguyện còn khó gấp vạn lần”, chị Trần Thị Mai Phương (Trưởng phòng Kế hoạch Kinh doanh, Bưu điện tỉnh Quảng Nam, tư vấn BHXH tự nguyện) chia sẻ trong chuyến đi phổ biến về BHXH tự nguyện cho đồng bào Cơ Tu ở xã Dang (xã giáp bên giới của huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam).
Tại các điểm tuyên truyền ở vùng xa xôi, khó khăn như huyện Tây Giang này, để thuyết phục được người dân tham gia BHXH tự nguyện là điều không dễ, khi thu nhập của người dân nơi đây còn thấp, cuộc sống thiếu thốn. Thậm chí, cán bộ tuyên truyền phải biết, hiểu về ngôn ngữ, tập quán người dân địa phương, để thiết kế thông tin cho phù hợp, người dân nghe là hiểu.
Sau các buổi tuyên truyền tập trung, tuyên truyền viên về BHXH tự nguyện còn phải nán lại địa phương, để hàng ngày xuống từng nhà trò chuyện, tư vấn trực tiếp. Muốn người dân tin tưởng tham gia BHXH tự nguyện, các già làng, trưởng bản, phụ trách đoạn thể tại thôn, bản cần được thuyết phục trước; huy động cán bộ thôn, xã là người địa phương thành tuyên truyền viên.
Chị Alăng Thị Đào (26 tuổi, thôn Axur, xã Dang, huyện Tây Giang) chia sẻ, học xong chưa xin được việc làm, ban đầu chưa hiểu hết quyền lợi tham gia BHXH tự nguyện, nên còn do dự. Khi tìm hiểu kỹ thấy khoản đóng góp cũng thấp, sau này nếu đi làm có thể đóng tiếp BHXH bắt buộc. Do đó, chị Đào đã lựa chọn tham gia BHXH tự nguyện với mức đóng 138.000đ/tháng (chưa kể phần nhà nước hỗ trợ thêm 12.000 đồng/tháng). “Tham gia BHXH tự nguyện sau này có lương hưu, không làm phiền con cái. Mỗi ngày chỉ cần tiết kiệm 5.000 đồng, xem như bỏ ống tiết kiệm”, Đào nói.
Còn bà Bnước Thị Vưới (thôn Alua, xã Dang) được xem là có kinh tế khá trong thôn, khi đang nuôi 4 con heo, 2 con bò, 2 con dê sinh sản, làm lúa, làm sắn... thu nhập bình quân mỗi tháng khoảng 1 triệu đồng. Sau khi nghe tuyên truyền về cái hay của BHXH tự nguyện là cách tích cóp cho tuổi già, tham khảo ý kiến chồng con, chị đã tham gia với mức đóng 181.000 đồng/tháng.
Tới từng nhà
Còn tại khu vực miền xuôi, thậm chí đô thị, thu nhập người dân cao, hiểu biết nhiều, nhưng BHXH lại phải cạnh tranh với các loại hình bảo hiểm thương mại khác. Để thuyết phục người dân tham gia BHXH tự nguyện, các cán bộ tuyên truyền của BHXH và Bưu điện phải rà từng ngõ, gõ từng nhà, xuống tận chợ… Nhờ đó, những năm gần đây người dân tham gia BHXH tự nguyện ngày càng tăng. “Người dân cũng ý thức được về già phải có lương hưu để không phải dựa dẫm vào con cháu, nên nhiều người làm việc tự do hoặc buôn bán nhỏ cũng tham gia BHXH tự nguyện. Tham gia BHXH tự nguyện còn được Nhà nước hỗ trợ ít nhất trên 15.000 đồng/tháng, nhiều nhất gần 50.000 đồng/tháng”, anh Trần Minh Tuấn, 35 tuổi, ngụ Khu 6, phường Đáp Cầu, TP Bắc Ninh tâm sự câu chuyện về nhiều người trẻ tham gia BHXH tự nguyện tại địa phương.
Tương tự, đang tham gia BHXH tự nguyện với mức đóng 550.000 đồng/tháng, anh Bùi Thế Đạt, xã Nhân Thắng (huyện Gia Bình, Bắc Ninh) chia sẻ, trước đây anh cũng tù mù về bảo hiểm. “Trước đây tôi chỉ lao vào làm để kiếm sống, không quan tâm đến BHXH tự nguyện. Nhưng khi được nhân viên tư vấn về BHXH tự nguyện, tôi mới biết được cái lợi của loại hình bảo hiểm này, chưa bao giờ nghĩ mỗi ngày chỉ tiết kiệm 5.000 đồng, tức một bó rau ngoài chợ là có thể tham gia bảo hiểm để về già có lương hưu như người nhà nước, không phải nhờ con cháu”.
Khác với những trường hợp trên, chị Hoàng Thị Xuân (35 tuổi, ở phường Đáp Cầu, TP Bắc Ninh) từng làm công ty, đã tham gia BHXH bắt buộc. Sau đó, chị Xuân nghỉ làm về nhà buôn bán, nghĩ không tham gia BHXH bắt buộc nữa nên nhận BHXH một lần. “Lúc đó các anh chị ở cơ quan BHXH khuyên tôi không nên rút BHXH một lần vì còn trẻ, có thể bảo lưu để sau này chuyển đến công ty khác làm việc hoặc khi điều kiện kinh tế khá lên có thể tự nguyện đóng nối để sau này có lương hưu. Sau nhiều năm lăn lộn kiếm tiền, thấy nhiều cảnh đời lúc về già không có lương hưu, vẫn phải lăn ra làm để tự nuôi bản thân, lo cho chính mình sau này nên tôi lựa chọn tham gia BHXH tự nguyện ngay từ bây giờ”, chị Xuân chia sẻ. Hiện chị Xuân đang tham gia BHXH tự nguyện với mức đóng gần 1 triệu đồng/tháng. Thậm chí, chị Xuân còn thuyết phục chị gái và người thân trong gia đình cũng tham gia.
Không phụ thuộc khi về già
BHXH là loại hình bảo hiểm phi lợi nhuận, Quỹ BHXH được Nhà nước bảo hộ, tức Quỹ BHXH không bị phá sản. Cùng với đó, khi nhận lương hưu, trợ cấp hàng tháng, khoản tiền này của người tham gia BHXH tự nguyện cũng được điều chỉnh tăng theo chỉ số gia tiêu dùng, mức tăng trưởng kinh tế. Chỉ tính từ năm 2003 đến nay, Chính phủ đã nhiều lần tăng lương hưu từ 7,5 - 9,3 lần (tùy nhóm đối tượng) so với mức lương hưu năm 2002. Chưa kể các chế độ khác như cấp thẻ BHYT miễn phí, và một số khoản trợ cấp khác...
Nếu đóng BHXH từ năm 2008 (là năm đầu tiên thực hiện BHXH tự nguyện, số tiền tính đóng BHXH theo tỷ lệ % từng thời kỳ), sau 20 năm đóng (đủ điều kiện hưởng lương hưu), số tiền phải đóng là 249,6 triệu đồng. Khi nhận lương hưu, người đóng được hưởng suốt đời, nếu kỳ vọng sống là 20 năm từ khi nghỉ hưu, tổng tiền lương hưu người tham gia BHXH tự nguyện nhận được là hơn 2,1 tỷ đồng với nữ, và trên 1,78 tỷ đồng với nam, cao hơn nhiều mức đóng và các hình thức tiết kiệm khác.
Hiện, Bộ LĐ-TB&XH cùng BHXH Việt Nam đang nghiên cứu và đề xuất các cơ quan chức năng bổ sung thêm quyền lợi cho người tham gia BHXH tự nguyện. Bộ LĐ-TB&XH đã trình Chính phủ thí điểm 3 gói BHXH tự nguyện ngắn hạn và linh hoạt, bổ sung thêm chế độ thai sản, ốm đau và trợ cấp gia đình, trẻ em (bên cạnh chế độ hưu trí và tử tuất áp dụng hiện nay). Cùng với đó, có thể giảm điều kiện về thời gian tối thiểu đóng BHXH để nhận lương hưu, từ 20 năm hiện hành xuống 15 hoặc 10 năm.
Mới đây, BHXH Việt Nam cũng có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ tăng mức hỗ trợ tiền đóng để thúc đẩy người dân tham gia BHXH tự nguyện, đặc biệt với hộ nghèo, cận nghèo (hiện chỉ chiếm chưa tới 3% người tham gia loại hình an sinh này). Theo đó, BHXH Việt Nam đề nghị tăng mức hỗ trợ từ ngân sách cho hộ nghèo tham gia BHXH tự nguyện từ 30% hiện hành lên 50% mức đóng, hỗ trợ hộ cận nghèo từ 25% lên 30%, hỗ trợ đối tượng khác từ 10% lên 20%.
Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam tiếp tục phối hợp với các bộ ngành, địa phương để phát triển người tham gia BHXH tự nguyện. BHXH Việt Nam cũng có nhiều đổi mới trong tổ chức thực hiện như: tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; đơn giản thủ tục hành chính; mở rộng hệ thống đại lý, cộng tác viên. Từ năm 2019, BHXH Việt Nam phối hợp với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam tổ chức các hội nghị với người dân để tuyên truyền, vận động tham gia BHXH tự nguyện…
Nhờ đồng bộ giải pháp, năm 2019, cả nước đã có trên 574.000 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng mạnh so với con số 203.000 người tham gia năm 2016.