Băng nhóm trường học 'xử' nhau như phim

Ảnh minh họa từ video clip
Ảnh minh họa từ video clip
TP - Không chỉ hành xử theo kiểu “xã hội đen”, nhiều học sinh ở TPHCM còn lập băng nhóm để tỏ chất anh chị trong trường. Các băng nhóm có thể “xử” nhau như trong phim hành động một khi xích mích hay mâu thuẫn.

> Bạo lực học đường: Chỉ là cá biệt?
> Hàng loạt vụ nữ sinh đánh bạn dã man 

Ảnh minh họa từ video clip
Ảnh minh họa từ video clip.

Bắt đầu vào năm học 2010-2011, Nguyễn Tuấn A. học sinh lớp 9 của trường Trần Văn Ơn đã đứng ra thành lập băng nhóm do chính mình phụ trách. Từ một thành viên, A. kết nạp được 10 thành viên và luôn hành xử vì quyền lợi của hội mình.

Nguyễn Văn T. một học sinh cùng lớp với A. cho biết, một khi thành viên của nhóm A. bị trêu ghẹo hay bị một học sinh nào đó xúc phạm, ngay lập tức bị A. và nhóm “tiểu đệ” đến hỏi thăm. Có khi các bạn dằn mặt với nhau bằng lời nói nhưng cũng có khi những bạn ấy “xử” bằng nắm đấm.

Khác với băng nhóm của A. một băng khác của trường cấp 2 Ngô Thời Nhiệm, quận 3 kết nạp cả những thành viên là học sinh nữ.

Một trong những người cầm đầu nhóm học sinh này là Hoàng. Con nhà giàu, học hành bê tha, nhưng theo các học sinh ở trường này, Hoàng cao lớn và thường tỏ ra là anh chị trong các hoạt động sinh hoạt hay vui chơi của lớp nên được các bạn rất hâm mộ.

Sau khi gắn kết lại được khoảng 8 thành viên, Hoàng luôn dằn mặt những học sinh cùng trang lứa và dưới cấp của mình để thị uy. “Có lần do ghen tuông của một bạn gái trong nhóm với một học sinh trong trường, Hoàng đã cho mấy anh em trong nhóm của mình ra xử bạn gái đó” - Lê An học sinh lớp 8 trường này kể.

Bạo lực học đường gần như diễn ra ở khá nhiều trường học khiến cho việc đánh nhau giữa các học sinh và băng nhóm trong nhà trường trở thành chuyện thường ngày.

Trước vấn nạn bạo lực học đường gia tăng tại TPHCM, nhóm nghiên cứu gồm cử nhân Lê Thị Hồng Thắm và Tô Gia Kiên thuộc Khoa Y tế công cộng, Trường ĐH Y dược TPHCM đã bỏ ra hàng tháng trời tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường tại trường cấp 2 Lê Lợi, quận 8.

Sau khi thăm dò ý kiến các học sinh có hành vi bạo lực, thầy cô và phụ huynh học sinh, nhóm nghiên cứu kết luận, các em có hành vi bạo lực luôn muốn chứng tỏ mình.

“Ba mẹ các em thường la rầy, đánh đập mỗi khi các em sai phạm và ba mẹ có thái độ xúi giục các em thực hiện hành vi bạo lực khi bị người khác xúc phạm, anh chị thì không quan tâm đúng cách đến các em. Nhà trường chưa tổ chức được chương trình phòng chống bạo lực học đường và không đồng nhất trong cách xử lý các hành vi sai phạm của các em, đôi khi tại nhà trường còn xảy ra hành vi bạo lực đối với các em. Khi gặp thầy cô, đôi khi các em không chào vì một số nguyên nhân nào đó”- bà Thắm cho biết.

Theo bà Thắm, Tổ chức Y tế thế giới kết luận: “Bạo lực là vấn đề y tế công cộng toàn cầu”. Báo cáo của Sở Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM cho biết, từ năm 2005 - 2009, bạo lực gia đình tăng gấp 3 lần, bạo lực cộng đồng tăng 7 lần, bạo lực học đường tăng lên 13 lần so với những năm trước đó.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG