Thời gian tới, hầu hết các nước thành viên của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) sẽ bước vào thời kỳ già hóa dân số, tạo nhiều thách thức với tăng trưởng kinh tế, lương hưu… Do đó, các thành viên APEC đã bàn về giải pháp ứng phó, như dịch chuyển lao động giữa các nước, chính sách để người cao tuổi vẫn tiếp tục lao động…
Việt Nam còn 20-30 năm
Trả lời PV Tiền Phong tại cuộc họp báo sau hội nghị, Bộ trưởng KH&ĐT Việt Nam - ông Bùi Quang Vinh cho biết, già hóa dân số là thực trạng nhiều thành viên APEC đã và đang phải đối mặt, gây mất cân bằng lao động. Với Việt Nam, hiện đang ở thời kỳ “dân số vàng”, với dân số hơn 90 triệu người, trong ngày khai giảng năm học mới hôm 5/9 đã có hơn 22 triệu học sinh (chiếm trên 25% dân số).
“Tuy nhiên, theo dự báo của Bộ Y tế và các tổ chức quốc tế, chỉ 20-30 năm nữa Việt Nam sẽ phải đối mặt già hóa dân số với tốc độ rất nhanh. Cho nên, từ bây giờ chúng ta phải quan tâm tới vấn đề này, đồng thời phải có chính sách nguồn nhân lực để ứng phó”, Bộ trưởng Vinh nói.
Tại hội nghị lần này, các bộ trưởng APEC đã bàn cách “sống chung” với giá hóa dân số, như chính sách an sinh xã hội cho người cao tuổi; có chính sách vừa tạo điều kiện vừa bảo vệ người cao tuổi tiếp tục tham gia lao động…
Già hóa dân số khiến nhiều nước thiếu lao động, việc dịch chuyển lao động giữa các nước APEC ngày càng phổ biến. Do đó, các bộ trưởng APEC cũng bàn thảo các chính sách hợp tác để quản lý và bảo vệ lao động dịch chuyển, như công nhận chứng chỉ đào tạo nghề thống nhất giữa các quốc gia trong khu vực.
Trưởng đoàn Brunei chia sẻ, để đảm bảo an sinh xã hội cho người cao tuổi, Chính phủ Brunei đã dùng ngân sách để hỗ trợ quỹ lương hưu từ nhiều năm qua. Từ đó, nâng dần mức lương hưu tối thiểu lên 200 USD/người vào thời điểm hiện nay, giúp ổn định cuộc sống người cao tuổi.
Nhân lực là đột phá chiến lược
Phát biểu khai mạc Hội nghị bộ trưởng APEC sáng 6/9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, qua 25 năm hình thành và phát triển, những bài học thành công và kinh nghiệm hợp tác trong APEC cho thấy, nguồn nhân lực có vai trò quan trọng hàng đầu để duy trì sự năng động và tăng trưởng nhanh của khu vực.
Do đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị, các quốc gia APEC cần tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, đặc biệt trong phát triển nguồn nhân lực. Đồng thời, khuyến khích sự năng động, sáng tạo và tăng cường kết nối con người...
Coi đó là những biện pháp quan trọng để tái cơ cấu, phục hồi tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội và phát triển con người. Góp phần hạn chế các tác động tiêu cực của toàn cầu hóa và phân công lao động quốc tế, như thất nghiệp (đặc biệt là ở bộ phận lao động trẻ); hỗ trợ những người dễ bị tổn thương trên thị trường lao động, nhất là phụ nữ, người tàn tật...
Về phía Việt Nam, Thủ tướng khẳng định, luôn xác định phát triển nguồn nhân lực (đặc biệt nhân lực chất lượng cao), là khâu đột phá chiến lược để phát triển bền vững kinh tế-xã hội; cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hướng tới mục tiêu thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
“Việt Nam đang trong thời kỳ “dân số vàng”, đây là cơ hội, lợi thế quan trọng Việt Nam phải nỗ lực phát huy để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đồng thời góp phần phát triển nhanh, hiệu quả và hội nhập sâu rộng vào các cơ chế hợp tác, liên kết khu vực cũng như toàn cầu”, Thủ tướng nhấn mạnh. Đặc biệt, khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các hiệp định thương mại tự do có những yêu cầu và tiêu chuẩn cao về nguồn nhân lực.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, Việt Nam xác định nâng cao chất lượng lao động là nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình cấu trúc lại kinh tế. Do đó, ưu tiên cơ bản của Việt Nam là tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, kết nối khu vực để tạo chuỗi giá trị toàn cầu.
“Các thành viên APEC đã bàn bạc, chia sẻ kinh nghiệm để nâng cao chất lượng lao động, kết nối và tạo di chuyển nguồn nhân lực giữa các quốc gia. Đồng thời có chính sách đảm bảo an sinh xã hội cho lao động di cư, như tiếp cận bảo hiểm, y tế…”, Bộ trưởng Vinh nói.
Với chủ đề bao quát: “Tăng cường chất lượng việc làm và kết nối con người thông qua phát triển nguồn nhân lực”, các bộ trưởng APEC đã thảo luận và thông qua 3 nhóm chủ đề thành phần, gồm: Hỗ trợ tăng trưởng đồng đều và bền vững nhằm giải quyết các khía cạnh của quá trình toàn cầu hóa; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu chuỗi cung ứng; Thúc đẩy chuyển dịch lao động và phát triển kỹ năng. Các thành viên APEC cũng ra tuyên bố chung, kế hoạch và chương trình hành động phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2015-2018.
Hội nghị HRDMM6 đã thu hút gần 200 đại biểu là bộ trưởng, các quan chức cấp cao phụ trách phát triển nguồn nhân lực của 21 nền kinh tế thành viên APEC, lãnh đạo các bộ ngành của Việt Nam và đại diện một số tổ chức quốc tế.