Bãi ngủ của người nghèo

Bãi ngủ của người nghèo
TP - Với những người nghèo ở quê lên phố chăm nuôi thân nhân nằm viện thì giấc ngủ nhọc nhằn hơn bao giờ hết.

Chạnh lòng những giấc ngủ trong bệnh viện
> Những giấc ngủ 'vật vã' trong bệnh viện

Chín giờ tối, dọc các hành lang, lối đi của Bệnh viện Trung ương Huế bắt đầu tấp nập người nhà bệnh nhân tìm đến kiếm nơi nghỉ qua đêm. Đa phần họ là những người nghèo ở quê lên, cuộc sống vất vả, thời buổi bão giá nên chuyện thuê nhà trọ qua đêm trở nên quá xa xỉ.

Gương mặt những người nhà bệnh nhân đầy vẻ mệt mỏi, đau buồn, chẳng ai nói với ai lời nào. Tôi cố gắng bắt chuyện.

Ông Nguyễn Văn Đẹt quê ở Lệ Thủy - Quảng Bình, có người nhà nằm ở khoa tim mạch, kể: “Hồi chiều, người em trai của tôi đang đi làm ngoài đồng thì bỗng dưng kêu khó thở, tức ngực, rồi nằm vật ra đó. Nhà nghèo, vợ nó chạy vạy đi mượn quanh được hai triệu, vội vàng bắt xe đem vào bệnh viện. Nghe bác sĩ nói nó bị tai biến mạch máu não, tôi nghẹn ngào, biết lấy tiền ở đâu ra để được phẫu thuật”.

Nói đoạn, ông Đẹt lại nằm xuống đất, kê đầu lên hai chiếc dép làm gối ngủ. Nỗi lo lắng về tính mạng người nhà, về tiền viện phí khiến ông không tài nào chợp mắt được. Thỉnh thoảng, ông lại ngồi dậy châm điếu thuốc hút như để trấn an tinh thần và xua đuổi bầy muỗi.

Đồng hồ điểm 12 giờ đêm, chúng tôi dạo quanh khắp các hành lang, ngõ ngách của bệnh viện lớn nhất miền Trung này. Chỗ nào cũng thấy thân nhân người bệnh nằm ngủ la liệt trên những chiếc chiếu trải trên nền đất. Những người được coi là khá giả hơn thì ngủ trên chiếc ghế xếp. Lạnh lẽo, chật chội khiến giấc ngủ của họ chập chờn.

“Nằm ở đây phơi sương gió một chút nhưng cũng tiết kiệm được 50.000 - 60.000 đồng/đêm. Để dành khoản tiền này chăm con” – chị Trần Thị Hòa, quê huyện Phú Vang - Thừa Thiên Huế, có con trai vừa nhập viện nói.

Bãi ngủ của người nghèo ảnh 1

Nằm cạnh đó là cụ bà Văn Thị Lại, 68 tuổi, quê ở Hà Tĩnh, vừa khóc thút thít, vừa đưa quạt đuổi muỗi cho đứa cháu nội ba tuổi. Con trai bà bị tai nạn giao thông, chấn thương sọ não, nằm điều trị một tuần tốn gần 60 triệu đồng.

“Vợ nó bỏ đi lấy người khác để lại con thơ, nó là tài xế xe khách Bắc - Nam, kiếm không được mấy tiền, thỉnh thoảng mới về nhà. Giờ xảy ra tai họa thế này, khổ lắm chú ơi. Nhà phải cắm sổ đỏ để lo trả tiền viện phí” – bà Lại nói trong nước mắt.

Đã một tuần trôi qua, chưa khi nào bà được một đêm ngon giấc. Nỗi lo chồng chất hằn in trên gương mặt hốc hác, đôi mắt rươm rướm của người đàn bà tội nghiệp.

Tiếng còi xe cấp cứu hú lên inh ỏi, lại thêm một ca được chuyển đến. Ba mươi phút sau, một đôi vợ chồng trẻ hai tay xách túi áo quần, phích nước, chăn chiếu, lọ mọ tìm đến “bãi ngủ” ngoài trời. “Bãi” đã chật ních, một chị nói với chồng: “Mình coi nhường chỗ cho người ta ngủ với, để họ nằm trong chỗ tối đó muỗi nhiều lắm”. Đôi vợ chồng trẻ lộ vẻ vui mừng, trải chiếu ra nằm ngay bên cạnh.

Lát sau, tiếng loa lớn từ phòng cấp cứu vang lên: “Người nhà bệnh nhân L.H.Long đến nộp tiền viện phí”. Trong dãy hàng dài những người đang nằm, chiếc chăn ấm bất ngờ giật bung ra, chị Hòa xỏ vội đôi dép rách, chạy nhanh vào bên trong quầy thu viện phí.

Người đàn ông bên cạnh nói với tôi: “Chắc chị ấy lại phải vào ghi giấy nhận nợ rồi, nhà ở miền núi nghèo, sống nhờ vào ba sào ruộng, chi phí phẫu thuật cho con trai tốn gần 40 triệu đồng, lấy đâu ra”.

Những thân nhân của người bệnh mà tôi gặp đều chỉ được ngủ gà ngủ gật đôi hồi. Suốt đêm họ túc trực cạnh phòng bệnh để sẵn sàng chạy khi bác sĩ gọi.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG