Trao đổi với báo chí ngày 19/5, ông Quảng Đức Tuyên - Phó Chánh án TAND Cấp cao tại TP HCM cho biết, trước khi ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm vụ án, đoàn công tác của cơ quan này đã cân nhắc rất kỹ.
Đoàn đã làm việc với TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, với HĐXX cấp sơ thẩm và phúc thẩm của vụ án; lắng nghe các ý kiến, căn cứ để đưa ra quyết định đối với cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm. Từ đó, tổ công tác mới đề nghị Ủy ban thẩm phán TAND Cấp cao hủy bản án phúc thẩm tuyên phạt Nguyễn Khắc Thủy (78 tuổi) 18 tháng tù treo về tội Dâm ô trẻ em để xét xử lại theo đúng pháp luật.
"Chúng tôi đã tiếp cận toàn bộ hồ sơ vụ án để đánh giá nghiêm túc, khách quan đối với các chứng cứ. Việc ra quyết định kháng nghị là dựa trên các căn cứ chứ không phải vì bị áp lực bởi dư luận", ông Tuyên nói.
Theo ông Tuyên, Bộ luật TTHS 2015 quy định có 3 căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án hình sự là: vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án; có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật; kết luận trong bản án, quyết định của tòa án không phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án.
Vi phạm tố tụng
Ở giai đoạn đầu vụ án, cơ quan điều tra đã khởi tố 5 hành vi, nhưng sau đó VKS chỉ truy tố 2 hành vi dâm ô đối với hai nạn nhân là trẻ em. Quá trình xử sơ thẩm, HĐXX đã đánh giá chứng cứ, lời khai tại tòa và tuyên mức án 3 năm tù đối với Nguyễn Khắc Thủy. Bị cáo kháng cáo kêu oan và toà phúc thẩm đã tuyên giảm án xuống còn 18 tháng tù treo.
HĐXX phúc thẩm đánh giá rằng, bị cáo chỉ có hành vi dâm ô với một nạn nhân, còn với cháu bé khác thì không đủ cơ sở vì chứng cứ yếu. Nạn nhân này đã đủ 11 tuổi, phát triển bình thường, học giỏi. "Nếu bị xâm hại từ phía Nguyễn Khắc Thủy thì phải có hành vi chống trả, vùng vẫy kêu cứu chứ không thể để bị xâm hại trong khoảng thời gian 10-15 phút được", bản án phúc thẩm nêu.
Phó Chánh án TAND Cấp cao cho rằng, nhận định này của bản án phúc thẩm là chủ quan, không đúng với tính cách của bị hại và thực tế khách quan được thể hiện trong hồ sơ vụ án cũng như tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm. Bởi theo lời khai của nạn nhân, bị cáo Thủy đứng ngoài cửa sổ, tay trái nắm lấy tay của bị hại còn tay kia thực hiện hành vi dâm ô nên bị hại không thể vùng vẫy thoát ra được. Nhân chứng đứng cách đó khoảng 10 m và đã nhìn thấy rõ hành vi của bị cáo.
"Hơn nữa, toà đang đánh giá hành vi của bị cáo chứ không phải xem xét thái độ, hành vi của nạn nhân. Không thể cho là cháu bé phải có hành vi phản kháng, vùng vẫy vì là người bình thường, học giỏi. Mặt khác, giả sử nạn nhân không vùng vẫy, phản kháng thì bị cáo vẫn phạm tội", ông Tuyên phân tích và khẳng định "căn cứ theo các quy định của pháp luật và nghị quyết hướng dẫn của TAND Tối cao thì không thể áp dụng án treo trong trường hợp này".
Thẩm phán tuyên án treo bị đình chỉ xét xử
Trước đó, Chánh án TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ra quyết định tạm đình chỉ nhiệm vụ xét xử đối với ông Huỳnh Ngọc Thiện (chủ tọa phiên phúc thẩm xét xử Nguyễn Khắc Thủy) để kiểm điểm trách nhiệm. Quyết định của thẩm phán Thiện trước đó về việc giảm án cho ông Thủy đã khiến dư luận bức xúc, phản đối, nhiều cơ quan tổ chức lên tiếng.
Theo nội dung vụ án, tháng 5/2014, Nguyễn Khắc Thủy dùng tay xâm hại bộ phận sinh dục của một bé gái 11 tuổi sống cùng chung cư. Bạn của bé gái đến nhà chơi chứng kiến toàn bộ sự việc.
Trước đó một tháng, Thủy sờ vào bộ phận nhạy cảm của bé gái 6 tuổi khi đang chơi đùa với anh trai ở khu vực cầu trượt trong khuôn viên chung cư.
Sau thời gian dài gia đình các nạn nhân khiếu nại, tố cáo, tháng 8/2016, Công an TP Vũng tàu mới khởi tố vụ án. Cuối năm ngoái, TAND TP Vũng Tàu xử sơ thẩm tuyên phạt Nguyễn Khắc Thủy 3 năm tù.