Bao giờ doanh nghiệp nội đủ sức thâu tóm thương hiệu ngoại?

Thương hiệu Sabeco sau khi bán cho tỉ phú Thái Lan ông chủ nước ngoài đã mua luôn cả thương hiệu song vẫn duy trì và phát triển thương hiệu này
Thương hiệu Sabeco sau khi bán cho tỉ phú Thái Lan ông chủ nước ngoài đã mua luôn cả thương hiệu song vẫn duy trì và phát triển thương hiệu này
Chuyên gia Phạm Đình Đoàn (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phú Thái) cho rằng, việc mua bán thương hiệu nổi tiếng đã và đang diễn ra khắp nơi trên thế giới. Quan trọng ở đây là làm sao vẫn có thể phát triển thương hiệu đó, tạo công ăn việc làm, tăng nguồn thu cho đất nước. Một khi doanh nhân Việt lớn mạnh, họ sẽ thâu tóm nhiều thương hiệu nước ngoài khác.   

Theo ông Đoàn, việc mua bán doanh nghiệp (DN) và những thương hiệu nổi tiếng diễn ra khắp nơi trên thế giới, giống như mua bán một sản phẩm hàng hóa bình thường, không đến mức quá nghiêm trọng. Hiện có rất nhiều thương hiệu nổi tiếng mình cứ nghĩ của nước này nhưng thực ra lại của nước khác, chẳng hạn như thương hiệu giày Fila của Ý rất nổi tiếng nhưng thực ra là của Hàn Quốc. Nhiều thương hiệu nổi tiếng đã dịch chuyển thương hiệu từ nước này sang nhiều nước khác.

Do đó, ông Đoàn cho rằng, ngoại trừ những thương hiệu, DN ảnh hưởng lớn đến ngành công nghiệp trong nước cũng như các chiến lược phát triển quốc gia mới phải xin ý kiến của Chính phủ, Quốc hội. Cơ bản nhất, Việt Nam cần chú trọng phát triển những thương hiệu nổi tiếng cả trong và ngoài nước, vừa tạo ra nhiều công ăn việc làm cho lao động, vừa tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Câu chuyện ở đây, theo vị chuyên gia, nếu các DN trong nước không thể chạy đua được với các cuộc cạnh tranh thời hội nhập, có thể chết yểu. Do đó, để cứu sống DN, để thương hiệu Việt đó vẫn tồn tại được thì họ phải bán cổ phần cho một “ông lớn” nước ngoài nào đó, giữ lại ít phần trăm.  Tuy nhiên, một số thương hiệu sau khi bị “thâu tóm” sẽ biến mất luôn, chẳng hạn như kem đánh răng Dạ Lan. Cần xem đó là một bài học để chúng ta đề điều chỉnh chính sách sao cho các cuộc mua bán phải giữ lại thương hiệu, hình ảnh của Việt Nam. Ví dụ, thương hiệu Sabeco sau khi bán cho tỷ phú Thái Lan với giá trị cao, ông chủ nước ngoài đã mua luôn cả thương hiệu Sabeco song vẫn duy trì và phát triển thương hiệu này. "Họ thâu tóm, cải tiến mẫu mã, hiệu quả kinh doanh tăng lên, lãi tiếp tục tăng, cạnh tranh mạnh với Heineken, Tiger. 10 năm nữa, có khi thị phần của Sabeco lại vượt Heineken”, ông Đoàn lạc quan. 

Bao giờ doanh nghiệp nội đủ sức thâu tóm thương hiệu ngoại? ảnh 1 Chuyên gia Phạm Đình Đoàn

“Ngày xưa Thái Lan toàn bị DN nước ngoài thống trị. Chỉ 3-4 năm trở lại đây, người Thái mới mua lại các thương hiệu lớn như BigC và thâu tóm cả ở các nước khác. Điều này có nghĩa khi các doanh nhân Việt Nam nhiều tiền, lớn mạnh, họ có thể mua lại các thương hiệu lớn của thế giới”. 

Chuyên gia Phạm Đình Đoàn

Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái phân tích, ngày xưa, các DN Việt chưa ý thức được giá trị của thương hiệu, cứ bán được vài triệu đô-la là thích. Chẳng hạn, các nhãn hiệu bột giặt của Công ty Phương Đông sau khi bị Tập đoàn P&G của nước ngoài mua đã không “nuôi” tiếp các thương hiệu của công ty này, trong khi kem đánh răng P/S sau khi Unilever mua vẫn phát triển tiếp thương hiệu này. Vị chuyên gia dẫn chứng như vậy để cho thấy rằng, tùy thuộc vào sức khỏe của thương hiệu mà “ông lớn” nước ngoài mới quyết tâm mua để đầu tư hay mua chỉ để lấy lại mạng lưới rồi phát triển thương hiệu khác.

Theo chuyên gia Phạm Đình Đoàn, câu chuyện cần bàn ở đây là làm sao để các DN, thương hiệu Việt vẫn duy trì và phát triển lớn mạnh sau khi bán cho “ông lớn” nước ngoài. Tức là, thương hiệu đó dù thuộc sở hữu của nước ngoài nhưng nền tảng sản xuất, nhà máy vẫn ở Việt Nam. Chẳng hạn như thương hiệu bánh kẹo Kinh Đô sau khi bán đi vẫn phát triển sản xuất ở Việt Nam, thậm chí còn xuất khẩu sang một số nước, vẫn tạo công ăn việc làm, tăng thuế và nguồn thu cho nhà nước. Việc mua đi bán lại thực ra chỉ là thay đổi nhà đầu tư.

Chúng ta đã ký hàng loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA), mở cửa thu hút đầu tư, do đó theo ông Đoàn không thể bàn lùi, đi ngược lại xu thế của thế giới mà phải hội nhập, tuân thủ các cam kết đã ký. Trong tương lai, biết đâu Việt Nam lại có thể mua lại các thương hiệu Việt từng bị thâu tóm, hoặc mua các thương hiệu lớn của nước ngoài, vấn đề ở đây là nguồn lực tài chính. 

Theo Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái là chúng ta mong muốn nhà nước quan tâm nhưng nếu DN sắp chết mà không bán thì hỏng, để chết hẳn rồi mới bán thì lỗ nặng, thậm chí thành xác chết, đống nợ cho quốc gia. 

MỚI - NÓNG