Ban Chấp hành Đảng bộ Hà Nội xem xét nhiều nội dung quan trọng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sáng 11/1, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII khai mạc Hội nghị lần thứ mười một, xem xét nhiều nội dung quan trọng.

Theo đó, Hội nghị sẽ nghe, cho ý kiến về báo cáo kết quả thực hiện công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị năm 2022, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023; báo cáo kiểm điểm công tác lãnh đạo, chỉ đạo năm 2022 của Ban Thường vụ Thành ủy; báo cáo công tác tài chính của Đảng bộ thành phố Hà Nội năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.

Hội nghị cũng sẽ thảo luận, cho ý kiến thông qua các kế hoạch, chương trình hành động của Thành ủy thực hiện 10 nghị quyết của Ban Chấp hành T.Ư và Bộ Chính trị vừa được ban hành thời gian qua.

Ban Chấp hành Đảng bộ Hà Nội xem xét nhiều nội dung quan trọng ảnh 1

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng thông tin, năm 2022, Thành ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa, quán triệt thực hiện các văn bản chỉ đạo của T.Ư, thành phố, đồng thời, ban hành nhiều văn bản mới về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và công tác cán bộ; triển khai quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm, những nhiệm vụ có tính chất chiến lược, căn cơ, lâu dài, liên quan đến sự phát triển của Thủ đô trong giai đoạn tới.

Thành ủy, HĐND, UBND và toàn hệ thống chính trị thành phố đã tập trung thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội theo hướng: "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19". Kinh tế phục hồi tăng trưởng 8,89%, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây và vượt kế hoạch đề ra; quản lý và phát triển đô thị chuyển biến tích cực; hạ tầng đô thị được duy trì tốt; văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển, chất lượng giáo dục được giữ vững; an sinh xã hội được đảm bảo.

Theo ông Dũng, bên cạnh những kết quả toàn diện và đáng khích lệ đã đạt được trong năm qua, thành phố cũng thẳng thắn, nhìn nhận vẫn còn những hạn chế, tồn tại trong công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị cũng như công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Dũng đề nghị, các đại biểu tập trung phân tích, đánh giá một cách khách quan, toàn diện về kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; dự báo các yếu tố có thể tác động và ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; đồng thời, phân tích, đánh giá sâu về các tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và chỉ ra các nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế, nhất là các nguyên nhân chủ quan để đề xuất, bổ sung các giải pháp, phương hướng khắc phục có tính đột phá, tính hiệu quả và tính khả thi cao; trong đó, cần đặc biệt chú trọng lựa chọn, đề xuất những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong năm 2023.

Về Báo cáo kiểm điểm của Ban Thường vụ Thành ủy năm 2022, ông Dũng đề nghị các đại biểu tích cực tham gia, cho ý kiến về kết quả kiểm điểm, tự phê bình và phê bình của Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy năm 2022. Đặc biệt cần phân tích, đánh giá sâu 11 nhóm hạn chế trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ xây dựng Đảng, hệ thống chính trị - xã hội và 6 nhóm hạn chế trong công tác lãnh đạo nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; đóng góp các giải pháp khả thi, hiệu quả để giúp Ban Thường vụ Thành ủy tiếp thu, xây dựng kế hoạch, quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục bằng được những hạn chế, tồn tại đã được chỉ ra.

Đối với các kế hoạch, chương trình hành động của Thành ủy thực hiện các Nghị quyết của Ban Chấp hành T.Ư và một số nghị quyết của Bộ Chính trị khóa XIII, ông Dũng lưu ý các đại biểu tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến đối với kết cấu của các kế hoạch, chương trình hành động; về sự phù hợp, đồng bộ của các mục tiêu, chỉ tiêu; về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và về chỉ đạo tổ chức thực hiện, phân công nhiệm vụ, lộ trình, tiến độ…

MỚI - NÓNG