Theo đó, 3 văn bản của Bộ GD&ĐT có dấu hiệu phạm luật là Công văn 4366 ngày 23-7-2010 hướng dẫn một số nội dung về văn bằng, chứng chỉ giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp; Công văn 4367 ngày 23-7-2010 hướng dẫn một số nội dung văn bằng chứng chỉ của giáo dục phổ thông; và Quyết định 33/2007 do Bộ trưởng GD&ĐT ban hành Quy chế văn bằng chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân.
Theo Bộ Tư pháp, hai công văn 4366 và 4367 được ban hành dưới dạng văn bản hành chính hướng dẫn nghiệp vụ, song nội dung lại thể hiện các quy định mang tính quy phạm pháp luật, không đảm bảo sự tương thích giữa các hình thức văn bản. Bên cạnh đó, 2 công văn dựa vào Quyết định số 33 làm căn cứ pháp lý; trong khi Quyết định số 33 lại trái với tinh thần Nghị định 158/2005 của Chính phủ về đăng ký quản lý hộ tịch.
Cụ thể, trong Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 33 có đoạn: “Cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ có trách nhiệm chỉnh sửa nội dung ghi trên văn bằng, chứng chỉ đã cấp cho người học trong các trường hợp:
Sau khi văn bằng, chứng chỉ, người học được cơ quan có thẩm quyền cải chính hộ tịch theo qui định của pháp luật về cải chính hộ tịch; Các nội dung ghi trên văn bằng, chứng chỉ bị ghi sai do lỗi của cơ quan cấp văn bằng, chứng chỉ”.
Theo Cục Kiểm tra VBQPPL, về nguyên tắc, hồ sơ, giấy tờ của cá nhân, trong đó có văn bằng, chứng chỉ được cấp (không thuộc các trường hợp thu hồi, hủy bỏ) phải phù hợp với giấy khai sinh của người đó. Điều này đã được quy định tại Nghị định 158.
Việc Quyết định 33 quy định cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm chỉnh sửa nội dung ghi trên văn bằng, chứng chỉ trong các trường hợp trên là thiếu căn cứ, không đảm bảo quyền lợi của người học về việc văn bằng, chứng chỉ được cấp phải có nội dung phù hợp với giấy khai sinh của họ. Xét về thẩm quyền, cơ quan chức năng phải sử dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.
Về Quyết định số 60/2008 của UBND TP Hà Nội (quy định về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Sở GD&ĐT), theo Cục Kiểm tra VBQPPL, Bộ GD&ĐT đã có văn bản hướng dẫn, cơ cấu tổ chức của Sở GD&ĐT thuộc UBND cấp tỉnh, Phòng GD&ĐT thuộc UBND cấp huyện, các phòng chuyên môn thuộc Sở GD&ĐT TP Hà Nội không quá 7 phòng. Song theo Quyết định 60, Sở GD&ĐT Hà Nội có tới 9 phòng chuyên môn là vi phạm hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.