Bản vùng cao ở Điện Biên thiếu gạo, thiếu nước sau cơn lũ quét
TPO - Chỉ sau một đêm, gần một nửa bản Tin Tốc, xã Mường Pồn, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) hoang tàn, nhiều ngôi nhà cùng với tài sản bị lũ cuốn trôi hoàn toàn.
Tin Tốc là bản đồng bào dân tộc Khơ Mú sinh sống, có 75 hộ, hơn 300 nhân khẩu. Sau trận lũ quét xảy ra rạng sáng ngày 25/7 tại xã Mường Pồn (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên), may mắn bản không có thiệt hại về người. Nhưng hiện nay giao thông bị chia cắt cục bộ, người dân không điện, thiếu nước sạch và các nhu yếu phẩm.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, tại bản Tin Tốc, lũ quét đã khiến 2 nhà bị cuốn trôi hoàn toàn, 11 ngôi nhà đang bị sập, nguy cơ sạt lở, 8 nhà bị ngập úng nặng. Toàn bộ hoa màu, ruộng lúa của người dân bị đất đá vùi lấp.
Chị Lò Thị Minh (30 tuổi, bản Tin Tốc, xã Mường Pồn, huyện Điện Biên) cho hay, sau lũ, gia đình mất hết ruộng ao, nhà bị ngập, gạo, đồ dùng nấu ăn bị lũ cuốn trôi. Bây giờ trong nhà không còn gì.
Để khắc phục, các hộ dân trong bản phải thay phiên nhau nấu cơm nhờ tại một hộ trên bản. Các hộ hỗ trợ vay mượn nhau từng nắm gạo, từng gói mì tôm để sống qua ngày.
Có mặt tại hiện trường, phóng viên ghi nhận những sự thiếu thốn của người dân, rất nhiều hộ dân mong Nhà nước kịp thời hỗ trợ gạo, khắc phục nước sinh hoạt, chỗ ở để sớm ổn định cuộc sống.
Trao đổi với Tiền Phong, chị Lò Thị Lún (Bí thư chi bộ bản Tin Tốc, xã Mường Pồn, huyện Điện Biên) cho biết, "khoảng 3h sáng 25/7, lũ ập tới bản, chúng tôi hô hoán người dân chạy thoát thân, không mang theo được đồ đạc tài sản gì".
Theo chị Lún, hiện bà con trong bản rất khó khăn, thiếu nước uống, sinh hoạt, thiếu gạo nấu ăn. Các hộ bị cuốn trôi, sạt lở nhà chưa có chỗ ở, sống tạm ở trường học. Tuy đã được các lực lượng hỗ trợ nhưng tình trạng thiếu thốn của người dân vẫn rất nhiều.
Ngay sau cơn lũ đi qua, tại bản Tin Tốc, nhiều lực lượng cứu hộ, cứu nạn có mặt tại bản hỗ trợ người dân tháo dỡ, di dời những ngôi nhà bị sập, nguy cơ sạt lở và tài sản đến nơi an toàn.
Trung tâm kiểm soát bệnh tật phun khử khuẩn môi trường, xử lý nguồn nước, triển khai một số biện pháp phòng chống dịch bệnh cho bà con.
Đồng thời, triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm người dân khu vực vùng lũ. Động viên, chia sẻ những khó khăn để bà con sớm ổn định cuộc sống.