Băn khoăn để nhà đầu tư 'tự thỏa thuận' với dân về thu hồi đất

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ngày 14/11, Quốc hội dành phần lớn thời gian thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Xác định giá đất sát với giá thị trường, có nên giao nhà đầu tư với người dân tự thoả thuận trong thu hồi là những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm.

Công khai giá để hạn chế “sốt” ảo

Quan tâm đến vấn đề bỏ khung giá đất, đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) cho rằng, đây là nội dung sửa đổi quan trọng, phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, theo đại biểu, làm sao để giá đất sát với giá thị trường là một bài toán rất khó. Hiện, trong giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất luôn tồn tại hai giá khác nhau, giá trong hợp đồng thấp hơn rất nhiều so với giá thực tế để né thuế.

“Làm thế nào để xác định giá đất sát với giá thị trường là điều mà luật phải tính toán kỹ. Đồng thời, cần quy định chặt chẽ, công khai thông tin về giá để hạn chế tình trạng “sốt” đất ảo, giúp cân bằng, ổn định về giá thị trường, có chế tài xử lý nghiêm những hành vi đầu cơ, lướt sóng, tạo giá về đất gây nhiễu loạn thị trường đất đai”, đại biểu Phương lưu ý.

Băn khoăn để nhà đầu tư 'tự thỏa thuận' với dân về thu hồi đất ảnh 1

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định). Ảnh: QH

Cùng mối quan tâm, đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) cho rằng, việc định giá đất phù hợp với giá thị trường là vấn đề rất khó, nên phải quy định, thể chế thật kỹ về tiêu chí, các điều kiện, các căn cứ pháp lý, rồi hội đồng định giá như thế nào, các thành phần ra sao để định giá sát với giá thị trường.

“Đã nói đến giá thị trường thì sẽ có lúc lên và lúc xuống, đó là nguyên tắc thị trường. Nhưng bấy lâu nay chúng ta định giá đất cụ thể thường năm sau cao hơn năm trước. Các địa bàn khác như thế nào không biết, nhưng riêng Quảng Nam, giá đất ở giai đoạn năm 2017-2018 tăng rất cao, nhưng năm 2019, năm 2021 do ảnh hưởng dịch bệnh, do ảnh hưởng nhiều thứ nên giá đất tụt xuống, như vậy chúng ta định giá đất như thế nào?”, ông Bình lưu ý, phải xác định rất cụ thể trong dự án luật lần này và giải quyết được hài hòa mối quan hệ giữa người dân, nhà nước và doanh nghiệp.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) viện dẫn, Nghị quyết Hội nghị Trung ương nêu rõ “giá đất nhà nước quyết định phải phù hợp với giá đất thị trường”. Do vậy, ông nhất trí với việc bỏ khung giá đất và trao quyền quyết định bảng giá, mức giá cụ thể hằng năm cho chính quyền địa phương. Song đại biểu lưu ý, cần phát huy thật tốt vai trò của các tổ chức tư vấn định giá, hội đồng thẩm định giá và quyền quyết định thuộc về UBND.

Ông Lộc đề nghị cân nhắc hai phương án: Một là thành lập cơ quan xác định giá riêng, độc lập với cơ quan hành chính, có thể trực thuộc Quốc hội hoặc HĐND các cấp, giống như cơ quan kiểm toán, đứng ngoài hệ thống hành chính; hai là giao cho chủ tịch UBND quyết định.

“Tự thỏa thuận” dễ sinh so bì

Theo đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum), người dân có thể chấp nhận hy sinh quyền lợi hoặc chịu thiệt nếu việc thu hồi đất đó cho mục đích quốc phòng, an ninh hoặc phát triển kinh tế, cho lợi ích của cộng đồng, lợi ích của nhà nước… Thế nhưng, người dân sẽ không chấp nhận việc thu hồi đất chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân, hoặc một nhóm người, nhưng lại áp giá đền bù thấp, mang tính áp đặt hay tạo kẽ hở cho sự trục lợi, lợi ích nhóm. Theo ông, khi nói đến thu hồi đất, tức là việc chính quyền, Nhà nước thu hồi đất đai của chủ thể này trao cho một chủ thể khác bằng một mệnh lệnh hành chính. Do vậy, nó tiềm ẩn nhiều nguy cơ xung đột, nhiều nguy cơ lạm quyền, gây bức xúc trong nhân dân.

“Nên chăng xem xét, tiếp cận vấn đề theo hướng những dự án vì mục đích quốc phòng, an ninh, những dự án phát triển kinh tế - xã hội mang tính chiến lược…thì thu hồi; còn các dự án phát triển kinh tế đơn thuần thương mại theo quy hoạch, mang lại lợi ích chủ yếu cho nhà đầu tư thì thương lượng với người dân để mua lại hoặc thỏa thuận cho họ góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Trong quá trình thương lượng đó có sự tham gia của chính quyền, với tư cách là chủ thể quản lý đất đai trên địa bàn”, ông Tám hiến kế.

Giải trình, tiếp thu, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, tài chính, định giá đất là vấn đề số một, nhận được nhiều sự quan tâm của đại biểu. Tới đây, sẽ kết hợp 5 phương pháp, trong đó có thể dùng phương pháp toán học, thống kê để xác định giá đất, giải quyết bất cập, đồng thời công khai, minh bạch để “ai cũng phải biết và không ai có thể can thiệp vào, vì đó là giá thị trường”. Về thu hồi đất, theo ông Hà, hiện có hai hình thức, đấu thầu đấu giá và tự thoả thuận. Các bên có thể tự thoả thuận và hình thức này hiện không hạn chế, tuy nhiên nhà nước sẽ can thiệp vào để đảm bảo chính sách về giá, hài hoà lợi ích, đảm bảo công bằng, minh bạch.

Tuy nhiên, đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) cho rằng, phải nhận thức rõ vấn đề “tự thỏa thuận” giữa doanh nghiệp và người dân là giới hạn ở mức độ nào và thỏa thuận về những vấn đề gì. Đây cũng là vấn đề phát sinh rất nhiều, dẫn đến đơn thư khiếu nại, tố cáo. Bởi lẽ, giữa cùng một khu vực nhưng nếu nhà nước thu hồi đất đền bù cho người dân để phục vụ các lợi ích quốc gia, công cộng, quốc phòng, an ninh thì đền bù theo giá nhà nước. Nhưng cũng ở khu vực đấy, mọi điều kiện về sinh lời đều giống nhau nhưng doanh nghiệp thỏa thuận thì thường giá cao hơn giá của nhà nước. Do vậy, ở đây phát sinh so bì và khiếu nại phức tạp, cần lưu ý.

“Các dự án phát triển kinh tế nếu thỏa thuận được với người dân thì rất tốt, nếu người dân đồng thuận. Tuy nhiên, tại địa phương tôi rất khó thực hiện và đang gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư khi bỏ ra một số tiền lớn để đền bù nhưng không thể đưa dự án vào thực hiện, do một số người dân đòi giá thỏa thuận rất cao, gấp nhiều lần so với người đã thỏa thuận đền bù trước đó và có những trường hợp giá nào cũng không chịu. Nếu chấp thuận đền bù thì sẽ gây mâu thuẫn ngay trong nội bộ người dân, người được cao, người được thấp, chỗ này đề nghị Quốc hội nghiên cứu”, đại biểu Đào Hồng Vận (Hưng Yên) nêu quan điểm.

MỚI - NÓNG