Ba điều từ phiên tòa Phạm Đình Tiếng

Ba điều từ phiên tòa Phạm Đình Tiếng
TP - Quá nhiều điều đặc biệt ở vụ án này: Bị cáo bị tạm giam gần bảy năm; 12 lần điều tra bổ sung; điều tra viên sai phạm nghiêm trọng, có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ…

> Xét xử 'người bị tạm giam 7 năm': Nhiều tình tiết mới
> Bảy năm nuôi chồng tạm giam

Các luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Đình Tiếng
Các luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Đình Tiếng.

Phiên tòa sơ thẩm do TAND TP Hà Nội mở để xét xử bị cáo Phạm Đình Tiếng - nguyên thiếu tá Công an Hà Nội, bị tạm giam năm thứ bảy - diễn ra chủ yếu trong hai ngày 25 - 26/4. Riêng bản án được tuyên vào sáng 27/4; theo đó, ông Tiếng bị tuyên phạt 16 năm tù về hành vi “nhận hối lộ”, 2 năm tù về hành vi “lừa đảo”. Có 3 điều đáng chú ý rút ra từ phiên tòa này.

Xét hỏi kiểu cũ

Phần xét hỏi, sau khi một vị hội thẩm nhân dân hỏi bị cáo Tiếng, cả ba luật sư bào chữa cho ông Tiếng cùng phản ứng đến mức họ cùng ký đơn đề nghị thay hội thẩm này với lý do “có căn cứ cho thấy không vô tư, khách quan khi xét xử”!

Thực ra vị hội thẩm (một kiểm sát viên đã nghỉ hưu) không hỏi, mà tranh thủ… giáo dục ông Tiếng. Vị này phân tích ông Tiếng đã làm sai chức năng nhiệm vụ của trinh sát viên - thư ký ban chuyên án như cáo trạng quy kết, rồi khuyên ông Tiếng cần nhận ra sai phạm để tu dưỡng, cải tạo cho tốt.

 Phiên tòa đang phần xét hỏi, vị hội thẩm “tuyên án” ngay như vậy là trái nguyên tắc suy đoán vô tội, và trái quy định của Bộ luật TTHS 

Các luật sư bào chữa cho Phạm Đình Tiếng

Luật sư cho rằng hội thẩm đã “nhầm” chức năng, nhiệm vụ của trinh sát viên với điều tra viên, từ đó quy kết ông Tiếng phải làm (nhưng không làm) một số việc như cáo trạng nêu.

Theo các luật sư, phiên tòa đang phần xét hỏi, vị hội thẩm “tuyên án” ngay như vậy là trái nguyên tắc suy đoán vô tội, và trái quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự (TTHS) “những người tiến hành tố tụng phải thu thập các chứng cứ gỡ tội cho bị cáo”.

HĐXX hội ý bác đề nghị của các luật sư. Phiên tòa tiếp tục, song kết quả dễ đoán. Ông Tiếng có tội là đương nhiên, bởi “án tại hồ sơ”. Người ta đang xét xử theo cách mươi năm về trước, phiên tòa mở ra cốt để giúp bị cáo nhận thức được sai phạm mà lao động cải tạo cho tốt…

Tranh luận một chiều

Như đã thành thông lệ, phần tranh luận diễn ra hầu như một chiều. Các luật sư nêu rất nhiều luận điểm “đối” lại cáo trạng, song công tố viên không
“đáp” lại.

Một ví dụ: Các luật sư nhận định Viện KSND Tối cao ra cáo trạng không đúng thẩm quyền; cơ quan này “ủy quyền” cho Viện KSND TP Hà Nội thực hành quyền công tố tại phiên tòa là trái luật. Các luật sư trích dẫn Bộ luật TTHS để nhận định trong vụ án này Viện KSND Tối cao chỉ có quyền kiểm sát hoạt động điều tra; khi kết thúc điều tra, họ phải chuyển vụ án cho Viện KSND TP Hà Nội để cơ quan này truy tố và ra cáo trạng (vấn đề này, Tiền Phong từng nêu trong bài “Trái luật và ngược cải cách tư pháp”).

Đáp lại, vị đại diện Viện KSND TP Hà Nội trích dẫn quy chế ngành Kiểm sát do Viện trưởng Viện KSND Tối cao ký ban hành; theo đó, khi CQĐT là cấp trung ương, Viện KSND Tối cao không chỉ kiểm sát điều tra, mà còn trực tiếp truy tố, rồi ủy quyền cho Viện KSND cấp tỉnh thực hành quyền công tố tại tòa.

Các luật sư phản bác: Văn bản công tố viên trích dẫn không phải là văn bản quy phạm pháp luật, nội dung của nó trái luật, không thể áp dụng trong phiên tòa này. Ý kiến đó không được phía công tố đáp lại.

Vai trò của Đảng

Trước khi đề nghị HĐXX tuyên Phạm Đình Tiếng “không phạm tội, các luật sư đã nhắc đến cải cách tư pháp theo Nghị quyết 08 và Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị, trọng tâm là đẩy mạnh dân chủ, công khai, khoa học trong công tác xét xử, đặc biệt là trong tranh luận. Theo các luật sư, phải đổi mới xét xử mới có thể giải oan cho những người vô tội chẳng may lâm vào vòng lao lý.

Bà Phan Thị Lệ Tuyên (vợ bị cáo Tiếng) trình bày bà có đơn tố cáo một số cán bộ điều tra và cán bộ kiểm sát, gửi đến các cơ quan tố tụng rất nhiều lần, song chưa bao giờ được giải quyết, buộc bà phải tố cáo đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng (UBKTTƯ). Bước đầu, UBKTTƯ kết luận một số cán bộ điều tra và kiểm sát đã có sai phạm nghiêm trọng, có dấu hiệu “làm sai lệch hồ sơ vụ án”.

Tại tòa, công tố viên cũng trích đọc một văn bản của Đảng ủy Viện KSND Tối cao gửi UBKTTƯ, xung quanh việc giải quyết tố cáo của bà Tuyên.

Rất hiếm vụ án các cơ quan của Đảng “ra tay” kiểm tra, giám sát, như vụ án này. Trong số những người dự tòa, người ta thấy có một vị cán bộ Ban Nội chính trung ương tham dự, ghi chép rất cẩn thận. Khi phiên tòa sơ thẩm diễn ra không đúng cải cách tư pháp, người ta lại hy vọng mọi chuyện sẽ khác ở phiên phúc thẩm…

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
TPO - TIN NÓNG ngày 12/12: Công an Hà Nội điều tra vụ cháu bé 11 tuổi bị cứa cổ, hành hạ khi câu cá tại ao nhà hàng xóm; Chủ tịch Công ty Trung Hậu 68 đã 'rửa' hàng trăm tỷ thu lợi bất chính từ khai thác trái phép cát ra sao?; Nhóm thanh niên Hải Dương mang kiếm sang Bắc Ninh trộm tiền công đức ở đền chùa...
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.