Bài thuốc trị dứt điểm bệnh hen suyễn

Bài thuốc trị dứt điểm bệnh hen suyễn
Hen suyễn tùy theo mỗi thể bệnh mà có bài thuốc và những món ăn bổ dưỡng riêng. Hạt tía tô, hạt ý dĩ... có thể trị bệnh rất hiệu quả.

Đông y gọi là háo suyễn, nguyên nhân chủ yếu do ngoại tà xâm nhập, đàm tắc bên trong gây ra. Hen suyễn được chia làm 3 thể phong nhiệt, phong hàn và phong đàm.

Cách chữa chủ yếu là giáng khí, tiêu đàm, tán hàn (nếu ở thể phong hàn) hoặc thanh nhiệt (nếu ở thể phong nhiệt). Ngoài ra, ở bệnh nhân mãn tính, cơ thể suy yếu cần phải bồi bổ bằng các thực phẩm bổ dưỡng hoặc với các loại thuốc bổ khác.

1. Chữa hen suyễn thể phong nhiệt

Ở thể phong nhiệt, người bệnh bị ho, khó thở, trong họng có tiếng khò khè, ngực đầy tức, đờm vàng dính đặc khó khạc, miệng đắng, khát nước, người nóng ra mồ hôi, chất lưỡi màu đỏ, rêu lưỡi vàng dày.

Hạt tía tô
Hạt tía tô.

Cách chữa: Giáng khí bình suyễn, tiêu đàm, thanh nhiệt chống dị ứng.

Dùng bài thuốc Nam:

Hạt tía tô 8-10g, bán hạ 8-10g, sài đất (hoặc lá dâu tằm) 10-12g, hạt ý dĩ 10-12g.

Sắc với 750ml nước, còn lại 200ml, chia 2 lần uống trước bữa ăn, uống thuốc nguội.

Các món ăn có ích cho người bị hen suyễn thể phong nhiệt:

Canh rau hẹ:

Nguyên liệu: Rau hẹ 100g, hoa đu đủ đực 50g, lá dâu tằm 30g tươi.

Cách làm: Hoa đu đủ đực, lá dâu tằm giã nát, hoà với 300ml nước lọc lấy nước (bỏ xác) đem đun sôi. Cho rau hẹ vào đảo đều đến khi sôi lại thì nêm gia vị vừa ăn. Chia 2-3 lần ăn trong ngày. Ăn liên tục 3 ngày, sau đó cách 1-2 ngày ăn một lần.

Có thể chỉ dùng lá dâu tằm 30-50g rửa sạch, nấu với 750ml nước, sắc còn lại 300ml, dùng uống thay nước trà.

Bột lá dâu, lá khế:

Nguyên liệu: Lá dâu 200g, lá khế 50g, hạt tía tô 20g. Tất cả tán bột, ngày dùng 50g, hãm với 100ml nước sôi, uống vào buổi sáng.

Có thể chỉ dùng lá dâu tằm 30-50g rửa sạch, nấu với 750ml nước, sắc còn lại 300ml, dùng uống thay nước trà.

Đinh hương
Đinh hương.

Bột lá táo, kim ngân hoa:

Nguyên liệu: Lá táo ta khô 100g, hoa hoặc lá kim ngân khô 50g, mã đề khô 50g.

Cách làm: Tất cả tán bột, ngày dùng 100g, hãm với 500ml nước sôi, chia 2-3 lần uống trong ngày.

Cháo củ mài (hoài sơn):

Nguyên liệu: Củ khoai mài 200g, nước mía 200ml, nước ép quả lựu 30ml.

Cách làm: Củ mài luộc chín, giã nhỏ. Nấu sôi nước mía, nước ép quả lựu rồi cho củ mài vào đảo đều đến khi cháo sôi lại là được. Chia 2-3 lần ăn trong ngày. Ăn liên tục 5 ngày, sau đó cách 2-3 ngày ăn một lần.

2. Chữa hen suyễn thể phong hàn

Ở thể phong hàn, người bệnh thấy khó thở, tức ngực, ho có đờm màu trắng, cơn phát lúc trời trở lạnh, về đêm. Đau đầu, sợ lạnh, người mát, không ra mồ hôi, không khát nước, nước tiểu trong, rêu lưỡi trắng, chất lưỡi nhạt.

Cách chữa: Giáng khí bình suyễn, tiêu đàm, chống dị ứng, trừ hàn.

Bài thuốc Nam sử dụng:

Hạt tía tô 8-10g, bán hạ 8-10g, nhục quế 8-10g (hoặc khô 8-10g), hạt ý dĩ 10-12g.

Sắc với 750ml nước, còn 200ml, chia 2 lần uống trước bữa ăn, uống ấm.

Các món ăn có ích cho người bị hen suyễn thể phong hàn:

Nước đinh hương, mật ong:

Nguyên liệu: Đinh hương 5-6 nụ, mật ong 50ml.

Cách làm: Nấu sôi đinh hương với 100ml nước, thêm mật ong vào khuấy đều. Chia 2-3 lần uống trong ngày.

Canh rau hẹ, hoa đu đủ đực:

Nguyên liệu: Rau hẹ 100g, hoa đu đủ đực 50g, gừng tươi 10-15g (3 lát nhỏ).

Cách làm: Hoa đu đủ đực, gừng tươi rửa sạch, giã nát, thêm 300ml nước lọc lấy nước (bỏ bã), đun sôi rồi cho rau hẹ vào đảo đều đến khi sôi lại thì nêm gia vị vừa ăn.

Chia 2-3 lần ăn trong ngày. Ăn liên tục 3 ngày, sau đó cách 1-2 ngày ăn một lần.

Xôi bèo cái:

Nguyên liệu: Bèo cái (bèo ván, bèo tai tượng) 50g tươi, gạo nếp 200g.

Cách làm: Bèo cái bỏ rễ lấy lá rửa sạch, phơi khô, tán bột mịn. Gạo nếp đồ thành xôi, trước khi bắc ra, rắc bột bèo cái vào đảo thật đều. Đậy kín vung 5-10 phút.

Chia 3 lần ăn trong ngày, ăn liên tục một tuần, sau đó cách 1-2 ngày ăn một lần.

Nước táo, lá chanh:

Nguyên liệu: Táo ta 100g, lá chanh 50g, hạt cải canh 10g.

Cách làm: Tất cả tán bột, ngày dùng 10g, hãm nước sôi uống vào buổi sáng.

3. Chữa hen suyễn thể phong đàm

Ở thể phong đàm, người bệnh thấy tức ngực, khó thở, ho ra nhiều đờm nhớt, khò khè liên tục, nếu nôn ói ra nhiều đờm dãi thì thấy dễ chịu, miệng nhạt, chất lưỡi bệu, rêu lưỡi dày, nhờn.

Cách chữa: Giáng khí bình suyễn, tiêu đàm (hoặc hoá đàm).

Bài thuốc Nam:

Hạt tía tô 8-10g, bán hạ 8-10g, hạt ý dĩ 10-12g (hoặc bèo cái 10-12g), hạt cải củ 8-10g, trần bì 6-10g.

Sắc với 750ml nước, còn lại 200ml, chia làm 2 lần uống trước bữa ăn, uống ấm.

Các vị thuốc Nam có thể dùng để thay thế:

- Hạt tía tô: Thay bằng trần bì, vỏ chanh, lá hen, lá tràm.

- Bán hạ: Thay bằng lá táo, bồ kết, xạ can (rễ cây rẽ quạt).

- Ý dĩ: Thay bằng thổ phục linh, mã đề, đậu ván.

Các món ăn có ích cho người bị hen suyễn thể phong đàm:

Trứng gà ngâm nghệ:

Nguyên liệu: Trứng gà 1 quả, nghệ vàng 50g, muối ăn.

Cách làm: Dùng kim khoan 2 lỗ nhỏ ở 2 đầu quả trứng gà. Nghệ vàng rửa sạch, giã nhỏ, thêm 100ml nước vào lọc lấy nước, hoà với ít muối (khoảng 1 muỗng cà phê muối là vừa). Ngâm trứng gà vào nước nghệ 3 ngày. Sau đó bỏ vỏ, lấy ruột cho bệnh nhân ăn.

Ba ngày ăn một quả. Ăn liên tục 10 quả.

Nước chanh gừng

Nguyên liệu: Chanh 1 quả, gừng tươi 10g, muối ăn ½ muỗng cà phê.

Cách làm: Đem gừng giã nát với muối ăn rồi cho vào ruột quả chanh. Đem nướng quả chanh trên lửa than đến khi vỏ chanh có màu vàng đều là được.

Ép lấy nước chanh cho bệnh nhân uống 2-3 lần trong ngày. Uống liên tục 5 ngày.

Nước mật ong, quế:

Nguyên liệu: Mật ong 30ml, bột quế 2-3g.

Cách làm: Hòa mật ong, bột quế với 150ml sữa nóng. Chia uống 1 -2 lần trong ngày.

Quế được xem là gia vị có thể chống dị ứng, làm lành vết thương và ngăn chặn lở loét. Quế có thể dùng cho người bệnh hen suyễn do có khả năng làm giãn phế quản và tăng cường chức năng hô hấp.

Món ăn cho người bệnh hen suyễn lâu ngày, khí lực suy yếu.

Cháo thịt vịt nấu nước mía:

Nguyên liệu: Thịt nạc vịt mái 300g, gạo tẻ 100g, nước mía 300ml, gia vị các loại.

Cách làm: Thịt vịt băm nhỏ, ướp gia vị. Nấu cháo gạo tẻ với nước mía. Cháo chín nhừ thì cho thịt vịt vào, đảo đều, đun tiếp cho thịt vịt chín.

Chia ăn ngày ba lần, ăn liên tục một tuần.

Canh cá chép, sa nhân, gừng:

Nguyên liệu: Cá chép 250g, sa nhân 6g, gừng tươi 6g, tỏi băm, muối, đường, nước mắm, tiêu.

Cách làm: Cá chép làm sạch, ướp với nước mắm, muối, đường, tiêu, tỏi băm, khoảng 30 phút.

Nấu cá với sa nhân, gừng với lượng nước thích hợp thành canh. Nêm gia vị vừa ăn. Dùng nóng trong bữa cơm.

Canh cá lóc nấu thìa là:

Nguyên liệu: Dùng phi lê cá lóc (hoặc cá ba sa, cá rô) 200g, cà chua 2 trái, thìa là, hành lá, rau ngò, bột nghệ, nước mắm, muối, tiêu, hành tím băm nhỏ.

Cách làm: Cá cắt miếng nhỏ như quân cờ, ướp vào chút ít bột nghệ, muối, nước mắm, đường. Ướp trong vòng 30 phút cho cá ngấm gia vị. Thìa là rửa sạch, hành lá xắt nhỏ. Cà chua bổ múi cau.

Bắc nồi nhỏ lên bếp, hành tím phi vàng với dầu ăn, đổ cá vào đảo đều cho cá chín. Múc ra bát để riêng. Thả cà chua vào nồi đảo đều cho cà chua chín. Đổ nước lạnh ngập mặt cà chua, nấu sôi. Khi nước sôi, thả cá vào, nêm vào chút nước mắm, muối, đường, nêm lại hợp với khẩu vị. Thả hành lá, thìa là vào. Tắt bếp, múc tô.

Dùng ăn nóng trong bữa cơm.

* Trong canh cá có chứa chất acid béo, tác dụng chống viêm, có ích cho người bị viêm đường hô hấp, phòng chống phát tác cơn hen suyễn, có hiệu quả rất tốt đối với bệnh hen suyễn ở trẻ em, người bị hen suyễn lâu ngày.

Lương y Đinh Công Bảy
Tổng Thư ký Hội dược liệu TP HCM
Theo VnExpress

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.