Theo các nhà nghiên cứu Anh, thay vì dùng vitamin tổng hợp và khoáng chất bổ sung, phụ nữ mang thai nên tập trung vào việc nâng cao chất lượng tổng thể bữa ăn và chỉ cần bổ sung acid folic và vitamin D.
"Chúng tôi không tìm thấy bất cứ bằng chứng nào để khuyên các thai phụ cần bổ sung vitamin, khoáng chất ngoài acid folic vitamin D, những loại được bán với giá khá thấp", nhóm tác giả nghiên cứu đăng tải bài viết trên tạp chí Dược phẩm và chữa bệnh (Anh).
Mặc dù bổ sung vitamin tổng hợp thường được các hãng sản xuất quảng cáo như cách giúp trẻ có sự khởi đầu tốt nhất trong cuộc sống. Tuy nhiên, kiểu tiếp thị này không thực sự mang lại sức khỏe tốt hơn cho thai phụ và em bé.
Ví dụ dưới góc độ y khoa, khi mang thai nếu mẹ dùng quá nhiều vitamin A có thể gây nguy hiểm cho em bé.
Trong khi đó, ăn các thực phẩm lành mạnh trước và trong lúc mang thai đóng vai trò sống còn với bà mẹ. Chế độ ăn cân bằng cho thai phụ gồm các loại thực phẩm thuộc 5 nhóm: ngũ cốc, trái cây, rau quả, thực phẩm giàu protein và sữa.
Ở nghiên cứu mới nói trên, các nhà khoa học đã xem xét tác động của việc bổ sung vitamin tổng hợp - loại mà nhiều hãng sản xuất tung hô là "thần dược" giúp bà bầu chống lại mọi vấn đề sức khỏe.
Vitamin tổng hợp thường kết hợp nhiều loại vitamin và khoáng chất, chẳng hạn như vitamin B1, B2, B3, B6, B12, C, D, E và K, cùng với acid folic, iốt, magiê, sắt, đồng, kẽm...
Kết quả cho thấy, ngoại trừ acid folic và vitamin D, không có bằng chứng cho thấy các thai phụ được hưởng bất kỳ lợi ích lâm sàng nào từ việc dùng những chất bổ sung khác và gây lãng phí vô ích.
Tiến sĩ Janet Fyle thuộc trường đào tạo nữ hộ sinh Hoàng gia Anh, khuyến cáo thêm: “Chúng tôi khuyên các phụ nữ có thai hoặc có ý định mang thai nên ăn uống đa dạng, lành mạnh gồm trái cây và rau quả tươi, kèm theo bổ sung folic acid. Chúng tôi cũng nhấn mạnh rằng bà bầu không cần ăn cho hai người. Tất cả những gì họ cần là một chế độ ăn với số lượng thực phẩm cân bằng bình thường”.