Báo động tình trạng trẻ nhập viện do sởi tại Đông Nam Bộ

Báo động tình trạng trẻ nhập viện do sởi tại Đông Nam Bộ
TPO - Tại các tỉnh khu vực phía Nam, số ca trẻ mắc sởi đang có xu hướng gia tăng đáng báo động so với cùng kỳ năm trước. Đáng nói, phần lớn các bệnh nhi đều chưa được tiêm phòng sởi.

Theo số liệu từ BV Nhi đồng 2 TPHCM , từ 6/8-30/8, BV này đã tiếp nhận và theo dõi 25 bé có dấu hiệu sốt phát ban, nghi do sởi. Kết quả xét nghiệm cho thấy, có 15 trẻ trong số đó dương tính với bệnh. Còn tại BV Nhi đồng 1 TPHCM,  theo BS Trương Hữu Khanh (Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh), hiện BV đang theo dõi và điều trị cho 3 trường hợp mắc bệnh sởi, cả 3 bé đều dưới dưới 9 tháng tuổi.Thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM cho biết, số ca tích lũy bệnh từ đầu năm đến nay là 111 ca, 24/24 quận huyện đều có trẻ mắc bệnh, tập trung đông nhất ở quận Thủ Đức, Tân Phú, Quận 12 và quận Bình Tân.

Còn theo số liệu thống kê từ viện Pasteur TPHCM, địa phương có số ca mắc bệnh sởi cao nhất khu vực Đông Nam Bộ từ đầu năm đến nay là tỉnh Đồng Nai với 136 ca, tiếp theo là Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, TPHCM. “Bệnh sởi trên địa bàn bắt đầu gia tăng từ giữa tháng 8 và mắc rải rác ở 51 xã, phuờng, tập trung nhiều nhất ở huyện Nhơn Trạch, TP Biên Hòa, huyện Long Thành”, đại diện Sở Y tế Đồng Nai cho biết.

Báo động tình trạng trẻ nhập viện do sởi tại Đông Nam Bộ ảnh 1 Phần lớn trẻ nhập viện do sởi đều chưa được tiêm phòng, ảnh minh họa

Theo các BS, có một thực trạng đáng báo động là ở các các tỉnh phía Nam, phần lớn trẻ nhập viện do sởi đều không được tiêm chủng đầy đủ hoặc chưa đến tuổi tiêm, trong khi sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp, dẫn đến nguy cơ số trẻ bị sởi sẽ tiếp tục tăng cao ở các địa phương có tỷ lệ tiêm chủng chưa đạt 95% quy mô xã, phường.

Trước tình hình sởi đang có xu hướng gia tăng như hiện nay, Sở Y tế TPHCM đã yêu cầu các cơ sở y tế trên địa bàn triển khai việc khám sàng lọc, phân luồng cách ly ngay các trường hợp nghi ngờ nhiễm sởi ngay tại khoa khám bệnh, bố trí bàn khám riêng đối với các trường hợp này nhằm hạn chế lây nhiễm chéo các trường hợp khác đến khám bệnh; Phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ hoặc mắc sởi, báo cáo theo quy định và báo cáo ngay khi có trường hợp bệnh nặng hay là có số mắc bệnh đông. Bên cạnh đó, các đơn vị phải thực hiện nghiêm túc quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn để phòng lây nhiễm chéo…

Theo các chuyên gia, sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. Bệnh lây từ người sang người qua đường hô hấp. Bệnh có biểu hiện sốt, viêm long đường hô hấp, đường tiêu hóa và kết mạc mắt kèm nổi ban đặc trưng. Sau khi mắc sởi, đáp ứng miễn dịch của cơ thể giảm sút nên trẻ dễ mắc các biến chứng.

“Để phòng bệnh, người lớn cũng như trẻ nhỏ phải thường xuyên rửa tay bằng nước sạch và xà phòng. Cần che miệng khi hắt hơi hoặc ho và sau đó rửa sạch tay. Trẻ cần được tiêm phòng sởi theo lịch tiêm chủng quốc gia. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu sốt, ho, mắt đỏ, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và có hướng điều trị kịp thời”, các chuyên gia khuyến cáo.

MỚI - NÓNG