> Khủng hoảng nợ công sẽ bao trùm Hội nghị G-20
Một số nhà lãnh đạo các nước G-20 bên lề Hội nghị cấp cao ở Mexico. Ảnh: AP. |
Một quan chức hàng đầu mô tả cuộc khủng hoảng này là “sự rủi ro chung lớn nhất đối với nền kinh tế thế giới”.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso nói rằng, các thách thức này không chỉ đối với châu Âu mà cả toàn cầu. Ông Barroso nói: “Thật ra, chúng tôi đến Hội nghị này không phải để nghe dạy dỗ này nọ về dân chủ”.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy cho rằng, nội bộ EU quả thực có những yếu kém cần phải sửa chữa, nhưng các nước khác cũng có nhiều vấn đề của mình, như sự mất cân đối và việc không thực hiện được lời hứa.
Ông Samaras, lãnh tụ đảng Dân chủ mới ở Hi Lạp, trước đó nói rằng, đáng lẽ ông phải làm một số sửa đổi cần thiết trong thỏa thuận giữa EU và Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về gói tài chính cứu trợ Hi Lạp, để đảm bảo rằng người dân Hi Lạp giảm bớt nỗi lo thất nghiệp và giảm bớt khó khăn.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng, chính phủ mới ở Hi Lạp phải thực hiện những cam kết mà chính phủ trước đó đã cam kết trong khuôn khổ chương trình thắt lưng buộc bụng đã được thỏa thuận.
Tại Hội nghị cấp cao G-20 ở thành phố Los Cabos, nhiều nhà lãnh đạo thế giới báo động châu Âu rằng, họ nhìn thấy rất ít tiến bộ trong việc xử lý khủng hoảng nợ công ở khu vực đồng tiền chung euro.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick nói mọi người đang chờ EU cho biết liên minh này đang chuẩn bị làm gì để khắc phục khủng hoảng.
Ông Jose Angel Guria, Chủ tịch Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD), nói đây là cuộc rủi ro chung lớn nhất đối với nền kinh tế thế giới.
Trước khi diễn ra Hội nghị cấp cao G-20 lần này, Nga, Brazil, Trung Quốc và Mexico đều nói thẳng ra là họ sẽ không thực hiện những cam kết và một số nước còn ám chỉ rằng EU đừng hy vọng gì họ mở hầu bao nếu không thực hiện cải cách đã hứa trong việc tăng sức nặng lá phiếu của những nước ngoài EU trong cơ cấu Quĩ Tiền tệ Quốc tế.
Tuy nhiên, tại Hội nghị, Trung Quốc cam kết đóng góp 43 tỷ USD vào quĩ can thiệp khủng hoảng của IMF.
Động thái này của Trung Quốc được đưa ra sau một cuộc họp của nhóm BRICS gồm Brazil, Nga, Ấn Độ,Trung Quốc, và Nam Phi.
Năm nước BRICS này mỗi nước đều cam kết đóng góp vào IMF 10 tỷ USD để đổi lấy việc tăng sức nặng lá phiếu của họ tại IMF.
Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi cần có qui định cho phép các nước đang đối mặt khủng hoảng tài chính được áp dụng chính sách bảo hộ nhất định.
Ông nói đã đến lúc cần chấm dứt sự tự dối mình, để đi đến một thỏa thuận chân thực về mức độ có thể chấp nhận được đối với những biện pháp bảo hộ mà các chính phủ cần áp dụng, để bảo vệ việc làm trong nước mình tại những thời điểm có cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Điều này đặc biệt quan trọng đối với Nga vì nước này sẽ gia nhập WTO trong năm nay và Nga có ý định tích cực tham gia các cuộc thảo luận về qui định tương lai của thương mại toàn cầu.
Đáp lại ý kiến của Tổng thống Putin, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng, điều quan trọng là cần phải tránh chủ nghĩa bảo hộ vì quá trình bảo hộ sẽ làm cho hàng nhập khẩu đắt hơn.
Đ.P
Tổng hợp