Kiệt tác được tạo ra bằng nước mắt
Ra mắt vào năm 1983, Schindler’s List được dựa trên câu chuyện có thật về Oskar Schindler, một nhà tài phiệt người Đức, người được coi là cứu tinh của người Do Thái khi đã dốc hết toàn bộ tài sản của mình để cứu mạng hơn 1.000 người Do Thái tại Ba Lan trong thời kì diễn ra nạn diệt chủng Holocaust.
Khi đọc về câu chuyện này, đạo diễn Steven Spielberg ngay lập tức bị cuốn hút vào bản chất nghịch lý của Schindler. “Một tên phát xít lại đi cứu người Do Thái ư?”, vị đạo diễn người Mỹ ngờ vực. “Lí do gì khiến một người đàn ông giàu có như vậy lại đi đánh đổi tất cả của cải tài sản của mình để cứu những sinh mạng Do Thái nhỏ bé này?”.
Cảnh trong phim |
Mặc dù đã là một cái tên lớn ở Hollywood vào thời bấy giờ với những bom tấn trứ danh như Jaws và Indiana Jones, Steven Spielberg ở độ tuổi 38 khi cầm bản thảo kịch bản Schindler’s List trên tay lại thấy bản thân vẫn chưa đủ chín chắn để cầm trịch một bộ phim có tầm vóc lớn như thế này. Ông đề bạt dự án này đến những cái tên lớn khác như Roman Polanski hay Martin Scorsese nhưng đều nhận lại lời từ chối. Để rồi 10 năm sau, khi đã cảm thấy sẵn sàng, Steven Spielberg liền bắt tay vào thực hiện và tạo nên một tuyệt tác khiến cả thế giới phải bật khóc.
Trong quá trình quay phim, Spielberg đã cho tái hiện lại hết sức chi tiết cuộc sống của người Do Thái tại Ba Lan và thực hiện ghi hình theo kiểu phim tài liệu với hai màu đen trắng để tăng sự chân thực cùng bầu không khí ảm đạm. Với chi phí 22 triệu đô la, Schindler’s List cũng là phim đen trắng tốn kém nhất trong lịch sử.
Suốt 90 ngày trên phim trường, chứng kiến những sự kiện thảm khốc được tái hiện lại trước mắt mình, ông cho biết đó giống như sự tra tấn tinh thần đối với ông và cả đoàn làm phim. Dường như không có ngày nào trên phim trường mà ông không khóc. Sau này Spielberg đã gửi lời cảm ơn đến vợ ông - Kate Capshaw và 5 đứa con đã “giải cứu tôi trong 92 ngày liên tiếp… khi mọi thứ đã trở nên quá đau khổ”.
Tại sao Oskar Schindler lại đánh đổi tất cả để cứu người Do Thái?
“Oskar Schindler, ai cũng sẽ nhớ đến ông ta. Ông ta đã làm được những điều phi thường, những điều mà không ai khác làm được. Ông ta đến đây chỉ với hai bàn tay trắng cùng một chiếc va li nhỏ nhưng đã vực dậy một công ty đang trên đà phá sản trở thành một nhà máy khổng lồ. Rồi ông ta rời đi với chiếc rương chứa đựng trong đó mọi sự giàu có trên thế giới này”.
Đó là lời mà Oskar Schindler tự nói về mình ở đầu phim, thể hiện tham vọng về sự giàu có tột bậc và sự thăng tiến trên những nấc thang xã hội. Nhưng rồi, đến cả chính ông cũng không ngờ rằng lời nói đó lại ứng nghiệm theo một cách còn tuyệt vời, cao cả hơn rất nhiều.
Phải nói rằng, Oskar Schindler hoàn toàn không phải là một vị thánh. Ông là một cá nhân đầy toan tính và thực dụng với lối tư duy của một nhà tư bản công nghiệp. Điều ông nhìn thấy ở người Do Thái là tiềm năng của những lao động tay nghề cao giá rẻ. Ông coi chiến tranh như một cơ hội béo bở để thu thật nhiều lợi nhuận. Với khiếu ngoại giao tuyệt vời, ông đánh bạn với những quan chức cấp cao của Đức quốc xã bằng những buổi tiệc xa hoa, những lời khen có cánh và những món quà đắt tiền nhằm lót đường cho sự nghiệp của mình. Ông cũng là một gã quyến rũ chết người khi đàn bà cứ lần lượt đổ gục trong vòng tay ông.
Những đặc điểm trên khiến ông có vẻ “tầm thường” hơn nhiều so với ấn tượng ban đầu như là một đấng cứu thế. Tuy nhiên chính týp người như Oskar Schindler lại hiếm khi bị ghìm cương bởi suy nghĩ của kẻ khác. Với đầu óc nhạy bén và sự tự tin hơn người, ông chỉ làm những việc mà ông cho là đúng. Do đó mà tư tưởng phát xít không thể ảnh hưởng đến con người của ông.
Tâm tính của gã tài phiệt hào nhoáng bắt đầu thay đổi kể từ khi gặp Itzhak Stern, một viên kế toán Do Thái sành sõi công việc kinh doanh, cộng sự đắc lực của Schindler trong việc điều hành nhà máy, nơi được coi là thiên đường cứu rỗi người Do Thái. Chính sự tận tâm, khiêm nhường cùng đôi mắt luôn toát lên nỗi âu lo về số phận của mình và đồng bào, Stern đã dần dần khơi dậy lòng trắc ẩn bên trong Schindler.
Trong phân cảnh bước ngoặt của phim, khi Oskar Schindler thẫn thờ ngồi trong văn phòng cùng Itzhak Stern, bàng hoàng khi nghe tin toàn bộ người Do Thái tại Krakow sẽ bị chuyển đến trại hành quyết Auschwitz. Cuộc nói chuyện giữa hai con người ấy mang sắc thái trầm lặng nhưng có sức biểu đạt hơn ngàn lời nói. Những giọt nước mắt của Stern, cái chết đầy ám ảnh của em bé áo đỏ, số phận thảm thương của người Do Thái, tất cả những hình ảnh đó đã khơi dậy con người chính trực bên trong Oskar Schindler và là tiếng gọi xác quyết để ông đi đến quyết định cuối cùng khiến muôn đời nhớ mãi.
Bản danh sách của sự sống
Với Schindler’s List, đạo diễn Steven Spielberg đã tạo nên ba tiếng đồng hồ giàu cảm xúc, dẫu nhiều thương đau nhưng chất chứa những hy vọng bằng một thứ ngôn ngữ điện ảnh bậc thầy, đem đến những phân cảnh khiến khán giả phải lặng người ghê sợ bởi sự tàn bạo của Đức Quốc xã và nghiêng mình kính phục sự cao cả và chính trực của Oskar Schindler.
Trong cơn hỗn mang trên đường phố Ba Lan, hàng ngàn người Do Thái hoặc bị bắt đi hoặc bị bắn chết, những gia đình bị chia cắt, những đứa trẻ phải trốn chui lủi trong các căn hầm hay cống rãnh, hình ảnh một bé gái vô danh mặc chiếc áo đỏ lấm lem bùn đất đi lang thang, trơ trọi giữa dòng người xuất hiện nổi bật lên trong khung hình đen trắng. Sự bơ vơ, cô độc nhuốm trong đôi mắt ngây thơ của em đã gây ra một nỗi ám ảnh cực mạnh đến không chỉ Schindler mà còn cả người xem. Em là ai? Tên là gì? Cha mẹ em còn sống hay đã chết? Luật lệ nào, thánh thần nào cho phép kẻ khác tước đi sinh mạng của em, gia đình em và đồng bào em?
Xuyên suốt bộ phim là những hình ảnh đối lập mà Steven Spielberg sử dụng để nhấn mạnh sự tăm tối của thời kì đó. Bản danh sách mà các sĩ quan Đức Quốc xã tạo ra để quản lý người Do Thái, được dùng để điểm danh trong các trại tập trung, rồi để gọi tên những người mà chúng đem đi hành quyết trong lò hơi ngạt tại Auschwitz, bản danh sách này đối lập hoàn toàn với bản danh sách của Schindler. Một bên chỉ là những con chữ lạnh lùng, tước đi nhân tính và sự sống của người Do Thái. Một bên là “bản danh sách của sự sống”, đã giải cứu hơn 1.000 sinh mạng, mở ra cánh cửa dẫn đến cuộc sống cho những thế hệ mai sau.
Bình bàn
Đạo diễn huyền thoại Stanley Kubrick đã có lời nhận xét hết sức hà khắc dành cho tác phẩm của Steven Spielberg: “Nạn diệt chủng người Do Thái của phát xít Đức đã cướp đi sinh mạng của sáu triệu người, trong khi Schindler’s List thể hiện việc chỉ có 600 người trốn thoát như một điều gì đó hết sức thành công”.
Mặc dù một cá nhân Oskar Schindler đã cứu được 1.000 người Do Thái nhưng chúng ta chớ quên đã có hàng triệu người Do Thái khác đã ngã xuống chỉ vì sự tàn ác bệnh hoạn và sự thù ghét đến từ một cá nhân khác là Adolf Hitler, kẻ thậm chí còn có thể biến sự thù ghét của bản thân thành sự thù ghét giữa hai dân tộc.
Chiến tranh, hay cái ác luôn có sức tàn phá khủng khiếp và để lại những vết sẹo khó chữa lành. Tuy nhiên nhân loại sẽ không bao giờ ngừng đấu tranh vì một thế giới nơi bất cứ ai cũng có quyền được sống. Rồi đây Schindler’s List sẽ còn vang mãi trong lòng khán giả, không chỉ vì sự xuất sắc về mặt điện ảnh của nó mà còn vì tiếng nói mà nó đại diện, vì ý nghĩa mà nó mang lại và những lời nhắc nhở đến với nhân loại về sự hận thù, về chiến tranh và về việc quý trọng cuộc sống mà ta đang có.