Bài báo được đăng với tựa đề: "Chúng tôi không muốn họ đơn độc".
"Khẩu trang và hàng nghìn suất ăn do người Việt Nam tại Ba Lan tự tay chế biến để trợ giúp y, bác sỹ trong điều kiện bản thân họ cũng không dư dả về kinh tế. Họ làm điều đó bởi họ cảm thấy rằng, Ba Lan là nhà của họ và họ có trách nhiệm với ngôi nhà của mình” - bài báo mở đầu.
Bài báo đề cập đến tình trạng quá tải về y tế Ba Lan, về những khó khăn của y, bác sỹ trong các bệnh viện trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát.
Nhiều chủ nhà hàng Việt cho mượn địa điểm để nấu hàng trăm suất ăn gửi các bác sỹ, y tá bệnh viện Ba Lan. |
“Quán ăn Việt Nam Pitaya là trái tim của chiến dịch tín hiệu” - bài báo trích dẫn lời cô Anna Archacka-Sierminska nói về anh chị Vân - Hùng, chủ quán Pitaya - người đã cho nhóm sử dụng miễn phí bếp nấu ăm trong suốt chiến dịch.
Đề cập đến phong trào #VNJestesmyzWami, bài báo nói về hàng nghìn suất ăn được chuyển tải đến cho các bệnh viện; về những chuyến xe chở đồ ăn trực trước cửa bệnh viện Bộ Nội vụ. “Các tình nguyện viên cung cấp suất ăn cho hơn 800 người trong một ca làm việc” - bài báo viết.
Tác giả trích dẫn lời của kênh phát thanh tại Ba Lan Radio Plus Warszawa rằng: “Người Việt không ngừng giúp đỡ. Họ chuyển tới các công sở và bệnh viện ở thủ đô Warszawa và các vùng lân cận nhiều sản phẩm phòng dịch".
Trong phần tiếp của bài báo, phóng viên đề cập đến “Sự giúp đỡ của người Việt vô giới hạn”. Anna Archacka-Sierminska nói: “Lúc đầu các y, bác sỹ rất bất ngờ, một số thậm chí còn nghi vấn, rằng vì sao người châu Á nấu cho chúng ta ăn? Nhưng rồi các y, bác sỹ thay đổi ý nghĩ và sự nghi vấn chuyển thành sự biết ơn...”
Ông Hoàng Thế Diễm, người điều hành chính của nhóm, chia sẻ: “Chúng tôi không biết chữa bệnh, nhưng chúng tôi biết nấu ăn! Vậy là chúng tôi hoạt động. Không ai trong chúng tôi mong chờ được khen ngợi hoặc trở nên nổi tiếng. Chúng tôi chỉ muốn các y, bác sỹ không đơn độc, rằng chúng tôi cũng tham gia chống dịch, chung lưng sát cánh cùng họ. Ngày và đêm!”
Bài báo cho biết: “Với nhiều người Việt, Ba Lan là quê hương thứ hai. Đây là nhà của họ, con cái họ có tương lai phát triển".
Tác giả cũng nhắc đến nhiều nghĩa cử của người Việt trong các phong trào giúp đỡ người nghèo, vô gia cư ở thủ đô và các địa phương khác trong cả nước...
Bài báo đã được cộng đồng người Việt tại Ba Lan biết tới qua bản dịch của anh Nguyễn Đức Thảo.
Tác giả bài báo là Laura Maksimowicz, nữ nhà báo gắn kết với các tổ chức phi chính phủ. Cô đang theo học ngành quan hệ quốc tế, quan tâm đến vấn đề tị nạn và hỗ trợ từ thiện. Cô là cộng tác viên của SalamLab.pl.