Ban hành luật mới về Hong Kong: Trung Quốc muốn thể hiện điều gì?

Cảnh sát Hong Kong bắt giữ một người biểu tình ngày 1/7 ảnh: AP
Cảnh sát Hong Kong bắt giữ một người biểu tình ngày 1/7 ảnh: AP
TP - Vài phút sau khi báo chí đăng tin Trung Quốc thông qua Luật an ninh quốc gia cho Hong Kong, Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Carrie Lam đứng trên bục họp báo với phông nền phía sau là bức ảnh toàn cảnh thành phố.

Với đông đảo phóng viên đang muốn nghe chi tiết của luật mới có thể tái định hình tương lai của trung tâm tài chính châu Á, điều họ nhanh chóng nhận ra là bà cũng chưa biết gì cụ thể. Bà Lam kết thúc cuộc họp báo hôm 30/6 mà không thể xác nhận Trung Quốc đã phê chuẩn luật chưa. Khi chi tiết luật được công bố lúc 23h đêm 30/6, mọi người mới hiểu vì sao Bắc Kinh giữ kín chi tiết như vậy.

Luật cho phép áp án tù chung thân những người phạm tội ly khai, lật đổ, khủng bố và thông đồng với nước khác hoặc người bên ngoài để gây đe dọa cho an ninh quốc gia. Luật có phạm vi bao trùm mọi thứ, từ hành vi cản trở nghiêm trọng mạng lưới giao thông đến tấn công văn phòng chính phủ - điều mà người biểu tình Hong Kong đã làm năm ngoái - đến việc ủng hộ các biện pháp trừng phạt của nước khác đối với Trung Quốc.

Luật cũng trao quyền miễn trừ cho các đặc vụ Trung Quốc hoạt động ở Hong Kong, cho phép xét xử bí mật và yêu cầu phải giám sát nhiều hơn các cơ quan báo chí. Luật được áp dụng với tất cả mọi người, ở bất kỳ đâu trên thế giới, bất kể có phải người Hong Kong hay không, theo báo SCMP.

“Bắc Kinh quyết gửi tín hiệu về sức mạnh và quyết tâm của họ, dù làm như vậy có thể gây hại cho các lợi ích về kinh tế và uy tín của Trung Quốc ở Mỹ, châu Âu và giờ là Ấn Độ. Nhưng cách này rõ ràng thu hẹp dư địa để mặc cả với những bên khác”, ông Rush Doshi, giám đốc Sáng kiến chiến lược Trung Quốc tại Viện Brookings nói với Bloomberg.

Luật an ninh làm dấy lên quan ngại về cam kết của Trung Quốc với những thỏa thuận quốc tế như Tuyên bố chung Trung - Anh năm 1984. Hiệp ước này, đã được nộp lên Liên Hợp quốc, bảo đảm Hong Kong “sẽ được hưởng mức độ tự trị cao, ngoại trừ trong các vấn đề đối ngoại và quốc phòng”, và bảo đảm “các luật hiện hành ở Hong Kong về cơ bản sẽ không thay đổi”.

Các ngoại trưởng G7 nói trước khi Bắc Kinh thông qua luật rằng văn bản này “không phù hợp” với hiệp ước. Trung Quốc bác bỏ, cho rằng đó là sự can thiệp của nước ngoài.

“Luật mới phản ánh quyết tâm của Bắc Kinh nhằm vẽ một lằn ranh đỏ về sự bất khả xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc, cũng như cho thấy Bắc Kinh đánh giá các chính phủ phương Tây dễ bị chia rẽ hoặc chỉ là hổ giấy”, ông Chris Johnson, cựu chuyên gia phân tích của CIA và hiện là giám đốc một hãng tư vấn về Trung Quốc, nói với Bloomberg.

Thời điểm này, Trung Quốc dính vào nhiều căng thẳng quốc tế, gia tăng các hoạt động trái phép và tập trận trên biển Đông và khu vực Đài Loan; buộc tội 2 công dân Canada với tội danh mơ hồ; tranh cãi và trả đũa Úc về chuyện điều tra nguồn gốc COVID-19; bất đồng với EU trong hàng loạt vấn đề và dồn quân đến biên giới với Ấn Độ sau vụ đụng độ chết nhiều người. Đó là chưa kể đến cuộc cạnh tranh chiến lược rộng hơn với Mỹ, với diễn biến mới nhất là Washington chuẩn bị trừng phạt các quan chức Trung Quốc, cấm visa và hạn chế bán công nghệ nhạy cảm cho Hong Kong.

Tuy nhiên, những bước đi cứng rắn của Mỹ cuối cùng cũng có hại cho Mỹ. Dù Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa có thể tách khỏi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, ông gần đây lại nói thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Trung Quốc vẫn “hoàn toàn nguyên vẹn”.

“Trung Quốc đang thắt chặt kiểm soát Hong Kong và thực tế là Mỹ không thể làm gì nhiều”. Max Baucus, cựu đại sứ Mỹ tại Trung Quốc

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.