> Phát động cuộc thi viết về văn hóa giao thông
Bà Liên và dụng cụ chèn cổ do bà tự chế bằng mút cùng nhiều dụng cụ bà bỏ tiền mua để giúp người bị nạn. Anh: NA.TD. |
Bà Liên sơ cứu
Nguyên cớ khiến bà đến với nghề sơ cấp cứu người bị tai nạn giao thông (TNGT), phần vì nhà ngay mặt đường 5, lại ở đúng đoạn điểm đen (ngã tư Phúc Thành), thường xuyên xảy ra TNGT, phần vì bản thân bà lại là y tá phụ mổ tại Bệnh viện huyện Kim Thành, ít nhiều cũng thạo nghề y.
Năm nay, ở cái tuổi 63, giọng bà vẫn sang sảng. Bà không còn nhớ, ca TNGT đầu tiên bà sơ cứu bệnh nhân. “Tôi chỉ nhớ, từ những năm 80 của thế kỷ trước, khi tôi đang làm y tá tại Bệnh viện huyện Kim Thành, thì đã làm cái việc sơ cấp cứu này rồi”, bà Liên nói.
Từ ngày bà nghỉ hưu, không kể đêm hôm, hễ thấy người kêu có tai nạn trên cung đường 5, đoạn qua xã Phúc Thành (khoảng 3 km), cần cấp cứu là bà vớ đồ nghề lên đường. Lòng yêu nghề của bà lan sang cả anh con trưởng Đoàn Ngọc Quý (36 tuổi), và nay cả cháu nội Đoàn Thị Ngọc Ánh (15 tuổi).
Lật cuốn sổ bà Liễu ghi chép, đến giữa tháng 6-2011, có 252 người bị TNGT trên cung đường 5 này đã được bà sơ cứu, sống sót. Bà Liên tâm sự: “Tôi chỉ ghi thông tin về những người còn sống, còn những người đã chết, mình biết họ là ai đâu mà ghi”.
Bà Liên kể: “Năm ngoái, có hai chị em ở Hoàng Thạch, đi xe máy hướng Hải Phòng, bất ngờ rúc vào xe container, bẹp dí trong gầm, không ai dám vào lôi ra. Người ta chạy tới gọi tôi. Tôi kêu thêm cháu Ánh, hai bà cháu lôi ra, tôi vừa hô hấp nhân tạo, vừa băng bó, còn cháu Ánh thì phụ giúp. Tôi cũng lấy làm lạ, không thấy con bé sợ sệt gì”.
“Bà là người rất nhiệt tình, tự nguyện lại có chuyên môn nghiệp vụ, đó là điều rất quý. Nhờ được bà sơ cứu kịp thời, những năm qua nhiều người bị TNGT trên tuyến đường này đã được cứu sống. “ - Ông Nguyễn Giang Nam, Chánh văn phòng Hội Chữ thập đỏ Hải Dương. |
Sau khi sơ cứu, bà chuyển hai nạn nhân đi cấp cứu tại Bệnh viện Kim Thành. “Thật may, cả hai đều sống sót. Nay tết nhất, hay mỗi khi có điều kiện qua đây, hai chị em họ vẫn qua nhà tôi. Vui lắm...”, bà Liên nói.
Bà Liên nhớ mãi vụ TNGT tại chân cầu vượt, đoạn đường 5 gần thị trấn Phú Thái. Lần đó, một người đàn ông chở sọt lợn bị ô tô chèn bẹp đầu. Người dân gọi mẹ con bà Liên ra thì người chở lợn đã chết. Đàn lợn chạy tứ tung. Hai mẹ con thi nhau đuổi bắt lợn, về thả trong chuồng.
“Người thì chết rồi, mình bắt đàn lợn về nuôi hộ, để sau này người nhà qua nhận. Tới khi người nhà họ qua, tôi mới ngớ người vì hoá ra nạn nhân là người thân của tôi ở Thanh Hà”, bà Liên kể.
Quốc lộ 5, Hà Nội đi Hải Phòng dài hơn 100 km, thì chạy qua tỉnh Hải Dương 45 km. Trong đó, đoạn đi qua Phúc Thành, chỉ vài kilômét, và bà Liên cũng chỉ hoạt động chủ yếu trên địa bàn xã. Song, tiếng tăm bà ngày càng vươn xa, cả chục cây số sang các xã xung quanh.
Người dân nơi đây, nhiều người còn nhớ mãi chuyện về anh Nguyễn Khắc Hùng, 37 tuổi, thị trấn Phú Thái, Kim Thành. Năm 2006, anh Hùng bị tai nạn trên đường 5, gần nhà bà Liên. Vụ tai nạn làm Hùng bị gãy chân, sau khi sơ cứu, bà Liên đưa Hùng tới bệnh viện huyện. Xét nghiệm máu, các bác sĩ phát hiện anh bị HIV, họ từ chối điều trị, mặc cho Hùng vật vã trong đau đớn.
Chứng kiến cảnh tượng ấy, bà Liên không đành, bà đưa Hùng về băng bó, trị thương tại nhà mình, trên chiếc giường sắt cũ. Bà Liên, kể: “Sau gần tháng trời, vết thương của Hùng bình phục dần. Rồi nó bất ngờ gọi tôi bằng mẹ. Nó bảo tôi không chỉ cứu đôi chân mà còn cứu cả tâm hồn nó”. Kể lại chuyện cũ, mắt bà Liên ngấn nước… đầu năm 2011, Hùng phát bệnh, ra đi. Bà Liên buồn buồn: “Tôi thương nó, đi sớm quá, chẳng vợ con gì!”.
Làm phúc phải tội
Quanh chuyện bà Liên cứu người có không ít lần, mẹ con bà phải đến cơ quan công an. Năm 1985, có hai thanh niên là thủy thủ tàu Viễn Dương đi xe máy qua địa bàn bị tai nạn. Khi người dân gọi mẹ con bà Liên tới, cả hai đã tử nạn. Hai mẹ con bà lặng lẽ gom xác nạn nhân, rồi chuyển giao cho cơ quan công an.
Sau đó vài ngày, mẹ con bà nhận được giấy mời của công an huyện tới làm việc. Tới nơi, bà Liên tá hỏa khi công an hỏi về 2 kg vàng mà nạn nhân mang theo, ai đã lấy nó. Tuy cơ quan công an không khẳng định mẹ con bà lấy số vàng, nhưng cũng chưa loại mẹ con bà ra khỏi danh sách nghi can.
Bà Liên kể: “Mang nặng nghi án trộm vàng của người chết, nhiều đêm tôi không ngủ được, còn thằng Quý, vừa trách mẹ tự mang dây buộc mình, vừa ấm ức... Từ đó, ngày nào Quý cũng đi hỏi dò làng trên xóm dưới, xem những ai đã chứng kiến vụ tai nạn, để lần mò đầu mối. Sau nửa tháng, nó cũng truy tìm được thủ phạm là một thanh niên trong xã. Sau đó báo công an. Thế mới giải oan được”.
Gần đây, những vụ bà bị nghi oan ít hơn. Bởi từ năm 2006, Hội Chữ thập đỏ Hải Dương được Tổ chức y tế Quốc tế Hoa Kỳ, đầu tư triển khai dự án “Nâng cao năng lực sơ cấp cứu TNGT quốc lộ 5” với mục tiêu vận động cộng đồng giúp đỡ, sơ cấp cứu kịp thời cho các nạn nhân bị tai nạn.
Bà Liên là một trong những người đầu tiên, được Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hải Dương mời tham gia dự án, được đi tập huấn bài bản. Được dự án phát quần áo tình nguyện viên, làm thẻ, phát dụng cụ sơ cứu và được nhận thù lao 150.000 đồng/tháng. Từ đó, mỗi khi đi sơ cứu cho người bị nạn, bà đều mặc áo, đeo thẻ, nên những người bị nạn nghĩ bà đang làm nhiệm vụ, không nghi ngờ.
Mới đây nhất, một thanh niên ở xã Kim Xuyên, Kim Thành bị tai nạn được bà Liên và cháu gái sơ cứu, đưa vào bệnh viện. Cả hai bà cháu bị người nhà nạn nhân túm cổ bắt đền vì nghi ngờ cháu gái bà lấy cắp 30 triệu đồng của anh này. “Tôi giải thích thế nào họ cũng không tin. Sau đó, công an điều tra, tìm ra kẻ trộm là một thanh niên cách nhà tôi 2km, anh này đã cuỗm số tiền của người bị nạn”.
Năm 2009, dự án kết thúc, gia đình khuyên bà Liên bỏ nghề, vì tuổi cao nhưng bà không chịu. “Tôi phải làm tới khi nào không còn sức nữa thì thôi. Chuyện làm phúc, sao có thể tính toán thiệt hơn”. Chuyện bà Liên sơ cứu, làm phúc, có sức lan tỏa sang những người hàng xóm. Bà Liên khoe: “Có tai nạn, tôi chỉ ới cái là mấy anh, chị hàng xóm có mặt hỗ trợ ngay”.