Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, tính từ 18h ngày 6/1 đến 18h ngày 7/1/2022, tỉnh này ghi nhận 263 ca nghi mắc COVID-19 mới đang chờ Bộ Y tế cấp mã bệnh nhân.
Theo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tỉnh này vẫn đang kiểm soát được dịch bệnh dựa trên tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ. Dù vậy, dịch bệnh vẫn có nguy cơ bùng phát trở lại, nhất là trong bối cảnh biến thể Omicron đã xuất hiện tại Việt Nam. Do đó, Bà Rịa-Vũng Tàu đề nghị các địa phương không chủ quan, phải tiếp tục tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin cho người dân, trong đó tập trung vào các trường hợp trên 50 tuổi và có bệnh nền; nâng cao năng lực điều trị cho bệnh nhân COVID-19; chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động của các trạm y tế lưu động, phát hiện kịp thời các F0 chuyển nặng để “chuyển tầng” điều trị thích hợp; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân.
Từ nay đến hết Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Bà Rịa-Vũng Tàu yêu cầu các cơ quan chuyên môn phải dự báo được tình hình, xây dựng kịch bản, chuẩn bị đầy đủ về nhân lực, vật lực, trang thiết bị, vật tư y tế để phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19.
Cùng ngày, tỉnh Bình Thuận có 121 ca mắc COVID-19. Trong đó, huyện Tánh Linh 35 ca, huyện Hàm Thuận Nam 25 ca, huyện Đức Linh 21 ca, thị xã La Gi 16 ca ngoài cộng đồng, huyện Hàm Tân 7 ca, thành phố Phan Thiết 7 ca, huyện Hàm Thuận Bắc 7 ca ngoài cộng đồng, huyện đảo Phú Quý 3 ca.
Như vậy, tính từ 27/4/2021 đến 18h ngày 7/1/2022, tỉnh Bình Thuận đã có 26.956 ca mắc COVID-19. Trong đó 3.053 ca đang điều trị, 23.607 ca đã xuất viện, 317 ca tử vong.
Bình Dương dồn lực giảm ca tử vong
Ngày 7/1, đại diện Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết, trong tuần qua, tình hình dịch bệnh trên địa bàn có tín hiệu lạc quan khi số ca mắc mới, bệnh nhân nặng và tử vong giảm mạnh. Cụ thể, tuần trước bình quân mỗi ngày có từ 1.000 F0 nhập viện điều trị nhưng những ngày gần đây chỉ còn một nửa. Cùng với đó, số F0 phải chuyển lên tầng trên giảm, trung bình mỗi ngày chỉ còn khoảng 10 ca tử vong, thay vì trước đó đến 15 ca.
Bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế Bình Dương cho biết, qua phân tích các trường hợp tử vong gần đây cho thấy tỷ lệ tử vong cao tập trung ở nhóm người trên 50 tuổi, có bệnh nền, chưa tiêm vắc xin hoặc tiêm chưa đủ liều. Từ đó, ngành y tế khẩn cấp hành động để bảo vệ những người thuộc nhóm nguy cơ, trong đó 2 nhóm đối tượng cần tập trung là những người trên 65 tuổi và những người có bệnh nền ở mọi độ tuổi. Hiện các trạm y tế cố định và lưu động lập danh sách các trường hợp có nguy cơ cao để theo dõi, hạn chế ca tử vong.
Ngành y tế Bình Dương tập trung lực lượng y, bác sĩ để theo dõi, điều trị đối với F0 có bệnh lý nền, người cao tuổi. Theo đó, điều trị F0 đồng thời chữa trị cùng lúc cả bệnh lý thông thường và COVID-19.
Bình Dương tập trung lực lượng theo dõi, điều trị F0 có bệnh lý nền, người lớn tuổi để hạn chế ca tử vong |
Bác sĩ Nguyễn Văn Tính, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương, cho biết bệnh viện đã thay đổi mô hình tiếp nhận và điều trị bệnh nhân COVID-19. Theo đó, bệnh viện tổ chức điều trị bệnh nhân COVID-19 ở tất cả các khoa và không chỉ bác sĩ nội khoa mà cả bác sĩ ngoại khoa, sản khoa đều phải tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19. Các khoa trong bệnh viện đều phải chuẩn bị phòng cách ly để điều trị cho nhóm bệnh của khoa. Bên cạnh đó, bệnh viện cũng tăng số lượng giường hồi sức, đặc biệt là hồi sức nặng dành cho số bệnh nhân lớn tuổi bị bệnh nền, kèm theo đó là máy thở, máy lọc máu, lọc thận, ECMO.
Liên quan đến biến thể Omicron, PGS.TS.BS, Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, nguyên Giám đốc Y khoa Trung tâm Hồi sức cấp cứu bệnh nhân COVID-19 Bình Dương, cho biết Omicron không gây tăng nặng bệnh nhưng nhiều nghiên cứu dịch tễ cho thấy với tốc độ lây lan kinh hoàng, Omicron sẽ làm quá tải hệ thống y tế nếu không có cách tổ chức bài bản khoa học.
Ngay tại Anh, Omicron đã làm lây nhiễm số lượng lớn nhân viên y tế khiến thiếu hụt nhân lực trầm trọng. Các bệnh viện luôn trong tình trạng báo động không chỉ vì ca COVID-19 tăng nặng mà cả các bệnh lý khác khi không có bác sĩ, điều dưỡng do bị cách ly. Ông Hiếu cũng lạc quan, Omicron có thể kết thúc COVID-19.
TS.BS Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương, cho biết thêm để ứng phó với biến thể mới Omicron, Bình Dương tập trung vào 4 giải pháp trọng tâm, gồm: Ngăn chặn từ xa, phát hiện sớm để cách ly, tiêm ngừa và củng cố hệ thống điều trị để kịp thời cứu chữa. Trong hoạt động ngăn chặn từ xa, tỉnh huy động sự vào cuộc của các ban ngành, đoàn thể trong việc kiểm soát người đi, đến từ các cửa khẩu quốc tế, đường hàng không, cảng biển.
Xác định hiệu quả của việc tiêm vắc xin để ngăn tử vong, ngành y tế Bình Dương đang thực hiện trên tinh thần “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, các địa phương tăng tốc độ bao phủ vắc xin cho người dân, tổ chức các điểm tiêm cố định và lưu động trong cộng đồng, tại các nhà máy, xí nghiệp để tiêm cho người lao động.
Để chuẩn bị các biện pháp phòng, chống dịch vào tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Sở Y tế Bình Dương yêu cầu các đơn vị y tế trong tỉnh chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư y sẵn sàng chống dịch. Các đơn vị phải đảm bảo hoạt động song song giữa khám, chữa bệnh thông thường và thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19, đảm bảo trực tết 24/24 giờ.