Ban tổ chức Violympic nói gì về chạy đua thi toán trên mạng

Học sinh tham dự cuộc thi Violympic toán trên mạng.
Học sinh tham dự cuộc thi Violympic toán trên mạng.
Giải đáp những tranh cãi xung quanh cuộc thi Violympic toán trên mạng internet, ban tổ chức cuộc thi này cho biết trong năm tới (2016 - 2017) học sinh sẽ không phải lập nhiều tài khoản để dự thi.

Trả lời phóng viên ngày 21/12, bà Nguyễn Thị Ngọc – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Học đường (Trường ĐH FPT) - Trưởng dự án Violympic cho biết, để khắc phục tình trạng phụ huynh vì thành tích giúp học sinh lập nhiều tài khoản để thi đi thi lại, trong năm học 2016 - 2017, Violympic đã bổ sung tính năng “Thi lại” đối với các vòng thi tự do từ 1 đến 9. Tính năng này nhằm giúp học sinh ôn luyện bằng cách được phép thi lại chính vòng thi đó mà không cần tạo thêm tài khoản mới.

Cũng theo bà Ngọc, ý nghĩa thực sự của cuộc thi Violympic là khơi dậy cảm hứng, niềm đam mê cho các em học sinh với toán học và các bộ môn khoa học khác. Bởi vậy điều quan trọng nhất là khiến các em vui vẻ, hứng khởi tham gia, thi đua nhau một cách tích cực, tạo ra phong trào học tập, tiếp thu tri thức. Tuy nhiên, việc cho con tham gia thi hay không, luyện thi như thế nào, lại tùy thuộc quan điểm của mỗi gia đình. 

“Đề thi của Violympic đều bám sát chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, luôn được ban nội dung biên soạn với tỷ lệ: 40% là câu hỏi dễ, 40% câu hỏi trung bình, 20% câu hỏi khó - các câu hỏi nâng cao nhằm kích thích tư duy của học sinh, tạo khả năng đột phá. Để đạt được 300 điểm đòi hỏi học sinh phải nắm chắc kiến thức tổng hợp và kỹ năng làm bài trên máy tính nhạy bén” - bà Ngọc nói.

Ban tổ chức Violympic nói gì về chạy đua thi toán trên mạng ảnh 1

Về việc nhiều phụ huynh chạy đua thành tích gây áp lực cho trẻ, lãnh đạo các trường tiểu học cho rằng, điều đó là không nên.

Bà Trương Thị Thu Hiền, Hiệu trưởng THCS Nam Trung Yên, Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ: “Chúng tôi coi đây là một sân chơi tự nguyện, nên duy trì để học sinh được trải nghiệm, cọ xát, nhất là những học sinh có đam mê. Việc có thêm phần thưởng hay chế độ cho học sinh đạt giải cao, tôi nghĩ chỉ là sự động viên khích lệ dành cho các con, giúp các con có thêm động lực để phấn đấu”.

Về cuộc thi này, ông Đinh Ngọc Khắc - Chuyên viên phòng Giáo dục TP. Lào Cai, một trong những địa phương tham gia cuộc thi Violympic từ những năm đầu tiên cho biết: “Tôi nghĩ áp lực hay không là do cách làm thôi, bởi theo tôi cuộc thi rất phù hợp cho học sinh, rèn kỹ năng rất tốt. Để có được kết quả cao, các cháu phải vận dụng kỹ năng và tư duy để đạt được kết quả cao, không phải cháu nào cũng có thể đạt điểm tối đa được. Chúng tôi hiểu cuộc thi là sân chơi cho các cháu, vì vậy chúng tôi không tạo sức ép để lấy thành tích, cháu nào thích thì chúng tôi tạo điều kiện để tham gia thôi”.

Trước đó, câu chuyện cảnh báo của phụ huynh Lê Dũng có con học lớp 1 tại Hà Nội về việc các cuộc thi như Violympic đã gây ảnh hưởng ra sao đến các con. Vị phụ huynh này cho biết cuộc thi khiến cho “một đứa trẻ bình thường mất từ 30-50 phút cho 8 vòng thi ở lần làm bài đầu tiên, thì nó có thể biến kết quả đó thành 10 phút sau vài chục lần làm đi làm lại”, đồng thời đưa ra kết luận đó không phải là sáng tạo mà chính là chạy theo thành tích. Câu chuyện này sau đó đã gây tranh cãi mạnh mẽ trên mạng xã hội và nhận được nhiều phản hồi của các chuyên gia giáo dục.

Theo Theo Dân Việt
MỚI - NÓNG