Bà Rịa-Vũng Tàu cần 100 nghìn tỷ đồng để tạo động lực phát triển kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
Đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu đã được HĐND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thông qua.
Đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu đã được HĐND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thông qua.
TPO - Giai đoạn 2021-2026, Bà Rịa-Vũng Tàu chi khoảng 100.000 tỷ đồng để đầu tư các công trình trọng điểm, tạo nền tảng thúc đẩy kết nối đa phương thức, liên kết vùng, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội, tạo ra cú hích để thu hút đầu tư cho Bà Rịa-Vũng Tàu và cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Ngày 2/10, HĐND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, kỳ họp thứ 3 đã thông qua 15 nghị quyết, tạo cơ sở pháp lý để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh từ đây đến cuối năm 2021 và những năm tiếp theo.

Đáng chú ý, kỳ họp đã thông qua và triển khai đầu tư 4 dự án thuộc đường ven biển Vũng Tàu-Bình Châu bên cạnh các dự án ngân sách Trung ương và từ nguồn xã hội hóa vừa được Chính phủ phê duyệt trong năm 2021. Các dự án gồm dự án cầu Phước An, đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, đường Vành đai 4, đường 991B, sân bay Côn Đảo, dự án cấp điện lưới quốc gia từ đất liền ra Côn Đảo sẽ được khởi công trong năm 2022 và đầu năm 2023.

Ngoài ra, HĐND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu còn quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình trụ sở Ban Chỉ huy quân sự TP. Bà Rịa, chủ trương đầu tư dự án nhà ở doanh trại công an huyện Xuyên Mộc, chủ trương đầu tư dự án nhà ở doanh trại công an huyện Châu Đức, chủ trương đầu tư dự án Trung tâm chỉ huy thống nhất tỉnh, chủ trương đầu tư dự án trụ sở Hải đội dân quân thường trực tỉnh, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án nhà ở xã hội huyện Côn Đảo, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án cải tạo nâng cấp đường ven núi Minh Đạm đoạn từ Tỉnh lộ 44A giáp khu du lịch Thùy Vân đến ngã ba Long Phù thị trấn Phước Hải huyện Đất Đỏ, chủ trương đầu tư dự án cứng hóa mái đập công trình Hồ chứa nước Tầm Bó huyện Châu Đức, chủ trương đầu tư dự án đầu tư kiên cố hóa tuyến kênh từ đầu cống Mương Bồng (cầu Đất Đỏ) đến đập Ngã Hai huyện Long Điền và huyện Đất Đỏ, bổ sung danh mục dự án đầu tư công cho phép chuẩn bị đầu tư năm 2021 nguồn vốn ngân sách tỉnh.

Ông Phạm Viết Thanh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, tổng vốn đầu tư công và thu hút vốn xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2026 là khoảng 100.000 tỷ đồng để đầu tư các công trình trọng điểm, tạo nền tảng thúc đẩy kết nối đa phương thức, liên kết vùng, khu vực và thế giới, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội, tạo ra cú hích để thu hút đầu tư cho Bà Rịa-Vũng Tàu và cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Với tổng vốn đầu tư và giải ngân công trung hạn như một gói kích thích tài chính rất có giá trị và kịp thời, tạo bước ngoặt cho sự phát triển kinh tế của Bà Rịa-Vũng Tàu trong tương lai.

Theo ông Phạm Viết Thanh, ngành kinh tế của tỉnh đã chịu nhiều tác động tiêu cực làm ảnh hưởng đến tăng trưởng chung của Bà Rịa-Vũng Tàu. Trước những động lực phát triển bị ảnh hưởng bởi đại dịch, tỉnh đã nhanh chóng tìm kiếm, tranh thủ tận dụng các động lực mới, mở ra cơ hội mới cho kinh tế của tỉnh phát triển. Trong đó, giải ngân vốn đầu tư công của năm 2021 là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng và được coi là đầu tư cho phát triển tương lai.

Bà Rịa-Vũng Tàu cần 100 nghìn tỷ đồng để tạo động lực phát triển kinh tế ảnh 1
Sân bay Côn Đảo sẽ được nâng cấp.

Bí thư Bà Rịa-Vũng Tàu khẳng định, khi dịch bệnh xảy ra trên địa bàn, tỉnh đã hành động với quyết tâm cao, nỗ lực lớn của toàn hệ thống chính trị, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp; sự chấp nhận rủi ro, tận tình điều trị của lực lượng y tế. Đến nay, tỉnh đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh nhưng nó cũng đã gây ra sự mất mát to lớn về người và vật chất.

Sau hơn 2 tháng tập trung cao độ cho công tác phòng chống dịch, Bà Rịa-Vũng Tàu đã vượt qua được chặng đường cam go nhất của trận chiến với biến chủng Delta đầy nguy hiểm và khó lường. Nhưng hậu quả đại dịch cũng khiến đời sống nhân dân khó khăn, hoạt động sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế, doanh nghiệp bị ngừng trệ.

Từ 23/9, Bà Rịa-Vũng Tàu đã chuyển sang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 15 cùng các biện pháp tăng cường; các hoạt động sản xuất kinh doanh từng bước khôi phục, bảo đảm các quy định về phòng chống dịch, người dân dần trở lại nhịp sống bình thường mới. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục quán triệt thực hiện thống nhất quan điểm ưu tiên phòng, chống dịch và từng bước khôi phục kinh tế theo ba nhiệm vụ chính yếu là “Phòng chống dịch-Phát triển kinh tế-An dân”.

7,4 tỷ đồng hỗ trợ học phí

HĐND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã thông qua Nghị quyết hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông ngoài công lập và trẻ nhà trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập học kỳ I năm học 2021-2022 trên địa bàn tỉnh. Mức hỗ trợ mỗi học sinh bằng với mức thu học phí năm học 2021-2022 tương ứng với hình thức học (trực tiếp hoặc trực tuyến) do HĐND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ban hành cho từng cấp học.

Năm học 2021-2022, Bà Rịa-Vũng Tàu có gần 33.000 trẻ em, học sinh phổ thông đang theo học các trường, lớp hệ ngoài công lập, trong đó trẻ em mầm non chiếm 92%. Số trẻ em, học sinh này phần lớn đều thuộc diện gia đình có hoàn cảnh khó khăn và đang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, dẫn đến khả năng không ra được lớp, bỏ học. Ngoài ra, tỉnh còn có 4.970 trẻ nhà trẻ (gồm 2.518 trẻ em ở thành thị và 2.452 trẻ ở nông thôn) đang theo học ở các cơ sở giáo dục mầm non công lập có hoàn cảnh khó khăn cũng được hỗ trợ học phí học kỳ I của năm học này.

Tổng kinh phí cho khoản hỗ trợ này gần 7,4 tỷ đồng và được trích từ nguồn ngân sách nhà nước. Khoản hỗ trợ trên sẽ được chuyển trực tiếp cho cha mẹ (hoặc người giám hộ) trẻ em/học sinh theo bưu điện, chuyển khoản hoặc các hình thức đúng quy định pháp luật.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.