Trao đổi với Tiền Phong, GS.TS Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và Chống độc Việt Nam, nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bạch Mai) - người đã trực tiếp cấp cứu cho nhiều bệnh nhân trong vụ tai biến y khoa ở Hòa Bình và theo sát diễn biến sự cố này, cho biết, ông không đồng tình với kết luận của VKSND. GS.TS Nguyễn Gia Bình cho biết:
Ngay từ đầu tôi và các đồng nghiệp đã thấy không ổn (có thể là nhầm lẫn) khi cơ quan tư pháp Hòa Bình cho rằng bác sĩ Hoàng Công Lương có tội, bởi lẽ bác sĩ là người thực hiện công việc khám chữa bệnh khi thấy có chỉ định lọc máu và bệnh nhân đủ điều kiện thì cho thực hiện kỹ thuật lọc máu. Đảm bảo nguồn nước không phải chuyên môn và nhiệm vụ của bác sĩ vì trong quy chế chuyên môn của Bộ Y tế không có.
Trong lần xử trước, các luật sư đã chỉ rõ đây là việc buông lỏng quản lý của giám đốc bệnh viện và công ty Thiên Sơn. Đến khi xảy ra thảm họa, cơ quan điều tra vào cuộc xác định rõ nguyên nhân dẫn đến tử vong là do tồn dư hóa chất độc với nồng độ rất cao trong hệ thống đường ống dẫn đến nhiễm độc gây tử vong cho nạn nhân. Sau khi xác định được nguyên nhân, cơ quan điều tra, viện kiểm sát cần xác định đúng bản chất của vụ án và xác định đúng người, đúng tội.
Việc phải xét nghiệm chất lượng nguồn nước theo tiêu chuẩn AAMI của Mỹ là bất khả thi. Vì xét nghiệm này 1-2 tuần mới có kết quả mà ở Việt Nam chỉ có Viện Khoa học Hàn Lâm Việt Nam mới làm được chứ nếu đề ra hợp đồng từ đầu thì bệnh nhân lọc máu đợi xét nghiệm chuyển đi đâu trong 1 tuần đó, không hề có kế hoạch chuyển bệnh nhân đi đâu để lọc máu. Vì thế đây là việc hợp thức hóa hợp đồng để đổ lỗi cho bác sĩ Lương. Theo tôi được biết, bệnh viện Hòa Bình chưa làm xét nghiệm này lần nào kể từ khi tiến hành kỹ thuật lọc máu gần 10 năm qua. Cho đến hôm nay không hề có kế hoạch chuyển bệnh nhân đi đâu để lọc máu trong quá trình đợi kết quả xét nghiệm.
Bệnh viện Bạch Mai cũng chỉ chuyên giao kỹ thuật lọc máu, về chỉ định xét nghiệm, khám xét để chỉ định lọc máu, quy trình chuẩn vận hành máy móc thiết bị, còn kỹ thuật xử lý nguồn nước Bệnh viện Bạch Mai cũng không hề chuyển giao vì bệnh viện không có kỹ sư. Giống như việc bạn đi mua xăng đổ vào xe, người ta đã bán xăng không đảm bảo chất lượng dẫn đến hỏng xe của bạn thì trách nhiệm phải thuộc về người bán xăng, sao có thể đổ lỗi cho người mua xăng được. Giống như hoàn cảnh này, bác sĩ Lương chỉ là người “mua xăng”, còn việc cung cấp nguồn nước đảm bảo theo tiêu chuẩn để lọc máu - “bán xăng”, thuộc về Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình và Công ty Thiên sơn cung cấp dịch vụ cho bệnh viện.
Trong hai ngày nay, theo dõi diễn biến phiên tòa, ông có cảm nhận gì?
Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát vẫn khép bác sĩ Lương tội vô ý làm chết người là không có căn cứ, vì bác sĩ Lương làm việc có chủ ý, theo đúng trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ được phân công và lương tâm thầy thuốc. Bác sĩ không phải chịu trách nhiệm về nước lọc thận do không được đào tạo chuyên môn nghiêp vụ về việc này.
Với 3 lần cơ quan tố tụng thay đổi tội danh của bác sĩ Hoàng Công Lương, ông thấy thế nào?
Tòa 3 lần thay đổi tội danh của bác sĩ Lương tôi thấy không có tội danh nào đúng cả. Tôi tin chắc các luật sư tiếp tục đồng hành cùng bác sĩ Lương, cùng với người nhà nạn nhân, dư luận xã hội lên tiếng (hơn 16. 000 chữ ký đã gửi đến tòa lần trước và gần 30.000 chữ ký điện tử gửi qua trang web) đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của xã hội đối với vụ việc này.
Bác sĩ Lương những tháng gần đây bị trầm cảm khá nặng là điều có thật, do áp lực từ vụ việc này. Nếu Tòa án vẫn cố tình khép tội bác sĩ Hoàng Công Lương thì Hội Hồi sức cấp cứu và Chống độc Việt Nam sẽ tiếp tục gửi kiến nghị lên Chủ tịch nước và Quốc hội để các cấp giám sát.
Theo cá nhân ông, bác sĩ Hoàng Công Lương có tội gì trong vụ tai biến chạy thận nhân tạo này?
Theo tôi, bác sĩ Lương không phạm tội.
Cảm ơn ông!