Những địa phương bị dịch COVID-19 tấn công từ sớm, buộc phải đóng cửa trường học như Hà Nam, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh… vẫn chưa có kế hoạch cho việc kiểm tra học kỳ II. Ông Phạm Văn Đại, Phó giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT Hà Nội, cho biết, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên tuần này toàn bộ học sinh các cấp tiếp tục dừng đến trường đến khi có thông báo mới. Các trường được chỉ đạo tiếp tục dạy học trực tuyến, chưa vội kiểm tra, đánh giá, chờ hướng dẫn của Sở về việc kiểm tra học kỳ, kết thúc năm học. Nếu dịch được kiểm soát trong tuần này, học sinh có thể quay lại trường học để kiểm tra, nếu không sẽ tính phương án khác, ông Đại nói.
Đến thời điểm này, tại Hà Nội mới chỉ có một vài trường học có điều kiện, sẵn sàng tổ chức kiểm tra học kỳ như Trường THPT Chuyên Ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội) cùng một số trường ngoài công lập. Tuy nhiên, việc kiểm tra cuối năm, cuối kỳ chưa từng được thực hiện bằng hình thức trực tuyến nên nhiều người lo lắng. Có con học trường tư thục tại Hà Nội, nhận được thông báo tuần tới có thể học sinh sẽ được kiểm tra bằng hình thức trực tuyến, chị Trần Thị Thu Hồng nói rằng, con chưa được tập dượt nên sợ sẽ lúng túng, làm nhầm, làm sai, dẫn đến điểm thi thấp.
Ngày 9/5, nhiều tỉnh, thành phố thông báo cho học sinh tiếp tục dừng đến trường từ 10/5, như Bắc Ninh, Điện Biên, Hoà Bình, Cần Thơ, Bắc Giang, Thái Bình, Khánh Hoà, Lâm Đồng, Bạc Liêu…
Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông (Hà Nội), cho rằng, kiểm tra trực tuyến sẽ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt với học sinh nhỏ tuổi từ lớp 1 đến lớp 3. Các em sẽ có những bài đọc, bài viết chính tả, làm Toán cần có máy tính và sự hỗ trợ của phụ huynh. Các lớp trên thuận lợi hơn vì các em biết sử dụng máy tính nhưng không phải tất cả học sinh đều có máy tính để dùng, không phải phụ huynh nào cũng sắp xếp được thời gian để hỗ trợ. Các trường cũng chưa từng tổ chức kiểm tra định kỳ bằng hình thức trực tuyến nên đề kiểm tra, phương thức giám sát rất khó. Do đó, bà Hằng cho rằng, nếu dịch bệnh phức tạp, có thể chờ đến thời điểm thật sự ổn định mới tổ chức kiểm tra, đánh giá hoặc cần thiết lên phương án chia nhỏ học sinh theo từng nhóm, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch rồi cho các em đến trường kiểm tra định kỳ.
5 học sinh mắc COVID-19
Ngày 8/5, một học sinh lớp 10A2, Trường THPT Lê Quý Đôn, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Trường rà soát được 61 giáo viên, học sinh là F1 buộc phải đi cách ly tập trung; nhiều học sinh ở các khối lớp khác thuộc diện F2 phải cách ly ở nhà. Ngày 9/5, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội thông tin, bốn học sinh lớp 12 A1, Trường THPT Kinh Bắc (Bắc Ninh), sinh sống tại huyện Gia Lâm, Hà Nội mắc COVID-19. Ngay trong ngày, toàn bộ học sinh của lớp phải đi cách ly tập trung. Hơn 200 học sinh, giáo viên khác phải lấy mẫu xét nghiệm COVID-19.
Thầy Nguyễn Văn Đằng, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, đã viết thư động viên học sinh, giáo viên. Thư có đoạn viết: “Có thể năm học 2020-2021 sắp khép lại một cách đột ngột và im lặng khi không có lễ tổng kết năm học, những thầy cô và các em học sinh giỏi, học sinh tiên tiến không được tuyên dương trước toàn trường. Thầy tin, sóng gió sẽ làm cho các con vững tay chèo hơn”.
Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định, ông Cao Xuân Hùng, cho biết, các trường học đã đẩy lịch kiểm tra học kỳ ngay trong tuần. Sang tuần, học sinh các cấp được nghỉ hè, trừ học sinh khối 9 và 12 học trực tuyến để chuẩn bị cho các kỳ thi. Nhiều tỉnh khác cũng đã chủ động cho học sinh thi sớm, ngay cả vào thứ Bảy, Chủ nhật. Với những phần chương trình còn lại, có thể hoàn thành bằng việc học trực tuyến.
TPHCM: Nhiều học sinh lớp 12 vẫn đến trường
Ông Hoàng Sơn Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (TPHCM), cho biết, trường cho toàn bộ khối 10 và 11 tạm dừng đến trường và chuyển sang học trực tuyến đến khi kết thúc năm học; riêng đối với lớp 12, Ban giám hiệu quyết định vẫn tổ chức dạy học và ôn tập tại trường. “Với phương án này, các em học sinh khi đến trường phải tuân thủ quy định 5K, khuyến khích thầy và trò đeo khẩu trang kể cả trong lớp học, không tụ tập đông người trong giờ nghỉ giải lao… Ngoài ra, nhà trường còn bố trí phòng cách ly, giãn cách lớp học (1 phòng học, 1 phòng trống). Phương án chia đôi sĩ số lớp học cũng được tính đến nhưng do thiếu giáo viên ở một số bộ môn nên tạm thời trường chưa thực hiện”, ông Hải nói. Tương tự, nhiều trường tư thục có tiếng ở TPHCM như Trường THPT Thành Nhân, Trường THPT An Dương Vương, THCS – THPT Trí Đức… cũng gửi thông báo đến phụ huynh cho phép giữ học sinh lớp 12 ở lại trường để ôn thi tốt nghiệp THPT một cách bài bản, chu đáo hơn.
NGUYỄN DŨNG