Hôm qua là một ví dụ ở môn futsal. Cả hai đội futsal nữ và nam của Việt Nam đã lần lượt thua Thái Lan với tỷ số 1-3 và 1-4. Thất bại này khiến cho cơ hội tranh đoạt HCV của futsal Việt Nam với Thái Lan đã khép lại.
Ủy viên thường trực Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF), lãnh đội futsal tại SEA Games 29 Trần Anh Tú cho biết, về thế trận cả hai đội bóng Việt Nam đều không kém so với đối thủ. Tuy nhiên, các cầu thủ lại thiếu bản lĩnh, sự tỉnh táo và chất lạnh để có thể chính xác hơn ở các pha dứt điểm. Trong hành trình còn lại tại SEA Games, cả hai đội tuyển nam và nữ Việt Nam sẽ phải tập trung vào mục tiêu giành HCB, đặt ra từ đầu giải.
Thực tế, thất bại của futsal Việt Nam trước người Thái không ngoài dự đoán của giới chuyên môn. Dù đã có những bước phát triển vượt bậc nhờ quá trình đầu tư, chăm bẵm tốt vài năm trở lại đây, Việt Nam vẫn bước sau Thái Lan rất dài ở môn thể thao này.
Đây không phải là câu chuyện của riêng futsal, mà còn ở nhiều môn khác. Từ lâu, Thái Lan đã được thừa nhận một cách rộng rãi là nền thể thao lớn mạnh nhất ở khu vực Đông Nam Á.
Bóng đá, điền kinh, và nhiều môn khác của Thái Lan đang ở vị thế thống trị phần còn lại. Với futsal, Thái Lan đã ở tầm tốp đầu châu lục. Nói vậy để thấy, những nỗ lực của futsal Việt Nam những năm trở lại đây là rất đáng khen ngợi. Chiến tích đoạt vé dự World Cup cách đây chưa lâu là kết quả của một quá trình dài đầu tư, chăm sóc.
Tuy nhiên, chừng đó có lẽ là chưa đủ để chúng ta có thể bằng, rồi tiến đến vượt người Thái như trông đợi. Thể thao Việt Nam vẫn chưa có được kế hoạch tổng thể bài bản, với định hướng mang tầm chiến lược và quan trọng hơn, bước triển khai trong thực tiễn.
Giữa nói và làm của chúng ta vẫn còn một khoảng cách rất xa. Thể thao Việt Nam cũng chưa huy động được hết nguồn lực trong xã hội, để tập hợp sức mạnh lớn nhất cho sự phát triển.
Nói riêng như với futsal, nếu chỉ trông chờ vào nỗ lực cá nhân của ông Trần Anh Tú, thiếu sự hỗ trợ từ số đông còn lại, e rằng còn rất lâu chúng ta mới bằng được người Thái, chưa nói vượt qua.