Bác sĩ đạo sách chuyên khoa?
> 'Đạo' sách của thầy để bán
> Sách đạo văn được đánh giá xuất sắc
Tập sách đạo văn xuất bản với tên Đường rạch phẫu thuật hàm mặt, tác giả Lâm Hoài Phương.
Theo bác sĩ Bùi Hữu Lâm - phó trưởng khoa phẫu thuật hàm mặt Bệnh viện Răng hàm mặt trung ương, tập sách này đạo bản dịch của ông đối với tập sách Những đường rạch sử dụng trong phẫu thuật xương hàm mặt.
Điều đáng nói tác giả Lâm Hoài Phương là đương kim giám đốc Bệnh viện Răng hàm mặt trung ương, trưởng khoa phẫu thuật hàm mặt - một đồng nghiệp của bác sĩ Lâm.
Một công trình sáng tạo?
"Tôi nghĩ rằng với trường hợp một bản sách dịch được cho là bị người khác đạo văn, cần thiết phải lập hội đồng khoa học để thẩm định" Một lãnh đạo ban giám hiệu Đại học Y dược TP.HCM "Bản dịch của Bùi Hữu Lâm là trung thực trên tinh thần khoa học, mặc dù còn có nhiều hạt sạn cần được chỉnh lý. Cuốn sách của tác giả Lâm Hoài Phương là sự sao chép (đạo văn) gần như hoàn toàn công trình của Bùi Hữu Lâm" TS.BS Trần Ngọc Quảng Phi (giảng viên Viện Đào tạo răng hàm mặt, Đại học Y Hà Nội) |
Theo bác sĩ Bùi Hữu Lâm, bản dịch của ông dựa trên tập sách gốc có tên Surgical approaches to the facial skeleton của hai tác giả Edward Ellis và Michael F. Zide, xuất bản tại Mỹ từ năm 1995. “Bản sách gốc tôi được một bác sĩ trong khoa tặng, sau đó tôi tìm thấy bản eBook cung cấp miễn phí trên mạng, vì thế nên tôi lấy được ảnh màu để minh họa cho bản dịch của tôi. Tất nhiên, bản miễn phí này có thiếu một vài chương, và là những chương không liên quan trọng tâm về hàm mặt nên tôi vẫn dịch để tham khảo và làm tài liệu giảng dạy” - bác sĩ Lâm cho biết.
Bác sĩ Bùi Hữu Lâm đồng thời là giảng viên Đại học Y dược TP.HCM. Kể từ khi hoàn tất bản dịch sách Những đường rạch sử dụng trong phẫu thuật xương hàm mặt vào năm 2008, ông đã sử dụng tài liệu này để giảng cho nhiều lớp bồi dưỡng các bác sĩ đến từ nhiều tỉnh thành.
Tuy nhiên, đến những ngày cuối năm 2012, bác sĩ Bùi Hữu Lâm bắt gặp tập sách Đường rạch phẫu thuật hàm mặt ký tên Lâm Hoài Phương trên bìa 1, trong khi nội dung bên trong thì giống “y chang” bản dịch của ông đã lưu hành nội bộ từ bốn năm trước.
Sách Đường rạch phẫu thuật hàm mặt do NXB Y Học cấp phép, in xong vào quý 2-2012. Với cách ghi tên Lâm Hoài Phương trên bìa 1, tập sách được hiểu là một công trình sáng tạo của tác giả. Nhưng trong mặt sau của bìa lót, tập sách này có ghi: chủ biên: PGS.TS Lâm Hoài Phương/các bác sĩ tham gia biên soạn: ThS Bùi Hữu Lâm, ThS Lâm Quốc Việt, các bác sĩ nội trú phẫu thuật hàm mặt. Dù vậy, bác sĩ Bùi Hữu Lâm khẳng định TS Phương không nói gì với ông về quyển sách này. “Kể cả việc ghi tên tôi vào mặt sau bìa lót chung với những người được gọi là “tham gia biên soạn” tôi cũng không hay biết gì”.
Nhiều chỗ sai giống nhau
Tập sách xuất bản chính thức ký tên Lâm Hoài Phương cũng có cấu trúc sáu phần, 12 chương như bản dịch của bác sĩ Bùi Hữu Lâm. Và quan trọng hơn, khi đọc so sánh hai tập sách và đối chiếu với bản gốc Anh ngữ, TS.BS Trần Ngọc Quảng Phi - giảng viên Viện Đào tạo răng hàm mặt, Đại học Y Hà Nội - đã phát hiện nhiều lỗi về chuyển ngữ các thuật ngữ chuyên ngành, những chỗ sai giống nhau ở cả hai quyển sách.
Cụ thể trong bản dịch của Bùi Hữu Lâm, trang 156 có câu: “Dây tai thái dương cung cấp cảm giác cho một phần tai, ống tai ngoài, màng nhĩ và da vùng thái dương”, chi tiết quan trọng là chữ auricle được dịch là “tai”, trong khi đúng ra auricle phải dịch là “loa tai” mới đúng cấu trúc giải phẫu. Ngoài ra, trong thuật từ giải phẫu, cùng là từ supply, nhưng với mạch máu thì có nghĩa là “cung cấp”, còn với thần kinh có nghĩa là “chi phối”. Đoạn này bác sĩ Trần Ngọc Quảng Phi đề nghị cần phải được dịch là “dây tai thái dương chi phối cảm giác cho một phần loa tai, ống tai ngoài, màng nhĩ và da vùng thái dương”. Và những lỗi chuyên môn như vậy vẫn được “sao y” trong tập sách của NXB Y Học, tại trang 128.
Ngoài ra, bác sĩ Quảng Phi cũng cho rằng một tập sách chuyên ngành y khoa mà không có danh mục tài liệu tham khảo là không chấp nhận được, bởi một công trình y khoa được xuất bản là công trình khoa học cao, không thể thiếu danh mục tài liệu tham khảo. Và trong trường hợp này phải ghi rõ là sách dịch.
Bác sĩ Bùi Hữu Lâm cho rằng cách xuất bản chính thức và ghi giá bán ra thị trường nhưng lại “bê nguyên xi” bản dịch thô chưa chỉnh sửa như vậy là tắc trách, và ông cũng cho biết nếu xuất bản chính thức quyển này, ông cũng cần phải gia công chỉnh sửa và đối chiếu với bản gốc để hoàn thiện việc chuyển ngữ.
Về phía bà Lâm Hoài Phương, chúng tôi đã nỗ lực gọi cho bà nhiều lần để có thông tin đa chiều nhưng không liên lạc được.
Trách nhiệm về tác quyền bản thảo thuộc về bà Lâm Hoài Phương
Sách Đường rạch phẫu thuật hàm mặt được xuất bản theo kế hoạch B, với đối tác liên kết là bà Lâm Hoài Phương. Bản thảo đưa đến NXB trước hội nghị của bệnh viện răng hàm mặt, với thông tin được biết là sách này sẽ phổ biến tại hội nghị. Tôi nghĩ rằng một quyển sách dùng để phổ biến tại hội nghị thì tính minh bạch của nó chắc đã được bảo đảm. Và vì sách liên kết nên phần trách nhiệm về tác quyền bản thảo thuộc phía đối tác liên kết.
Cho đến nay tôi mới nghe được thông tin có một bản dịch của bác sĩ Bùi Hữu Lâm đã lưu hành nội bộ từ năm 2008, và quyển sách của bà Lâm Hoài Phương đang bị cho là đạo văn. Tôi vẫn chưa nhìn thấy bản dịch của ông Lâm, chưa nhìn thấy bản sách gốc mà ông Lâm đã sử dụng để dịch. Trong thời gian tới, nếu ông Lâm có yêu cầu phía NXB không phổ biến quyển sách đứng tên bà Lâm Hoài Phương thì chúng tôi sẽ yêu cầu bên liên kết là bà Lâm Hoài Phương không phổ biến sách này nữa.
Theo Lam Điền
Tuổi Trẻ