Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng . |
Đề bài
Trong bài diễn văn tại lễ bế giảng của Đại học Syracus, George Saunders đã tâm sự rằng:"Điều khiến tôi tiếc nhất trong đời mình là những lần để lạc mất lòng tốt". Suy nghĩ của anh (chị) về lời tâm sự trên?
Bài làm
"Nếu có ước muốn cho cuộc đời này, hãy nhớ ước muốn cho thời gian trở lại." Không chỉ để một lần nữa được sống trong kỷ niệm xưa đẹp tươi đầy mơ mộng, mà còn là bởi, có những điều khiến ta mãi day dứt và tiếc nuối, khao khát được làm lại, được sửa sai. Đối với bất kì ai, những điều như thế hẳn phải nhiều lắm. Nhưng với George Saunders, thì chỉ có một mà thôi. Trong bài diễn văn tại lễ bế giảng tại Đại học Syracus , ông đã tâm sự rằng: "Điều khiến tôi tiếc nhất trong đời mình là những lần để lạc mất lòng tốt". Không những là lời tâm sự, đằng sau đó còn là lời khuyên của con người từng trải, từng vấp váp, muốn gửi tới tuổi trẻ "sáng lạn nhiệt huyết mà những năm tháng tươi đẹp nhất trong cuộc đời còn đang ở phía trước".
"Lòng tốt", ấy là phần thiện lương tốt đẹp hiển hiện trong nhân cách con người, được bộc lộ qua cách ta cư xử, nâng đỡ và gắn kết với nhau trong đời sống. Nó không hẳn là một chuẩn mực để đánh giá xem con có phải đứa con hiếu thảo, em có thật là người học trò biết tri ân, hay chúng ta đã xứng đáng với tấm gương của các bậc anh hùng thế hệ trước hay chưa. Nhưng có một chuyện cần phải khẳng định, lòng tốt khiến người trở nên "người" hơn. Nếu phần "con" thuộc về bản năng tạo hóa ban tặng, thì phần "người" cần cả quá trình tu dưỡng. "Để lạc mất lòng tốt" chính là biểu hiện việc tu dưỡng kia còn chưa đến nơi đến chốn, để sự vị kỉ che mờ những phẩm chất tốt đẹp chưa có hình hài rõ rệt dù có thể đang manh nha trong ta. Điều ấy, hơn bất cứ bi kịch nào gây thiệt hại về vật chất, hay những cảm giác khó chịu mà ta muốn quên đi vì một điều không hay nào đó ta từng gặp phải, mới chính là thứ thực sự đáng day dứt cả một đời người.
Có lẽ ai trong chúng ta, từ nhỏ đã biết nói câu "giá mà...". Đó là lúc cô chữa bài mới nhận ra một câu trắc nhiệm mình làm đúng rồi lại gạch đi; là khi cố tình đi đường vòng tránh cô giám thị do trễ học mà gặp cô ngay trên con đường ấy; hay lúc trước đó tìm hoài không ra chiếc khăn quàng đỏ để rồi đi muộn... Lớn hơn càng thêm chuyện khiến ta cứ ao ước mãi giá mà được làm lại. Một cuộc tình dang dở, những thất bại đầu đời, hay đơn giản chỉ là lần nạp thẻ điện thoại quá hạn khuyến mại. Có quá nhiều thứ cần thay đổi để cuộc sống bớt va vấp nhiều hơn, ai cũng nghĩ thế. Nhưng hình như hiếm ai suy nghĩ theo hướng phải va vấp, mới thực là cuộc sống; chính va vấp, mới khiến ta rút kinh nhiệm, cẩn trọng hơn, và có trách nhiệm hơn với cuộc sống này. Đừng quên một bức họa kiệt tác được đấu giá bạc triệu, đằng sau những đường nét xem như tuyệt mỹ ấy, là vô số nét sai trước đó đã được tẩy mờ đi. Vậy nên, với George Saunders, cảnh nghèo túng kéo dài, những tình huống xấu hổ, hay bệnh tật liên miên, đều không làm ông day dứt.
Nói tới đây, hình như đã có vài người hình dung tới một tấn bi kịch, hay thậm chí, một thảm họa đổ ập xuống mới khiến người đàn ông ngũ tuần kia trăn trở bấy lâu. Điều ấy còn tùy vào cách nhìn nhận của các bạn. Nếu nghĩ chuyện đó là biến cố lớn trong đời sống, thì bạn đã phải thất vọng rồi. Bởi vì đó chỉ là một câu chuyện mà tuổi thơ ai cũng có thể có. Nhưng chính những cảm nhận tự sâu thẳm nhân tâm, sẽ khiến chuyện đó trở thành điều mà bốn mươi năm sau, ta vẫn còn nghĩ mãi, trăn trở mãi trong nỗi day dứt. Câu chuyện ấy, chẳng qua chỉ là một cô bạn mới vào lớp, nhưng nhanh chóng trở thành tâm điểm của sự kì thị xa lánh, chỉ vì bề ngoài không giống bạn bè, và tính cách e dè, hay xấu hổ. Tất cả khiến cô bị tổn thương và cô lập. Câu chuyện dừng lại sau khi cô chuyển đi, và không bao giờ George gặp lại cô nữa. Điều khiến ông day dứt, không phải vì ông đã tham gia trò trêu ghẹo ấy, ngược lại, ông đã tử tế với cô, đã nhận ra cảm giác bị tổn thương cô từng trải, thậm chí còn thấu hiểu cả những tâm tư không chia sẻ được cùng ai của cô bé. Rõ ràng, cậu bé George bấy giờ tốt hơn rất nhiều so với đám bạn đồng trang lứa. Nhưng ông lại gọi đấy là một lần "đánh rơi lòng tốt". Bởi vì dù không xa lánh cô, George đã không làm gì nhiều hơn để giúp cô được hòa đồng. Thậm chí chính cậu cũng giữ khoảng cách với cô. Những gì cậu làm cho cô, chỉ dừng lại ở mức "vừa phải", vẫn còn quá dè dặt trong khi mình có khả năng để làm tốt hơn thế. Chỉ nhìn từ xa thì dù có thấu hiểu tâm sự, cũng không khiến tâm sự ấy nguôi ngoai đi. Cậu tốt hơn hẳn đám bạn kia, dù chúng không hẳn đã là bọn xấu, chỉ là chúng hơi vô tâm, hơi ác ý, không đủ để gây tai họa nhưng đủ để làm tổn thương cô bạn nhỏ kia. Nhưng cậu chưa phải là người có lòng tốt, thậm chí còn bị ảnh hưởng từ đám đông đùa ác kia mà e dè trước cô. Những nhận thức ấy chỉ trở nên rõ rệt khi cô bé không còn đó, tức là cậu chẳng thể chuộc lại lòng tốt mình nợ cô. Bởi vậy mà bốn mươi năm sau, cậu bé - nay đã trở thành người đàn ông từng trải, hiểu đời - vẫn day dứt, vẫn nuối tiếc vô cùng.
Diễn văn của nhà văn George Saunders trong lễ bế giảng tại Đại học Syracuse được lan truyền nhanh chóng, xuất hiện cả trên trang điện tử của New York Times, và đem lại niềm cảm hứng cho nhiều độc giả.. |
Dù bạn đã từng trăn trở vì những chuyện tương tự hay chưa, hãy biết phân biệt giữa một bên là không làm chuyện xấu, một bên là sưởi ấm tâm hồn nhau bằng lòng tốt. Đây không phải điều xã hội ngoài kia đòi hỏi ở bạn, mà trong chính bạn, đâu đó đang vang lên lời kêu gọi hãy làm việc tốt. Bởi "cho" và "nhận" tồn tại khăng khít như hai mặt của vấn đề, trao nhau nghĩa cử đẹp, trước tiên chính bạn đã để lòng nhân ái được tồn tại trong tâm hồn mình, và nuôi dưỡng nó bằng những gì ngọt lành trìu mến nhất. Từ đó mà sau khi từ bỏ ngôi vị thế tử muốn gì được nấy để sống một cuộc sống bình dị, thậm chí có phần khổ hạnh, ẩn chứa trong thân hình đã tiều tụy đi nhiều của Tất Đạt Đa, là bản thể lớn lao hơn nhiều: Đức Phật. Ngược lại, dù không tự tay làm chuyện bất lương, nhưng bàng quan vị kỉ khi kẻ khác làm chuyện như thế, chính ta đã trở nên vô cảm - thứ bệnh "ung thư tâm hồn", thứ "ngọn nguồn của tội ác" làm cằn khô chất người trong ta mà một khi đã xuất hiện và tác quái sẽ không nhân tính nào tồn tại được.
Lâu nay, ta vẫn thường nghe: "nhân chi sơ, tính bản thiện" (người sinh ra, tính vốn lành). Bản chất tốt đẹp ở trong mỗi chúng ta, dù chưa được tu dưỡng để tỏa ánh hào quang soi rọi cho bao con tim thiện nam tín nữ khác thì chí ít cũng tự soi rọi cho mỗi hành động của chính bản thân mình. Kể cả ở "con quỷ dữ làng Vũ Đại" như Chí Phèo, thiện lương vẫn tồn tại để Chí quyết tâm kết thúc bi kịch đời mình, tránh cho mình cảnh phải tiếp tục thỏa hiệp với Bá Kiến, tiếp tục làm quỷ dữ. Nhưng, để đến như Chí đã là quá muộn, và thứ lóe lên kia, chỉ là chút bùng cháy của ngọn đèn cạn dầu mà thôi. Chúng ta đang sống trong xã hội văn minh cùng những người văn hóa. Phải chăng cái thời đại mà những người bần cố nông bị xã hội xô đẩy đến chỗ lưu manh hóa kia đã lùi xa lắm rồi? Xin nói một lời rằng chừng nào lòng tốt vẫn không thể thiếu để tạo nên chất người, thì cuộc đấu tranh bảo vệ lòng tốt vẫn còn cần hiện diện dưới mọi hình dạng trong đời sống. Cậu bé George một lần đánh rơi lòng tốt mà day dứt mãi, giờ đây đã trở thành nhà văn nổi tiếng, đồng thời là giáo sư Đại học Syracuse của Mỹ. Vậy còn chúng ta? Có ai dám tự tin một lần đánh rơi chưa phải một lần đánh mất, nhất là khi để rơi giữa dòng đời phức tạp và nhiêu khê xô đẩy ta từ mọi phía? Chẳng phải vì tin mình chưa phải người xấu khi lần đầu nhìn kẻ gian móc túi người khác nhưng im lặng, mà có những lần thứ hai, thứ ba... và từng bước trở nên vô cảm với đồng loại hay sao? Ta ích kỉ trước người tốt, ta sợ hãi trước kẻ xấu, ta lừa dối trước chính bản thân mình. Vậy nên cuối cùng, ai kia mất cái ví tiền, nhưng ta mất đi nhân tính. "Cho" và "nhận" gắn bó thế nào, thì "giữ và "mất" cũng khăng khít tương tự vậy.
Đánh rơi lòng tốt, điều ấy đáng trăn trở. Đánh mất sự nhân ái, điều ấy còn đau xót hơn mọi cuộc phá sản trên sàn giao dịch. Nhưng chúng quá thường tình tới nỗi nhiều người đang sa chân vào vũng lầy mà không biết. Phải, vì những cạm bẫy ấy không phải lúc nào mắt ta cũng chịu mở to nhìn cho rõ, và vì có vẻ mâu thuẫn, nhưng thói vị kỉ cũng là bản chất như tính thiện lương vậy. Thậm chí còn ăn sâu hơn và che lấp phần kia. Tuy "căn bệnh" ấy dễ nhiễm mà khó chữa lành, nhưng George Saunders cũng đã khẳng định, hãy làm một bệnh nhân tích cực và chủ động, kiếm tìm phương thuốc giải nhiều khi chính là liều thuốc hiệu quả nhất. Hãy tới với những gì hướng tâm hồn ta tới cái đẹp, răn nhận thức ta tỉnh táo trước cái xấu: giáo dục, nghệ thuật, văn hóa truyền thống và các ứng xử đẹp trong đời sống. Đây là hành trình cả đời, song song hay thậm chí kéo dài hơn cả sự nghiệp tiến thân của mỗi người. Vậy nên nếu bạn còn trẻ, hãy tìm tới những người trải đời hơn và lắng nghe họ. Chắc chắn bạn sẽ cảm thấy việc phải khẩn trương lên trên hành trình ấy cần thiết tới mức nào.
George Saunders đã chủ động làm điều ấy, và với vai trò người đi trước tâm sự với các sinh viên Đại học Syracus. Tôi tin đây cũng là một biểu hiện của lòng tốt nơi ông. Và tôi còn tin việc không biết đón nhận lòng tốt một cách chân thành, cũng đáng day dứt như một lần đánh rơi lòng tốt vậy.
Theo Phạm Nhật Minh (Lớp 11A - THPT Hồng Quang, Hải Dương)/
Vietnamnet