Vụ Công ty AIC thông thầu:

Bản án có hiệu lực với Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng nhóm bỏ trốn

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tại phiên phúc thẩm hôm qua, 24/5, HĐXX phán quyết, bản án sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn (chủ tịch Công ty AIC) cùng nhóm đồng phạm đang bỏ trốn, chính thức có hiệu lực kể từ ngày tuyên án phúc thẩm.

Cựu Giám đốc bệnh viện được giảm án

Sau 3 ngày xét xử và nghị án, sáng 24/5, TAND Cấp cao tại Hà Nội bác toàn bộ kháng cáo tuyên y án sơ thẩm 12 năm tù với bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga (cựu Phó Tổng giám đốc Công ty AIC) về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Bản án có hiệu lực với Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng nhóm bỏ trốn ảnh 1

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng 7 bị cáo đang bỏ trốn

Đối với Phan Huy Anh Vũ (cựu Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai), bị cáo này được tòa chấp nhận một phần kháng cáo, giảm 3 năm tù giam. Trước đó, cấp sơ thẩm tuyên ông Vũ 19 năm tù cho hai tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Nhận hối lộ”. Như vậy, tổng hợp hình phạt chung cho hai tội, bị cáo Vũ phải lĩnh là 16 năm tù.

Các bị cáo Vũ Quang Ngọc (cựu Phó Giám đốc Công ty Mediconsult) và Lê Chí Tuân (Trưởng nhóm hồ sơ Ban quản lý dự án 1, Công ty AIC) mỗi người được giảm 6 tháng tù giam. Trước đó,họ bị cấp sơ thẩm tuyên lần lượt 36 và 42 tháng tù.

Đối với 2 bị cáo là Lê Thị Hương (Phó Ban kế toán AIC, cấp sơ thẩm tuyên 36 tháng tù giam) và Huỳnh Tuấn Anh (Giám đốc Công ty TNHH Tạ Thiên Ân, bị cấp sơ thẩm tuyên 30 tháng tù giam), cấp phúc thẩm quyết định sửa bản án hình sự sơ thẩm của hai bị cáo này, chuyển từ tù giam thành được hưởng án treo.

HĐXX cấp phúc thẩm cũng ra phán quyết: Với phần quyết định của bản án sơ thẩm đối với các bị cáo đang bỏ trốn, gồm: Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Trần Mạnh Hà, Nguyễn Đăng Thuyết, Đỗ Mỹ Hạnh, Ngô Thế Vinh, Nguyễn Thị Tích, Nguyễn Thị Sen, Đỗ Văn Sơn, chính thức có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án phúc thẩm.

Cựu Phó tổng giám đốc AIC chưa tích cực khắc phục hậu quả

HĐXX nhận định, trong vụ án, bị cáo Phan Huy Anh Vũ với vai trò là Giám đốc Bệnh viện, đại diện chủ đầu tư, được giao trách nhiệm quản lý Dự án theo quy định của pháp luật, nhưng Vũ tiếp nhận sự chỉ đạo của cựu Bí thư Tỉnh ủy Trần Đình Thành, cựu Chủ tịch tỉnh Đinh Quốc Thái bàn bạc, thống nhất với Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Hoàng Thị Thúy Nga, Trần Mạnh Hà tạo điều kiện cho Công ty AIC trúng 16 gói thầu, gây thiệt hại cho Nhà nước. Bị cáo Vũ còn trực tiếp thực hiện và chỉ đạo đồng phạm thực hiện hành vi "thông thầu", nhận tiền từ Nguyễn Thị Thanh Nhàn 14,8 tỷ đồng.

Bị cáo Vũ Quang Ngọc, với nhiệm vụ đơn vị tư vấn, đã thông đồng, móc ngoặc với Công ty AIC và Bệnh viện Đồng Nai, tạo điều kiện cho Công ty AIC nắm bắt trước cấu hình, thông số kỹ thuật để chuẩn bị hồ sơ dự thầu; lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu tạo lợi thế để Công ty AIC trúng thầu.

Các bị cáo: Lê Chí Tuân, Lê Thị Hương là nhân viên của Công ty AIC, tham gia với vai trò là đồng phạm giúp sức, là người làm công hưởng lương. Bị cáo Huỳnh Tuấn Anh, thực hiện hành vi thông thầu thông qua việc ký khống 13 bảng báo giá thiết bị giúp Công ty AIC và các công ty “quân đỏ”, được hưởng lợi số tiền hơn 643 triệu đồng do được bán 3 thiết bị vào dự án.

Riêng bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga, với cương vị Phó Tổng giám đốc phụ trách dự án, Trưởng Ban 1 của Công ty AIC, đã giúp sức tích cực cho bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, là người trực tiếp chỉ đạo thực hiện hành vi vi phạm quy định về đấu thầu tại Dự án xây dựng Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai.

HĐXX cấp phúc thẩm cho rằng, cấp sơ thẩm đã nhận định, đánh giá về tính chất, mức độ hành vi phạm tội, hậu quả của tội phạm, vai trò trách nhiệm của bị cáo Nga trong vụ án là có căn cứ.

Tại cấp phúc thẩm, bị cáo Nga chưa thể hiện thái độ tích cực trong việc khắc phục hậu quả xảy ra, đồng thời bị cáo này cũng không xuất trình thêm tài liệu mới để xem xét. “Tòa án cấp sơ thẩm đã cân nhắc các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và xử phạt bị cáo 12 năm tù là phù hợp. Do đó, không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga về phần hình phạt”, HĐXX cấp phúc thẩm nhận định.

Về dân sự, tòa bác kháng cáo xin được nộp toàn bộ hậu quả của vụ án là 152 tỷ đồng của bị đơn dân sự là Công ty AIC

Theo nội dung vụ án, vì muốn Công ty AIC của mình trúng 16 gói thầu cung cấp trang thiết bị y tế tại dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn thiết lập quan hệ với các ông Trần Đình Thành (cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai) và Đinh Quốc Thái (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai) để được giới thiệu gặp gỡ các quan chức trong tỉnh. Bà Nhàn và thuộc cấp đã hối lộ ông Thành và ông Thái mỗi người 14,5 tỷ đồng, riêng Phan Huy Anh Vũ nhận 14,8 tỷ đồng để “tạo điều kiện” cho Công ty AIC “thông thầu”, trúng 16 gói thầu, trị giá hơn 665 tỷ đồng, qua đó gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 152 tỷ đồng.Vụ án có 36 bị cáo, trong đó có 11 người là cựu lãnh đạo tỉnh, cán bộ sở ban ngành tại Đồng Nai.

Án sơ thẩm tuyên ông Trần Đình Thành 11 năm tù và Đinh Quốc Thái 9 năm tù giam về tội “Nhận hối lộ”. Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn lĩnh tổng cộng 30 năm tù cho hai tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Đưa hối lộ”. Các bị cáo khác lĩnh các mức án từ 30 tháng tù treo đến 25 năm tù giam.

MỚI - NÓNG
Vụ xe cẩu cắm đầu xuống mương tránh ô tô 16 chỗ vượt ẩu: Giây phút quyết định sự sống còn của lái xe
Vụ xe cẩu cắm đầu xuống mương tránh ô tô 16 chỗ vượt ẩu: Giây phút quyết định sự sống còn của lái xe
TPO - "Sau khi nghe tiếng nổ, chạy ra và thấy người lái xe bị mắc kẹt trong ca bin ô tô gặp nạn đang giơ tay lên như kêu cứu, tôi liền hô hào người dân xung quanh đến cậy cửa giải cứu tái xế,... rất may nạn nhân còn sống”, chị Hà Thị Chiên – nhân chứng vụ tai nạn kể lại.