Ba kịch bản cho... chứng khoán

Ba kịch bản cho... chứng khoán
TP - Thị trường chứng khoán diễn biến với nhiều phiên tăng, giảm đan xen nhau. Tâm lý thận trọng của nhà đầu tư vẫn thể hiện rõ rệt. Điều khiến lo lắng nhất là là khi niềm tin bị vỡ, liệu thị trường có rơi tự do?

> 'Tướng' chứng khoán Sacombank giữ chức được... 10 ngày
> Vận hành hệ thống giám sát giao dịch chứng khoán

Giao dịch “tỉnh giấc”

Nhiều mã cổ phiếu đã xanh trở lại trong phiên giao dịch sáng ngày 20/3 giúp cho các chỉ số VN-Index và HNX-Index nhích nhẹ. Thanh khoản của toàn thị trường có phần cải thiện. Diễn biến này khá bất ngờ cho nhà đầu tư, trong khi hai phiên đầu tuần giao dịch uể oải và không kém phần …buồn ngủ.

Ở quan điểm thận trong, ông Phan Dũng Khánh – Trưởng phòng phân tích CTCK Maybank KimEng cho rằng, mặc dù thị trường có phục hồi nhưng mức tăng vẫn chưa lớn và thanh khoản vẫn chưa cải thiện so với mức trung bình của ba tháng tăng điểm từ tháng 12 năm ngoái cho đến tháng 2/2013. Theo ông Khánh, thị trường tăng điểm gần đạt đỉnh cũ, nhưng vẫn còn rất nhiều mã vẫn chưa đạt được mức tăng của bản thân nó trước đó và vẫn còn rất nhiều nhà đầu tư đang thua lỗ. Nếu nói về một cái đáy ngắn hạn của thị trường thì phải chờ đợi thêm một thời gian nữa, bởi hiện tại người bán không bán nhiều trong khi người mua thì chưa thực sự sẵn sàng.

Kịch bản nào?

Mới đây, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) vừa đưa ra với cổ đông kế hoạch lợi nhuận tương ứng với ba kịch bản của thị trường. Cụ thể, kịch bản tích cực với VN-Index 500, công ty đặt kế hoạch 510 tỷ đồng lãi trước thuế. Với kịch bản trung bình là VN- Index 450, kế hoạch lợi nhuận trước thuế của SSI là 490 tỷ đồng. Và cuối cùng, kịch bản thận trọng VN-Index 400 thì mức lãi trước thuế là 450 tỷ đồng.

Với mốc hiện tại của VN-Index giao dịch quanh 487 điểm, như vậy theo dự báo của SSI thì kịch bản xấu nhất là mức sụt giảm có thể lên đến 20% nhưng mức tăng cao nhất chỉ là 5%. Có vẻ như thị trường vẫn chưa thể sáng sủa hơn.

Trong khi đó, dự báo về chứng khoán trong năm 2013, ông Trần Đức Thắng, Tổng giám đốc CTCK FLC (FLCS) cho rằng, về cơ bản, TTCK năm 2012 đã chạm đáy, trong dài hạn xu hướng chung sẽ là đi lên và 2013 sẽ là năm của những con sóng lớn.

Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tiền tệ quốc gia nhận định, TTCKsẽ phải đối diện với giai đoạn cầm cự, điều chỉnh nhẹ từ nay đến giữa năm. Dấu hiệu phục hồi ổn định hơn vào nửa cuối năm. Tuy nhiên mức tăng trưởng có thể chưa đủ lớn để VN-Index vượt mốc 600 điểm vào quý 4/2013.

Hiện tại, kết quả kinh doanh năm 2012 sau kiểm toán của một số doanh nghiệp bất thường với sụt giảm lợi nhuận và nợ dài hạn được lưu ý bởi công ty kiểm toán trong khi đó, chưa kể vẫn tiếp tục chưa tiếp cận được nguồn vốn.

Theo giới nhà đầu tư liều thuốc khiến thị trường mấy ngày qua “tỉnh giấc” đến từ yếu tố tích cực của kinh tế vĩ mô. Theo Ngân hàng Nhà nước, tín dụng trong tháng 2/2013 đã tăng trở lại với mức 0,26% từ mức giảm 1,23% trong tháng 1. Bên cạnh đó, CPI cũng được dự báo sẽ tăng thấp trong tháng 2 thậm chí là âm. Nhiều kỳ vọng bước tiếp theo lãi suất sẽ giảm .

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG