Ngày 22/5, thông tin từ BV Từ Dũ TPHCM cho biết nơi đây vừa mổ sinh thành công cho sản phụ 27 tuổi, quê Bình Phước, nặng 102 kg.
Theo lời kể của sản phụ, chị lập gia đình năm 22 tuổi, một năm sau bị sẩy thai khi đang mang bầu 6 tháng. Từ đó đến nay, sản phụ luôn lo sợ không thể mang thai vì di truyền béo phì.
“Lúc tôi mang thai lần này là đang nặng 85 kg. Không hiểu sao trong 3 tháng đầu tôi chỉ thèm uống nước ngọt. 3 tháng đầu tôi tăng 10 kg, đến lúc sinh tôi tăng tổng cộng 17 kg”, sản phụ cho biết.
Bệnh nhân được đưa đến BV cấp cứu vào ngày 14/5 với thai 36 tuần, vỡ ối, chuyển dạ sinh non con so và tiền sản giật rất nặng.
Theo các BS, tỷ lệ tăng huyết áp, tiền sản giật ở người béo phì cao hơn thai phụ có chỉ số khối cơ thể bình thường. Mẹ bầu béo phì có nguy cơ tăng huyết áp, tiền sản giật và nhiều biến chứng nguy hiểm trong thai kỳ. Quá trình sinh nở và hậu sản của mẹ béo phì đối diện nhiều rủi ro, tỷ lệ sinh mổ cao, dễ mắc bệnh huyết khối, viêm tĩnh mạch và nhiễm trùng. Trẻ chào đời thường có cân nặng trên 4 kg, kéo theo nguy cơ béo phì trong tương lai. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, mẹ béo phì chỉ nên tăng 5-7 kg suốt thai kỳ.