Bán lẻ nội giữ thế làm chủ sân nhà

Đông đảo người tiêu dùng chọn mua sắm tại các hệ thống bán lẻ nội địa
Đông đảo người tiêu dùng chọn mua sắm tại các hệ thống bán lẻ nội địa
TP - Sau khoảng thời gian vừa phát triển cầm chừng vừa thận trọng quan sát làn sóng xâm nhập mạnh mẽ của những thương hiệu bán lẻ hàng đầu, các nhà bán lẻ Việt Nam đã bắt đầu có những động thái để giữ và tăng thị phần. Cuộc đua dù là khó khăn, song doanh nghiệp Việt vẫn có những lợi thế nhất định so với doanh nghiệp nước ngoài.

Chiếm cứ thị trường tiềm năng

Trong khi các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài liên tục đầu tư khai thác thị trường tại các thành phố lớn vốn gần như bão hòa, các nhà bán lẻ Việt Nam, một mặt củng cố thị phần tại các thành phố trung tâm, mặt khác chủ động xây dựng chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi bám sát khu dân cư, thị trường nông thôn, thị xã, thị trấn… có nhiều tiềm năng. Nhờ lợi thế nắm vững địa lý từng khu vực, các doanh nghiệp trong nước có thể xây dựng chiến lược phát triển phù hợp cho từng vùng mà không gặp nhiều khó khăn.

Hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op (Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM) là một điển hình như thế. Dù áp lực thị trường rất lớn nhưng vẫn duy trì tốc độ phát triển hàng chục siêu thị Co.opmart, đại siêu thị Co.opXtra, siêu thị thực phẩm mini Co.op Food với mức đầu tư trung bình 100 tỷ đồng/siêu thị. Chỉ tính riêng đầu năm 2018 đến nay, hàng loạt siêu thị Co.opmart quy mô lớn nối đuôi nhau đi vào hoạt động tại nhiều tỉnh thành như Bà Rịa-Vũng Tàu (Co.opmart Tân Thành), Tiền Giang (Co.opmart Cai Lậy) Đồng Tháp (Co.opmart Hồng Ngự), Tây Ninh (Co.opmart Gò Dầu) và An Giang (Co.opmart Tân Châu). Một số tỉnh thành đã xuất hiện các siêu thị Co.opmart thứ 3, thứ 4 nhưng vẫn đạt sức mua tốt.

Đánh giá về tiềm năng của thị trường nông thôn, một chuyên gia thương mại cho rằng, Việt Nam đã và đang là một trong những thị trường bán lẻ nổi bật ở châu Á, tốc độ tăng trưởng rất cao với tiềm năng về dân số hơn 90 triệu người. Các nhà bán lẻ trong nước đã nhanh nhạy nhận ra tiềm năng của thị trường đang bị bỏ ngỏ này và tận dụng lợi thế am hiểu thị trường nội địa để tạo ra cho mình ưu thế cạnh tranh riêng.

Thời gian qua, chứng kiến nhiều tập đoàn bán lẻ lớn của nước ngoài xâm nhập vào thị trường trong nước và thâu tóm các thương hiệu bán lẻ nội khiến nhiều người phải lo ngại và cho rằng một tương lai không xa của ngành bán lẻ nước nhà với nhiều gam màu tối. Tuy nhiên, thực tế không ở mức quá bi quan. Một chuyên gia kinh tế có thâm niên quan sát thị trường bán lẻ Việt Nam cho rằng thời gian qua chính là khoảng thời gian cần thiết để các nhà bán lẻ trong nước thận trọng quan sát, phân tích ưu nhược của các thương hiệu bán lẻ ngoại trước khi có chiến lược ứng phó phù hợp. Điều đó có nghĩa, bán lẻ nội  không chịu khuất phục, vẫn âm thầm mở rộng quy mô, mở rộng thị trường nhưng hết sức thận trọng.

Chẳng hạn, Tập đoàn Vingroup đến nay đã mở thêm được hàng trăm siêu thị mi ni Vinmart. Điểm đặc biệt của hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện lợi này là có thể len lỏi vào từng khu phố nhỏ, khu dân cư. Bất cứ nơi nào có tiềm năng là Vinmart, Vinmart+… có mặt. Còn đối với nhà bán lẻ có gần 30 năm kinh nghiệm tại thị trường Việt Nam là Saigon Co.op, hiện sở hữu hơn 600 điểm bán và đa dạng các mô hình đặt ở hầu hết các tỉnh thành trên cả nước. Điều đó cho thấy, các nhà bán lẻ nội vẫn đang rất nỗ lực giữ vững thị phần và bằng năng lực của mình, họ tiếp tục mở rộng quy mô, giữ thế làm chủ sân nhà. Chưa kể, ở các địa phương, vùng miền đã bắt đầu xuất hiện những mô hình bán lẻ vừa và nhỏ mang tính địa phương như Lan Chi, Bách hóa Xanh, Citimart, Hà Nội Thanh Hảo, Mê Linh,... Đó cũng là cản lực lớn đối với các nhà bán lẻ ngoại muốn xâm nhập sâu thị trường Việt Nam.

Bán lẻ nội giữ thế làm chủ sân nhà ảnh 1

Các nhà phân tích cho rằng, các doanh nghiệp bán lẻ nội thể hiện sự khôn khéo khi vừa củng cố thị phần tại các tỉnh thành lớn, vừa nhắm đến các thị trường ngách. Chúng ta có thể không bằng được doanh nghiệp ngoại về vốn, về quy mô nhưng điểm mạnh của các doanh nghiệp Việt là nắm bắt được thị hiếu tiêu dùng, thói quen mua sắm của người dân Việt Nam. Phần lớn người tiêu dùng thành thị Việt Nam vẫn ưa cách mua sắm nhanh và xu hướng này đã nhanh chóng lan rộng đến nông thôn cùng tốc độ đô thị hóa. Do đó, việc phát triển những cửa hàng tiện lợi, siêu thị tại đây là một cách lựa chọn khôn khéo.

Như kiềng ba chân

Nhiều ý kiến cho rằng, làn sóng mua bán và sáp nhập đã giúp các doanh nghiệp ngoại nhanh chóng thôn tính các thương hiệu bán lẻ trong nước và ngày càng gia tăng áp lực đối với các doanh nghiệp bán lẻ nội lâu năm kiên định không “bán mình”. Nhưng trên thực tế, nhà bán lẻ lâu năm và được xem là nhà bán lẻ hàng tiêu dùng hàng đầu Việt Nam hiện nay là Saigon Co.op lại cho rằng cần phải coi áp lực cạnh tranh này chính là cơ hội để các doanh nghiệp Việt như Saigon Co.op tự mình học hỏi để nâng sức cạnh tranh, bứt phá hơn nữa. Vì nếu không có sự thâm nhập của các doanh nghiệp ngoại, hẳn thị trường bán lẻ sẽ không thực sự sôi động như thời gian gần đây, và các đơn vị trong nước vẫn sẽ không cố gắng để thay đổi, vươn lên.

Còn nhớ năm 1996, khi siêu thị Co.opmart đầu tiên ra đời tại đường Cống Quỳnh, TPHCM, cũng từng bị nghi ngờ về khả năng tồn tại bởi vì tại thời điểm đó đã có nhiều thương hiệu bán lẻ nước ngoài hoạt động. Như vậy, bán lẻ nội mà điển hình là Co.opmart đã sớm có sự tương tác và bị áp lực cạnh tranh ngay từ khi “trứng nước” nhưng vẫn không ngừng phát triển, mở rộng và giữ vững vị trí bán lẻ hàng tiêu dùng hàng đầu Việt Nam hiện nay. Điều đó, một lần nữa cho thấy doanh nghiệp bán lẻ nội chưa hề bị lung lay và vẫn vững như kiềng ba chân.

Sự xâm nhập ồ ạt vào một thời điểm của các nhà bán lẻ ngoại khiến khối nội buộc phải nhất thời chựng lại và bị chia sẻ thị phần. Nhưng thực tế chứng minh dư chấn này chỉ thực sự tác động đến bán lẻ nội trong khoảng thời gian không dài, từ 2 đến 3 năm, và sau đó sẽ dần bão hòa, thì lợi thế vẫn thuộc về bán lẻ nội địa nhờ am hiểu văn hóa, thói quen tiêu dùng của người dân. Đây cũng là khoảng thời gian cần thiết để bán lẻ nội quan sát và phân tích đối thủ, từ đó đưa ra chiến lược phù hợp.

Trỗi dậy

Không những đứng vững trong cơn lốc bán lẻ ngoại, các nhà bán lẻ trong nước còn củng cố được vị thế và trỗi dậy. Nếu trước đây Saigon Co.op chỉ có Co.opmart là hệ thống bán lẻ chủ lực thì hiện tại nhà bán lẻ này đã sở hữu hầu hết các mô hình bán lẻ hiện đại. Đây cũng là nhà bán lẻ hiện đại thuộc hàng đa dạng nhất Việt Nam hiện nay, ngoài Co.opmar còn có các hệ thống như đại siêu thị Co.opXtra, cửa hàng thực phẩm Co.op Food, cửa hàng bách hóa hiện đại Co.opSmile, cửa hàng tiện lợi 24h Cheers, cửa hàng Co.op,… chưa kể các trung tâm thương mại quy mô lớn SCVivo City, Sense City, Sense Market, kênh mua sắm qua truyền hình HTVCo.op. Từ vài chục người, đến nay hệ thống bán lẻ hàng đầu Việt Nam này đang có gần 16.000 cán bộ nhân viên. Những con số này chưa dừng lại và vẫn còn tiếp tục tăng lên 2 con số mỗi năm.

Sự nhạy bén của Saigon Co.op đã phần nào chứng tỏ được lý do trỗi dậy của nhà bán lẻ này. Khi nhìn ra bán lẻ thực phẩm là thị trường ngách màu mỡ, Saigon Co.op đã nhanh chân xây dựng thương hiệu riêng Co.op Food như là một mô hình vệ tinh thu nhỏ của Co.opmart chuyên về thực phẩm sạch và tiện lợi để phủ khắp các khu dân cư đông đúc đã cho thấy sự nhanh nhạy, linh hoạt của nhà bán lẻ này. Thống kê sơ bộ cho thấy, riêng cửa hàng Co.op Food đến nay đã gần đạt con số khủng của siêu thị thực phẩm mini là 300, được phân bố nhiều tỉnh thành cả trong và ngoài TPHCM.

Như vậy, yếu tố cốt lõi để một thương hiệu bán lẻ Việt Nam như Saigon Co.op vẫn trụ vững suốt gần 30 năm qua và không ngừng phát triển trong tương lai chính là sự chủ động học hỏi, nắm bắt xu hướng thị trường, đáp ứng đúng nhu cầu của người tiêu dùng. Đồng thời xây dựng văn hóa doanh nghiệp mang tính gắn kết, nhân văn để người lao động cùng kề vai sát cánh vì một thương hiệu bán lẻ của người Việt và vì người Việt.

MỚI - NÓNG