Bà Thái Hương sẽ thôi chức Chủ tịch TH, chọn làm CEO BacA bank

TPO - Bà Thái Hương đã quyết định chọn làm Tổng giám đốc BacA bank và thôi chức Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH. Đây cũng là lựa chọn của nhiều chủ nhà băng nhằm đáp ứng quy định mới của Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi.
Bà Thái Hương sẽ thôi chức Chủ tịch TH, chọn làm CEO BacA bank ảnh 1

Doanh nhân Thái Hương

Thông tin trên được bà Thái Hương chia sẻ tại phiên giao dịch chính thức, lần đầu tiên của Ngân hàng thương mại cổ phần Bắc Á (BAC A BANK) trên sàn Upcom ngày 28/12.

Cụ thể, bà Thái Hương, Tổng giám đốc BacA bank cho biết, bà sẽ rút lui khỏi chức Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH sau 10 năm gắn bó.  Bà Hương chia sẻ rằng đã hoàn thành sứ mệnh tại Tập đoàn TH và đã đến lúc nhường lại cho lớp trẻ tiếp tục sứ mệnh mang lại một sản phẩm sạch, vì con người.

Tuy nhiên, bà Thái Hương cho biết sẽ tiếp tục giữ vai trò là người sáng lập, nhà tư vấn và sẽ thực hiện giám sát bước đường phát triển tiếp theo của Tập đoàn TH.

Bà Thái Hương, Tổng giám đốc kiêm Phó Chủ tịch BacA bank hiện đang trực tiếp nắm giữ 4,325% cổ phần BacA bank.

Sau phiên giao dịch ngày 28/12, cổ phiếu của BacA bank (mã cổ phiếu BAB) liên tục tăng, giá giao dịch thành công ngày 29/12 là 25 nghìn đồng/cổ phiếu, trong khi giá khởi điểm chào sàn là 20.000 đồng. Nhiều lệnh đặt mua kịch trần (giá 26,3 nghìn đồng/cổ phiếu) nhưng không có người bán.

Từ vị trí Tổng giám đốc BacA bank, bà Thái Hương tư vấn đầu tư, tài chính cho Tập đoàn TH từ năm 2009. Bà được xem là người tạo ra cuộc cách mạng của ngành chăn nuôi bò sữa và thị trường sữa Việt Nam với sản phẩm sữa TH true MILK. Sau thành công của TH true MILK tại Việt Nam, bà cũng gây dựng dự án bò sữa trị giá 2,7 tỷ USD tại Nga.

Sau đó, hàng loạt sản phẩm nông nghiệp cũng được bà góp công xây dựng như rau củ quả sạch FVF, nước uống thảo dược TH true Herbal, trường học quốc tế TH school. 

Trước bà Thái Hương, ông Dương Công Minh cũng đã quyết định rời vị trí lãnh đạo tại Tập đoàn Him Lam, tiếp tục đảm nhiệm vị trí lãnh đạo tại ngân hàng Sacombank và Ông Đỗ Minh Phú cũng quyết định rời Doji về lãnh đạo TPBank.

Như Tiền Phong đưa tin, theo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, bổ sung vừa được Quốc hội thông qua (từ 15/1/2018 có hiệu lực), lãnh đạo hàng loạt ngân hàng sẽ phải thay đổi vị trí tại một trong hai đơn vị, hoặc ngân hàng hoặc doanh nghiệp nơi mình làm chủ.

Thống kê của Tiền Phong cho thấy, sự kiêm nhiệm đang tồn tại trong làng ngân hàng khá dày đặc. Đơn cử, ông Dương Công Minh, Chủ tịch Tập đoàn Him Lam đồng thời là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sacombank; Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội kiêm Chủ tịch T&T; Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đông Nam Á vẫn đang giữ chức Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG; bà Thái Hương, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Bắc Á kiêm Chủ tịch TH Truemilk;

Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng OCB cũng đang kiêm nhiều vị trí khác như: Thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long, Thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm xanh; Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng An Bình đang là Chủ tịch Geleximco; Ông Phương Hữu Việt, Chủ tịch HĐQT ngân hàng Việt Á cũng đang kiêm nhiệm Chủ tịch HĐQT Tập đoàn đầu tư Việt Phương; Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT ngân hàng Kiên Long kiêm Chủ tịch HĐQT Đồng Tâm Group; Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TienPhongBank kiêm chủ tịch Tập đoàn Doji; Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank kiêm thành viên Tập đoàn Masan.

MỚI - NÓNG