Bài ca du lịch

Bài ca du lịch
TP - Thực ra đã có những người tự nguyện làm đại sứ văn hóa - du lịch từ lâu rồi chẳng cần đại ngôn và ai phong tước...

> ‘Biến đổi’ dệt may
> Thổ cẩm và Minh Hạnh tại Clermont-Ferrand

Khách du lịch đến
Khách du lịch đến "thành phố hòa bình". Ảnh: Hồng Vĩnh.

1. Trong một lần họp báo về sự kiện thời trang Minh Hạnh ở dinh thự Sứ quán Ý phố Lê Phụng Hiểu, Hà Nội, ngài đại sứ vận bộ comple tuyệt hảo mào đầu “Tôi xin lỗi nói bằng tiếng Ý chứ không nói tiếng Anh. Tiếng Ý của chúng tôi không phải là quốc tế ngữ mà chỉ là ngôn ngữ của âm nhạc thôi”. Nghe nửa câu tưởng khiêm tốn, hết câu mới biết độ kiêu hãnh của người Ý này.

Khách du lịch đi Ý về kể, nước này có những nơi mà biển báo giao thông được thể hiện bằng thuật ngữ âm nhạc, viết bay bướm trên khuông nhạc, dịch ra là: “Nhanh”, “Chậm”, “Vừa phải”... Nghe như có nốt nhạc reo trong lòng, điều khiển bước chân đi bộ và nhấn ga của mình.

Người Mỹ thì hay thư giãn kiểu, một tấm biển tự nhiên hiện ra ở bãi xe hơi chật chội: “Đừng cầu nguyện nữa. Chúa quá bận để tìm cho bạn một chỗ đỗ xe”. Phía ngoài thùng rác hình con vật đáng yêu còn có dòng chữ “Cho tôi rác với” dễ thương.

Có lời kiến giải rằng đa số dân Mỹ tự ý thức về vị thế cường quốc số 1 nên hành xử văn minh chủ yếu để chứng tỏ vị thế đó, ngay cả tử tế cũng theo kiểu “sà xuống”. Có lẽ ít nhất cứ “diễn”, “ra vẻ” được như thế hẵng.

Hơn 10 năm trước đoàn văn chương báo chí đi Mỹ, hàng ngày đi bộ nhiều, nhà thơ Trần Mạnh Hảo làu bàu “Tưởng nước Mỹ là cái gì, hóa ra cái nồi hầm nhừ chân chúng ông”.

Chân cẳng đôi khi mất cảm giác nên đâm sầm hay sơ ý giẫm phải chân người ta. Chưa kịp xin lỗi đã thấy được đỡ, kèm câu hỏi sốt sắng “Are you ok?” (Anh, chị có sao không). Họ biết rằng kẻ kia rất không ổn thì mới bất cẩn, loạng quạng như thế.

Bá Dương, tác giả “Người Trung Quốc xấu xí” bảo dù ở Mỹ hay đại lục, ông không quen nổi cái thói không chịu giữ cửa, sẵn sàng để nó đập vào mặt người sau, của đồng hương. Còn khi người khác giữ cửa hay làm nghĩa cử nho nhỏ nào đó cho đồng hương của ông thì không mấy khi được lời cảm ơn bởi “mồm họ còn mải ngậm cứt khô”.

Nhớ chuyện này lại liên tưởng hình ảnh Kevin Bowen, nhà thơ Mỹ nổi tiếng, giám đốc Trung tâm William Joiner - người thù tiếp chúng tôi trong chuyến đi Mỹ. Hai tay bê hai khay thức ăn to tướng còn thò chân chặn cửa thang máy cho cả bọn chúng tôi tay chân nhàn rỗi ung dung bước vào.

Mặt tiền sứ quán Nhật ở phố Liễu Giai ròng rã cả năm trời chạy dòng chữ to đùng dài mấy chục mét: “Cảm ơn nhân dân Việt Nam đã giúp đỡ nhân dân Nhật Bản trong thảm họa thiên nhiên”. Mỗi khi qua nơi này, không khỏi thấy lạ. Cứ cảm ơn mãi như vậy mà chẳng sợ lạc hậu về thời gian, bất tiện về không gian.

2. Đi đường, bạn tôi, một phụ nữ sành điệu, níu tay cô gái nọ hỏi chiếc áo mua ở đâu mà hay vậy. Cô tươi tỉnh tuôn một tràng về sự đặc biệt của thương hiệu, rồi nhanh nhẹn viết vào mặt sau tấm các vi dít địa chỉ bán áo ở Thái Lan. Ra cô là một du khách Thái đến Hà Nội. Bạn nhận tấm các, nói với tôi: “Thấy dân Thái Lan chưa, đất nước sống bằng du lịch có khác”.

Ở Việt Nam cũng có nơi gây được ấn tượng rằng người dân địa phương đang tự coi mình như những đại sứ du lịch con con, thầm lặng.

Ông Lê Nuôi, chồng cũ diễn viên Lê Vân - một Việt kiều chọn Hội An làm nơi cư ngụ, kể rằng ở nơi cổ kính này, ít ai dám ăn cắp một chiếc xe đạp vì nếu như vậy cả thành phố sẽ biết, nhục nhã, khó sống. Có quá lời không nhỉ?

Không biết được. Nhưng hồi Hoa hậu Việt Nam làm ở Hội An năm 2008, chúng tôi được trải vô số sự dễ chịu ở đây. Thỉnh thoảng lê la ăn chè dạo, cả lũ ngồi vỉa hè quây quanh gánh chè, chổng mông vào cửa hàng bán đồ lưu niệm của người ta, thế mà không bị đuổi lại còn được chủ nhà vác ghế ra mời ngồi.

Thử ra Hà Nội mà xem, một nửa bánh xe máy của khách cửa hàng này cũng không được phép thò sang hàng bên. Thủ đô ta tấc đất tấc vàng, đâu có thể xuề xòa được.

3. Trên diễn đàn Quốc hội, lãnh đạo Bộ Văn - Thể - Du hẹn chắc chắn tháng 10 bổ nhiệm đại sứ du lịch mới dù ai nói ngả nói nghiêng. Thực ra đã có những người tự nguyện làm đại sứ văn hóa - du lịch từ lâu rồi chẳng cần đại ngôn và ai phong tước. Minh Hạnh thiết kế và Ea Sola Thủy - tác giả vở múa “Thế đấy thế đấy”, “Cánh đồng âm nhạc”… chẳng hạn.

Bằng hình ảnh hấp dẫn của bản thân và những sự kiện văn hóa chất lượng, cùng ý thức cao trong phát ngôn.

Một lần Ea Sola mang đoàn múa lưu diễn, báo chí nước ngoài hỏi “Theo chị hình ảnh nào tiêu biểu cho Việt Nam?” “Áo dài, nón lá, cánh đồng, Hồ Chí Minh”.

Tôi biết có thể lúc khác Sola sẽ nói khác- “trong tôi có hàng trăm con người, bây giờ thế này, 5 phút sau đã khác” - chị thường nói. Có điều không khi nào hết độc đáo và gợi tò mò. Đó mới là một phần “Việt Nam - vẻ đẹp bất tận” - hình ảnh mà du lịch Việt Nam đang khao khát chứng tỏ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG