Báo động nạn xâm hại tình dục trẻ em

Đối tượng hiếp dâm trẻ em Nguyễn Trọng Trình đang khai báo. Ảnh: PV
Đối tượng hiếp dâm trẻ em Nguyễn Trọng Trình đang khai báo. Ảnh: PV
TP - “Yêu râu xanh” lợi dụng mạng xã hội, sự thiếu hiểu biết của trẻ em để dụ dỗ hoặc đe dọa rồi xâm hại các em. Sáu tháng đầu năm nay, 272 em bị xâm hại, chiếm 41% tổng số trẻ em bị xâm hại trong giai đoạn 2015-2019.

Những vấn đề nhức nhối này được Đoàn giám sát của Quốc hội nêu ra ngày 6/12 tại phiên họp lần thứ hai về việc thực hiện chính sách, pháp luật phòng, chống xâm hại trẻ em.

Lợi dụng mạng xã hội để làm quen, dụ dỗ

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, đại diện đoàn giám sát số 1 (tại Hà Nội, Hải Phòng, Hoà Bình, Bắc Giang, Thái Bình, Quảng Ninh) cho biết, tình hình xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, có chiều hướng gia tăng. Đối tượng xâm hại trẻ em rất đa dạng, thậm chí có cả bố đẻ, ông nội, giáo viên, nhân viên y tế, cán bộ công an…

“Các đối tượng xâm hại thường lợi dụng sơ hở của gia đình, trẻ em ở nhà một mình, nơi vắng vẻ, địa hình đồi núi, trẻ em thiếu hiểu biết về giới tính và khả năng phòng vệ để dụ dỗ, đe dọa và thực hiện hành vi xâm hại. Nhiều trường hợp, đối tượng lợi dụng mạng xã hội để làm quen, dụ dỗ”, bà Hải nói.

Đoàn giám sát cho rằng, hành vi phạm tội để lại hậu quả rất nghiêm trọng, có trường hợp đặc biệt nghiêm trọng dẫn đến chết người; một số nạn nhân có thai, sinh con trong khi tuổi đời còn rất nhỏ. Một số vụ việc lại có dấu hiệu hành chính hoá các quan hệ hình sự. Với vụ Nguyễn Trọng Trình ở Chương Mỹ, Hà Nội, mặc dù chứng cứ phạm tội rõ ràng, nhưng cơ quan điều tra lại khởi tố về tội danh khác nhẹ hơn, gây bức xúc dư luận. 

 Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, đại diện đoàn công tác số 2 (tại Nghệ An, Lào Cai, Phú Thọ, Lạng Sơn, Đắk Lắk, Đà Nẵng) cũng cho rằng, đối tượng phạm tội tại các địa phương này phổ biến là người ruột thịt, thân thích, người quen của trẻ em. Theo số liệu của 6 địa phương, có tới 28 trẻ tử vong, 32 trẻ em có thai sau khi bị xâm hại. Nhiều vụ xâm hại trẻ em, đặc biệt xâm hại tình dục diễn ra trong thời gian dài mới bị phát hiện. Nhiều trường hợp kéo dài 2-3 năm như vụ thầy giáo dâm ô nhiều học sinh nam ở Phú Thọ; nhiều vụ chỉ bị phát hiện khi nạn nhân đã có thai nhiều tháng.

 Đoàn công tác số 3 (tại TPHCM, Cần Thơ, Tiền Giang, Tây Ninh và Bình Phước) nhận định, tình trạng bạo lực xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp, mức độ đáng báo động. Tại TPHCM có 12 trẻ em tử vong, 34 trẻ em bị rối loạn tâm thần… “Sự vô cảm, mất nhân tính của tội phạm báo động sự xuống cấp đạo đức của một bộ phận không nhỏ người dân. Xâm hại tình dục trẻ em đang là vấn đề nóng trong xã hội”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Luật nói.

Phòng chống xâm hại trên môi trường mạng

Thảo luận tại phiên họp, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng, đoàn giám sát cần dự báo tình hình lao động, di cư… ảnh hưởng tình trạng xâm hại trẻ em như thế nào, đặc biệt, cần đánh giá sâu sắc hơn và đề xuất giải pháp vĩ mô từ việc làm, dạy nghề đến bố trí khu vui chơi trong quy hoạch, xây dựng. Theo bà Hà, nếu các giải pháp chỉ tập trung cho ngành LĐ, TB & XH thì không thể giải quyết vấn đề, bởi công tác phòng, chống xâm hại trẻ em chủ yếu gắn với cộng đồng, đoàn thể, nên cần có giải pháp tổng thể.

Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Mai Bộ cho rằng, số liệu báo cáo tình hình của các địa phương còn thiếu chính xác và điều này phản ánh sự thiếu quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương. Tại các địa phương, nghị quyết chuyên đề về bảo vệ trẻ em gần như không có, nếu có liên quan thì lại “khoán trắng” cho ngành LĐ, TB & XH.

Trong khi đó, đây chỉ là một mảng không bao quát hết được vấn đề, các ngành công an, kiểm sát, tòa án không có sự phối hợp, nhiều lãnh đạo địa phương không nắm được tình hình.\Trưởng Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói rằng, cần tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm chuyên sâu về giải pháp, công tác tư pháp, bạo lực gia đình, phòng chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.

“Sự vô cảm, mất nhân tính của tội phạm báo động sự xuống cấp đạo đức của một bộ phận không nhỏ người dân. Xâm hại tình dục trẻ em đang là vấn đề nóng trong xã hội”- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Luật

MỚI - NÓNG