Bài văn điểm 0 và lời phê của giáo viên
> Bạo lực học đường vào... bài thi
Với đề văn yêu cầu viết về bạo lực học đường, mới đây một học sinh đã lấy việc số lượng quạt “không có giá trị thực tiễn” và tình trạng nóng nực trong lớp học như một ví dụ “bạo lực về vấn đề tâm lý”.
Bài văn viết về tình trạng bạo lực học đường với một góc nhìn khác đã bị cô giáo chấm 0 điểm với những lời đánh giá của giáo viên. |
Lời phê dành cho bài văn là hai gạch đầu dòng: “Ý thức kém. Em cần chấn chỉnh ngay”.
Phần sau bài văn, em học sinh sử dụng một loạt kiến thức... vật lý để mô tả về khoảng cách của chiếc quạt đối với học sinh hay kiến thức sinh học để nêu lên tác hại của cái nóng đến sức khỏe của học sinh!
Một lần nữa bài văn 0 điểm lại xới đến vấn đề học văn, chấm văn trong nhà trường.
Phải theo hướng dẫn để đạt điểm chuẩn
Để tìm hiểu rõ hơn những câu chuyện xung quanh bài văn được cư dân mạng truyền cho nhau, ngày 14-5 phóng viên đã trao đổi với cô Nguyễn Thị Giang - người trực tiếp ra đề và chấm điểm bài văn này.
Cô Giang cho biết đây là bài văn của em Nguyễn Vũ Anh, học sinh lớp 12A2 Trường THPT Ngô Quyền (Hải Phòng), được chấm điểm cách đây khoảng hai tuần.
Cô Giang cho biết đây là đề văn nằm trong câu nghị luận xã hội (được chấm tối đa 3 điểm) của một bố cục đề thi tốt nghiệp lớp 12.
Theo cô Giang, đây là dạng đề thi mở có định hướng, “trong tài liệu bộ ban hành có hướng dẫn đây là đề mở nhưng phải dựa theo những ý hướng dẫn có sẵn.
Ví dụ như tình trạng bạo lực, rồi nguyên nhân, hậu quả tôi đều đã đưa ra dàn ý để các em dựa vào đấy viết bài”.
Theo cô Giang, việc các em học sinh làm văn phải theo hướng dẫn có sẵn vì muốn các em đạt điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp sắp tới, nhất là khi “đi thi người ta chấm từng 0,5 điểm nên mình cũng phải rèn cho học sinh!”.
Đây không phải lần đầu tiên “bài văn lạ” của các em học sinh làm “lạc đề” bị chấm điểm thấp.
Năm 2009, một bài văn của học sinh lớp 8 bị điểm 4 với lời phê “lạc đề” do chọn một chú mèo làm nhân vật chính cho đề bài “người bạn ấy sống mãi trong lòng tôi”.
Cha của học sinh này đã “kêu cứu” bằng cách gửi bài văn và suy nghĩ của mình cho nhà văn Phạm Xuân Nguyên để hỏi ý kiến.
Gần đây nhất, khoảng tháng 3-2011 cũng tại Hải Phòng, một bài văn dài gần 3.000 chữ, viết kín mười trang giấy thi của một nữ sinh lớp 12 Trường THPT Ngô Quyền trong kỳ thi thử đại học bị điểm 0 vì người viết đã kể lại câu chuyện của một cô bạn thân tuổi học trò yêu thầy giáo dạy mình.
Phê để thức tỉnh học sinh?
Phản ứng chung cho những bài văn “lạ” thường cho rằng tuy các bài văn lạc đề nhưng có lối viết thu hút, lập luận chặt chẽ và suy nghĩ độc lập. Tuy nhiên góc nhìn của các em học sinh đôi khi vì “chệch chuẩn”, không theo một “khung xương” đã được các thầy cô hướng dẫn theo tài liệu ôn thi hay sách giáo khoa nên không thể đạt điểm cao.
Các em cũng thường được nhà trường nhắc nhở, trao đổi lại, trong đó một số trường hợp các “tác giả” hoảng loạn tinh thần một thời gian sau khi nhận ra hậu quả của việc “phóng bút”.
Ngày 10-5, ban giám hiệu Trường THPT Ngô Quyền đã yêu cầu Nguyễn Vũ Anh làm bản kiểm điểm, có xác nhận chữ ký của phụ huynh. Ngày 14-5, em Nguyễn Vũ Anh phải đọc bản kiểm điểm trước lớp học vì đã viết bài văn lạc đề, miêu tả không đúng về tình trạng cơ sở vật chất của trường.
Với trường hợp bài văn của Nguyễn Vũ Anh, khi chúng tôi đặt vấn đề lời phê của giáo viên là để học sinh nhận ra khuyết điểm, có nhiều cách đánh giá bài kiểm tra để không khiến học sinh mất hứng thú học văn, cô Giang giải thích:
“Nếu ngay bài đầu tiên tôi phê như vậy thì mới đáng nói. Đây là quá trình trải qua rất nhiều bài rồi. Vì vậy phê ý thức kém là đánh giá cả một quá trình. Đã nhiều lần nói chuyện riêng, nên cứ tiếp tục thì không biết đến bao giờ trong khi chỉ còn một tuần nữa là thi tốt nghiệp.
Nhiều lần sửa trên lớp nhưng Vũ Anh không làm theo ý giáo viên nên tôi rất buồn. Đây là bài cuối cùng trước khi em ấy thi tốt nghiệp nên tôi phê vậy để em thức tỉnh.
Còn một tuần nữa là nghỉ mà mình cứ ru ngủ mãi thấy rất mệt mỏi. Tôi muốn em ấy phải tỉnh lại. Những bài trước thì không làm như thế, đây là bài duy nhất và tôi đã phải cẩn thận giữ lại chứ không trả cho học sinh”.
Cô Nguyễn Hồng Thúy, hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền, bày tỏ quan điểm: cô Giang phê như vậy nhưng không trả bài lại ngay cho học sinh mà báo cáo sự việc với ban giám hiệu nhà trường nên không có vấn đề.
Theo cô Thúy, cô Giang ra đề là đúng chương trình, cho đề cương làm là đúng yêu cầu.
“Khi sự việc xảy ra, cô Giang phê như thế nhưng không trả bài ngay. Em học sinh làm không theo yêu cầu nên lỗi thuộc về em học sinh - cô Thúy nói - Cô Giang đã công tác bốn năm, giảng dạy ở năm lớp nhưng chỉ có một học sinh như vậy. Không thể thông qua một học sinh để kết luận vấn đề dạy và học văn của nhà trường”.
Đề văn mở, cần nhận xét “mở” để hiểu học sinh hơn Cô Đỗ Tuyết Nga (giáo viên dạy văn, hiệu phó Trường THCS Đông Thái, Tây Hồ, Hà Nội): Các đề văn mở tạo cơ hội cho các em được có cơ hội nói những điều các em cảm thấy, các em nghĩ... mà ít khi các em được bày tỏ trong các đề văn nghị luận văn học hoặc nghị luận xã hội có sẵn trong sách giáo khoa. Vì thế cái thu được lớn nhất của giáo viên sau một bài văn đề mở là hiểu được phần nào tâm tư, nguyện vọng, nếp nghĩ của trò mà có cách giáo dục phù hợp, giúp các em có được cách nhìn nhận ít sai lệch nhất. Với điểm 0 cộng với lời phê lạnh lùng, vấn đề giáo dục cho bài văn với đề bài mở sẽ giảm nhiều giá trị. Tôi tin chắc ngay khi viết các bài văn “lạ”, những em học sinh phần nào cảm thấy vấn đề mà mình đưa ra chưa thật hợp lý nhưng vẫn cứ viết vì em có thể ức chế về tinh thần, có nhu cầu muốn chia sẻ. Cho dù biết là mình không đúng nhưng nếu bị điểm thấp, bị phê bình, học sinh càng ức chế, mà đã ức chế thì khó nhận ra mình sai, chưa kể có thể em sẽ chẳng bao giờ còn hứng thú với việc học văn theo kiểu “văn là người” nữa. Nhiều học sinh đồng cảm với “bài văn 0 điểm” Xuất hiện từ ngày 11-5 trên các trang mạng xã hội, nhiều học sinh đọc xong bài văn “râu ông lý cắm cằm bà văn” đã tự nhận đây là... bài viết về tình trạng cơ sở vật chất của trường lớp mình. Tiếp theo là phản ứng trước giáo viên, cho rằng lời phê như vậy mới là “bạo lực học đường” hay “giáo viên không nhận xét cụ thể, thể hiện sự áp đặt, nắm quyền”. Một số khác cảnh giác hơn, cho rằng có một học sinh nào đó do không đối thoại được với nhà trường nên “tự viết tự phê”, chứ “mực chấm của giáo viên không bao giờ là mực đen”. |
Theo Nga Linh - Thân Hoàng
Tuổi Trẻ