Bài thơ viết tay của Anne Frank được bán với giá hơn 3 tỷ đồng

Bài thơ viết tay của Anne Frank. Ảnh: EPA
Bài thơ viết tay của Anne Frank. Ảnh: EPA
TPO - Bài thơ viết tay của Anne Frank, cô gái Do Thái sở hữu cuốn nhật ký trong hai năm chạy trốn khỏi Đức Quốc xã, đã được bán đấu giá với giá 140.000 euro, gấp 4 lần mức khởi điểm.

Mới đây, buổi đấu giá bài thơ viết tay của Anne Frank được tiến hành tại Trung tâm đấu giá Bubb Kuyper ở thành phố Haarlem, Hà Lan. Qua hình ảnh chụp lại, bài thơ được viết bằng mực đen trên tờ giấy trắng đã úa màu theo thời gian. Kết thúc bài thơ có chữ ký của Anne Frank.

Khoảng 20 nhà sưu tập đã tham gia phiên đấu giá, cùng với những khách hàng khác qua điện thoại và mạng trực tuyến.

Ban đầu, nhà thầu đưa ra mức giá khởi điểm là 30.000 euro (khoảng 717 triệu đồng). Chỉ mất hai phút sau, bài thơ đã tìm được chủ nhân với giá 140.000 euro (3,3 tỷ đồng).

“Trong 40 năm qua, chỉ có 4 – 5 di vật có chữ ký của Anne Frank được bán”, Thijs Blankevoort, đồng giám đốc trung tâm đấu giá, cho biết.

Năm 1988, loạt bức thư giữa Anne, cô chị Margot và bạn thân người Mỹ được chốt với giá 165.000 USD (3,7 tỷ đồng). Tháng 5 vừa qua, một ấn bản chuyện cổ tích Grimm có tên của hai chị em Anne cũng được bán với giá 50.000 USD (1,1 tỷ đồng), gấp đôi giá ước tính, ở New York.

Bài thơ viết tay của Anne Frank được bán với giá hơn 3 tỷ đồng ảnh 1

Anne Frank. Ảnh: Internet

Anne Frank là một cô gái Do Thái, sinh ra ở Frankfurt vào năm 1929, bốn năm trước khi Hitler lên nắm quyền ở Đức. Trước sự lớn mạnh của Đức Quốc xã, gia đình Anne chạy đến đến thủ đô Hà Lan, Amsterdam. Tại đây, ông Otto, cha của Anne, thành lập một doanh nghiệp và Anne cùng chị gái Margot được đến trường.

Tuy nhiên, năm 1940, Đức Quốc xã chiếm đóng Hà Lan. Những người Do Thái bị kìm kẹp và phân biệt đối xử rất nặng.

Tháng 7/1942, khi Margot nhận được lệnh phải đến một trại lao động, gia đình Anne buộc phải nhượng công ty cho bạn và bỏ trốn.

Trước khi bỏ trốn một tháng, ông Otto đã tặng Anne tập vở có bìa vải hai màu trắng đỏ với một khóa nhỏ cho ngày sinh nhật thứ 13 của cô. Đó cũng chính là thời điểm Anne bắt đầu viết nhật ký mà sau này lưu danh trong làng văn học thế giới.

Trong hai năm, Anne đã viết về cuộc sống, sự sợ hãi, chán nản và bế tắc trong thời gian chạy trốn Đức Quốc xã.

Tháng 8/1944, gia đình Anne lộ tung tích và bị đưa đến trại tập trung. Anne và Margot qua đời do sốt phát ban vào tháng 2/1945, vài tuần trước khi trại được quân đội Anh giải phóng.

Nhật ký của Anne được một người bạn của gia đình giữ an toàn và sau đó trở về tay ông Otto. Năm 1947, ông cho xuất bản “Nhật ký của một cô gái trẻ”. Cuốn sách trở thành tác phẩm văn học để đời, bán được hơn 30 triệu bản với 67 ngôn ngữ.

Riêng bản gốc được trưng bày Anne Frank House ở Amsterdam, thu hút khoảng 1,2 triệu du khách trong năm ngoái.

Theo Theo Guardian
MỚI - NÓNG