Bản vùng cao nói không với rượu

0:00 / 0:00
0:00
TP - Từ nhiều năm nay, người dân ở bản Sin Suối Hồ thuộc xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu nói không với rượu từ bữa cơm hàng ngày đến các sự kiện hiếu, hỷ, lễ lạt.

Bản văn hóa "5 không"

Theo anh Giàng A Sà, du lịch đã thay đổi cuộc sống dân bản một cách rõ rệt. Từ khi làm du lịch, dù chưa khá giả nhưng cuộc sống dân bản Sin Suối Hồ bắt đầu ổn định, đủ ăn, đủ dùng, đủ chi tiêu. Tất cả trẻ em trong bản đều được đến trường, không có trường hợp bỏ học. Thanh niên cũng có nghề nghiệp ổn định, chí thú làm ăn. Mọi người trong bản khi có việc đều chung tay giúp đỡ nhau.

Từ thành phố Lai Châu lên Sin Suối Hồ khoảng 30 km. Chúng tôi lái xe đi theo quốc lộ 4D lên trung tâm huyện Phong Thổ. Lúc này, xem bản đồ, chúng tôi nhận ra đã đi nhầm đường.

Quay lại thành phố Lai Châu khá xa, giải pháp là lựa chọn cung đường từ thị trấn Phong Thổ qua Mường So, Nậm Xe để sang Sin Suối Hồ. Tuy nhiên, khi vào đến cung đường này mới biết đoạn đường vô cùng phức tạp với đất đá lởm chởm. Nhiều đoạn đang thi công, phải chờ máy múc, máy ủi lu đường mới vượt qua được.

Mất khoảng 3 tiếng đồng hồ vượt cung đường khó, chúng tôi cũng đến được bản Sin Suối Hồ vào xế chiều. Ghé vào nhà một cô giáo dạy mỹ thuật của trường THCS Sin Suối Hồ đã hẹn từ trước, chúng tôi được đãi bữa ăn với thịt lợn đen, canh măng, rau và cơm gạo séng cù trồng trên vạt nương cao.

Bản vùng cao nói không với rượu ảnh 1

Người dân Sin Suối Hồ bán đồ thổ cẩm ở chợ

Sau bữa cơm, chúng tôi lên xe đi vào trung tâm bản Sin Suối Hồ. Bản vùng cao chập tối sương mù dày đặc xuống nhanh.

Đón chúng tôi là mục sư Giàng A Sà - một người có uy tín với dân bản. Anh Sà cũng là chủ của loạt homestay, các điểm “check in” ở Sin Suối Hồ. Bố trí xong chỗ nghỉ, anh Sà nhắn đợi gia đình chuẩn bị bữa tối. Cùng ăn tối với chúng tôi có thêm 3 thanh niên là công nhân đang làm thuê cho gia đình anh Sà.

Bản vùng cao nói không với rượu ảnh 2

Ngôi nhà tổ chim độc đáo

Trong thâm tâm, chúng tôi nghĩ sẽ có buổi giao lưu uống rượu như văn hóa người vùng cao “quý nhau mời chén rượu”. Tuy nhiên, khá ngạc nhiên khi mọi người mời nhau ăn lẩu mà không một ai nhắc đến rượu.

Sau bữa tối, chúng tôi di chuyển lên nhà một người dân nơi có nhóm du khách Hải Phòng đang xem chương trình ca nhạc, đốt lửa trại do các nam, nữ thanh niên trong bản thực hiện.

Bản vùng cao nói không với rượu ảnh 3

Mục sư Giàng A Sà

Những tiết mục múa, ca hát của thanh niên bản như chạm đến cảm xúc và đưa du khách hòa vào văn hóa người bản địa.

Tại buổi biểu diễn này, trước mặt du khách chỉ là những ấm nước chè, tuyệt nhiên, không có bình rượu nào, không đồ ăn mặn mà chỉ có bánh kẹo để người lớn và trẻ nhỏ cùng nhau thưởng thức.

21h30 chương trình ca nhạc kết thúc, các nam nữ thanh niên tham gia biểu diễn lên xe trở về nhà. Chúng tôi cũng quay lại homestay nhà anh Sà.

Chứng kiến nếp sinh hoạt và các hoạt động cộng đồng không có bóng dáng của rượu khiến chúng tôi rất ngạc nhiên. Có lẽ rất ít nơi ở vùng cao nếu không muốn nói là không có nơi nào lại không uống rượu như ở bản du lịch Sin Suối Hồ.

Đem thắc mắc này trao đổi với anh Sà, anh cho biết, từ 10 năm nay, bản Sin Suối Hồ đã không uống rượu, không hút thuốc phiện, không cờ bạc, không hút thuốc và không xả rác.

Nhớ lại quãng thời gian cách đây 20 năm, anh Sà nói rằng, thời điểm đó, người dân bản Sin Suối Hồ chìm trong thuốc phiện, rượu chè, tệ nạn xã hội, trộm cắp, đời sống vô cùng khó khăn.

Là một chàng trai 20 tuổi, anh Sà nhận thấy phải thay đổi tư duy của mình, của gia đình và của người dân để cuộc sống tốt hơn. Anh trao đổi với trưởng bản và vận động từng người từ bỏ những thói quen xấu, tích cực tu sửa nhà cửa, vệ sinh môi trường, hăng hái lao động.

Phải mất 10 năm để bản Sin Suối Hồ vượt qua được giai đoạn này. Thêm 5 năm nữa để thay đổi môi trường sống.

Chỉ từ năm 2016 trở đi, mô hình du lịch cộng đồng ở Sin Suối Hồ mới được đẩy mạnh. Các homestay, quán cà phê, điểm check-in như thác trái tim, thác tình yêu, chợ bán sản vật địa phương… được đưa vào giới thiệu để du khách đến với Sin Suối Hồ. Cuộc sống người dân dần trở nên tốt hơn, an toàn hơn.

Nói về những thay đổi ở bản vùng cao, anh Giàng A Lùng, một người dân của bản cho biết, bản Sin Suối Hồ hiện nay là nơi bình yên, sạch đẹp, an toàn. Đi xa vài ngày, anh luôn có cảm giác nhớ bản.

“Việc không uống rượu có thể với những người khác không quen nhưng với người dân bản Sin Suối Hồ, chúng tôi thấy sức khỏe ngày càng tốt hơn. Ai cũng ủng hộ”, anh Lùng nói.

Được biết, Sin Suối Hồ là một bản nhỏ nhưng có dân số gần 1.000 nhân khẩu.

Du lịch cộng đồng thay đổi cuộc sống

Bản du lịch Sin Suối Hồ ngày nay thay da đổi thịt. Ấn tượng ban đầu của du khách khi đến với bản vùng cao này là những con đường bê tông sạch sẽ dẫn vào từng ngõ ngách lớn, nhỏ. Các ngôi nhà đều dựng cổng bằng chất liệu gỗ thân thiện với môi trường.

Trước đây, dân bản chủ yếu làm nông hay đi làm thuê, nay cả bản tập trung làm du lịch cộng đồng. Mô hình homestay cải tiến từ các ngôi nhà cũ hoặc xây mới với cấu trúc cùng tên gọi khá ấn tượng như nhà tổ chim, nhà tổ ong…

Ngoài làm nhà nghỉ cho khách, người dân cũng phục vụ nhà hàng ăn uống, làm hướng dẫn viên, biểu diễn văn nghệ, bán đồ thổ cẩm, quà lưu niệm dân tộc Mông.

MỚI - NÓNG