Bác sĩ Bệnh viện FV giúp người đàn ông Pháp thoát chết trong gang tấc

Bác sĩ Trung đang mô tả về đoạn mạch máu nhân tạo được đặt cho bệnh nhân M. - Ảnh: THU HIẾN
Bác sĩ Trung đang mô tả về đoạn mạch máu nhân tạo được đặt cho bệnh nhân M. - Ảnh: THU HIẾN
Ông L.M (53 tuổi, người Pháp) từng được cứu sống tại Bệnh viện FV. 7 năm sau, ông thoát chết lần hai nhờ những bác sĩ của bệnh viện này. Ông bảo: “100% dòng máu trong người tôi giờ là của người Việt”.

Thoát chết trong gang tấc nhờ sự cương quyết của bác sĩ

Tháng 10.2013, ông M. được cứu sống tại Bệnh viện FV khi bị bóc tách động mạch chủ bụng, hội chứng hiếm gặp trên thế giới. 7 năm sau, cũng trong một dịp đang có mặt ở Việt Nam, vào một ngày giữa tháng 4-2019, ông M. đau ngực dữ dội, sau đó lan xuống bụng. Một lần nữa, ông M. được đưa vào bệnh viện FV trong tình trạng nguy cấp.

Kết quả chụp CT cho thấy, động mạch chủ ngực bị chẻ đôi tạo nên lòng mạch giả gây chèn ép lòng mạch thật làm giảm lượng máu tưới lên các động mạch nuôi tạng (ruột, gan, thận…). “Hiện tượng này trong y khoa gọi là bóc tách động mạch chủ ngực type B …”, bác sĩ Lương Ngọc Trung - Khoa phẫu thuật mạch máu, Bệnh viện FV – người sau này thực hiện thành công ca phẫu thuật cho ông M. cho biết.

Tuy nhiên, tình trạng bệnh chưa gây nguy hiểm đến các tạng và có thể kiểm soát bằng thuốc. Chính vì vậy, ông M. muốn về Pháp điều trị. Tuy nhiên, bác sĩ Lương Ngọc Trung và chính ông Jean - Marcel Guillon, Tổng giám đốc Bệnh viện FV đã ra sức thuyết phục ông M. ở lại Việt Nam điều trị. Lý giải về việc cương quyết “giữ chân” bệnh nhân, bác sĩ Trung phân tích: “Khi máy bay cất cánh và hạ cánh, áp suất không khí thay đổi sẽ khiến huyết áp tăng cao đột ngột, dễ gây vỡ chỗ phình bóc tách động mạch hoặc bệnh chuyển sang biến chứng bóc tách động mạch chủ ngược dòng dẫn đến tử vong”.

Nhờ sự thuyết phục bằng cả trái tim lẫn chuyên môn của các bác sĩ, ông M. đã quyết định ở lại điều trị và đó là quyết định cứu sống bản thân ông. Kết quả chụp CT lần hai cho thấy lòng mạch giả động mạch đã phình to hơn trước, nếu không phẫu thuật kịp thời sẽ dẫn đến biến chứng vô cùng nguy hiểm.  

Ca phẫu thuật cân não, chính xác đến từng milimet

Các bác sĩ của FV đã tiến hành hội chẩn qua video call với nhóm bác sĩ tại Pháp (theo yêu cầu của ông M.) và quyết định lựa chọn phương án đặt đoạn mạch máu nhân tạo (stent-graft) qua can thiệp nội mạch. Với hệ thống Cathlab tại FV, ekip mổ đã mở một vết rạch nhỏ ở bẹn, xác định lòng mạch thật và lòng mạch giả dưới hỗ trợ của siêu âm nội mạch (IVUS) để đưa stent vào lòng thật. Bác sĩ khéo léo đặt 3 stent-graft vào đúng vị trí động mạch bị tổn thương, bảo tồn động mạch dưới đòn trái thay vì thắt bỏ và thêm cầu nối động mạch dưới đòn trái theo gợi ý ban đầu của nhóm bác sĩ bên Pháp. “Phương án của nhóm bác sĩ người Pháp là an toàn nhưng chúng tôi đã chọn phương án khó hơn với mong muốn hạn chế xâm lấn động mạch của bệnh nhân”, bác sĩ Trung lý giải.

Theo bác sĩ Trung, thử thách lớn nhất của ca mổ là toàn bộ động mạch chủ của ông M. đã bị bóc tách vì vậy biến chứng xấu có thể xảy ra. Các bác sĩ phải căng thẳng tính toán độ chuẩn xác rất cao, vì chỉ cần lệch đi vài milimet sẽ dẫn đến rất nhiều hệ quả như bị bít động mạch nuôi tạng, rò stent-graft sau đặt, tổn thương nặng hơn.

Cuối cùng, ca mổ thành công sau khoảng 2 tiếng rưỡi cân não. Kết quả hình ảnh sau mổ cho thấy các nhánh động mạch chủ tổn thương đã phục hồi tốt hình dạng và dòng chảy, những mạch máu nuôi tạng được phục hồi tưới máu.

“Từ tận trái tim mình, tôi muốn cảm ơn toàn bộ bác sĩ và y tá bệnh viện FV, những người đã giúp tôi điều trị thành công. Sau ca phẫu thuật đầu tiên năm 2013 tới hôm nay thì tôi cảm thấy có một sự gắn bó lâu dài với Việt Nam”, ông M. chia sẻ.

MỚI - NÓNG
Nguyên nhân sập cầu Phong Châu
Nguyên nhân sập cầu Phong Châu
TPO - Báo cáo của Sở Giao thông vận tải tỉnh Phú Thọ liên quan vụ sập cầu Phong Châu cho biết bão số 3 đã gây ra mưa lũ, khiến nước sông Hồng dâng cao. Lưu tốc dòng chảy xiết đã làm thay đổi địa hình lòng sông, kéo đổ trụ T7 và làm sập 2 nhịp dàn chính của cầu (nhịp 6 và 7) lúc 10h2 ngày 9/9.