Bác sĩ thi đầu vào khó, đào tạo dài nhưng lương vẫn thấp

Bác sĩ thi đầu vào khó, đào tạo dài nhưng lương vẫn thấp
TPO - Đây là nhận định về vấn đề sử dụng nhân lực y tế của nhiều chuyên gia trong hội nghị tổng kết 9 năm thi hành Luật khám, chữa bệnh diễn ra tại TPHCM vào sáng 29/7.

Phát biểu tại hội nghị, TS Nguyễn Minh Lợi, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế cho biết thời gian qua, công tác đào tạo nhân lực của ngành y tế nước ta bước đầu được đổi mới, đạt được nhiều thành tựu trong nghiên cứu khoa học, phát triển được đội ngũ nhân lực y tế khi đội ngũ bác sỹ, chuyên gia có uy tín và trình độ cao trong nước và quốc tế ngày càng tăng...

“Tổng số cán bộ y tế tăng từ khoảng 200 nghìn năm 1993 lên gần 260 nghìn năm 2005 và khoảng 465 nghìn người năm 2016. Tỷ lệ bác sỹ trên một vạn dân tăng từ 4,1 năm 1993 lên 6,0 năm 2005 và 8,2 năm 2016, cao hơn mức trung bình của ASEAN.

Mạng lưới các cơ sở đào tạo được nâng cấp và mở rộng; đa dạng về loại hình, nhiều ngành và chuyên ngành được mở mới; quy mô đào tạo ngày càng tăng, cơ bản đáp ứng yêu cầu về nhân lực cho hệ thống y tế. Đặc biệt, đã triển khai đào tạo loại hình cô đỡ thôn bản người dân tộc thiểu số để chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, khó khăn”, ông Lợi đánh giá.

Ngoài ra, lãnh đạo ngành còn đẩy mạnh thực hiện một số chính sách về đào tạo cử tuyển, theo địa chỉ, một số chuyên ngành khó tuyển như lao, tâm thần, phong, pháp y, giải phẫu bệnh; tại các bệnh viện đầu ngành đã có trung tâm đào tạo - chỉ đạo tuyến để đào tạo chuyên sâu, đào tạo liên thông, bồi dưỡng kiến thức, chuyển giao kỹ thuật, đưa bác sỹ trẻ về vùng khó khăn, luân phiên nhân viên y tế cho tuyến dưới nên đã từng bước nâng cao chất lượng nhân lực theo các chuyên ngành.

Bác sĩ thi đầu vào khó, đào tạo dài nhưng lương vẫn thấp ảnh 1 Nhiều bệnh viện đã tiến hành đào tạo liên thông, bồi dưỡng kiến thức, chuyển giao kỹ thuật, đưa bác sỹ trẻ về vùng khó khăn, luân phiên nhân viên y tế cho tuyến dưới. Ảnh minh họa
Bên cạnh những thuận lợi đã đạt được, ông Lợi cho rằng vấn đề sử dụng nhân lực y tế ở nước ta vẫn đang tồn tại nhiều bất cập. Điển hình là chương trình, nội dung đào tạo chậm đổi mới, nặng về kiến thức, chưa chú trọng đào tạo dựa trên năng lực nghề nghiệp, kỹ năng thực hành cũng như năng lực quản trị bệnh viện và nghiệp vụ quản lý y tế.
“Chúng ta vẫn chưa có cơ chế chính sách phù hợp để các thí sinh có điểm thi rất cao nhưng chưa đủ điểm vào trường Đại học Y, Dược được đào tạo để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các vùng khó khăn hoặc một số ngành chuyên khoa khó thu hút như lao, phong, tâm thần, pháp y, giải phẫu bệnh - hiện nay các vẫn còn thiếu nhiều về số lượng nhưng không đủ sinh viên theo học, không tuyển được nhân lực làm việc”, ông Lợi phân tích.

Thực trạng đội ngũ bác sỹ, dược sỹ cũng được nhìn nhận phân bổ, sử dụng chưa hợp lý. Số bác sỹ, dược sỹ giỏi tập trung ở các đô thị lớn, bệnh viện tuyến cuối trong khi nhiều cơ sở y tế tuyến dưới, kể cả bệnh viện tỉnh thiếu bác sỹ. Sinh viên y, dược mới tốt nghiệp chủ yếu tập trung đợi, xin việc ở các đô thị lớn...

Nhân lực dược lâm sàng chưa đáp ứng đủ nhu cầu về số lượng và chất lượng cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Năng lực đào tạo đối với một số chuyên ngành mới như kỹ thuật y tế, quản trị bệnh viện; bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý y tế chưa đáp ứng được yêu cầu. Hệ thống, khung trình độ, chương trình và phương pháp đào tạo nhân lực y tế chậm đổi mới, chưa tiếp cận theo chuẩn mực quốc tế.

“Một mặt, yêu cầu đầu vào khó, thời gian học dài hơn nhưng không được xếp ngạch bậc lương cao hơn các ngành khác. Mặt khác, so với mặt bằng quốc tế thời gian học, thực hành, chất lượng đầu ra vẫn thấp, không được công nhận tương đương. Chất lượng đào tạo một số trường chưa đáp ứng yêu cầu. Chưa thực hiện việc kiểm định chất lượng, tổ chức thi quốc gia để cấp chứng chỉ hành nghề. Cấp phép hành nghề hiện nay còn lúng túng, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế”, ông Lợi cho hay.

MỚI - NÓNG