Áp sát

Áp sát
TP - Chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tới Myanmar đang được xem là một đột phá trong mối quan hệ song phương, là chỉ dấu cho thấy quốc gia vùng tây bắc bán đảo Trung-Ấn dường như đã sẵn sàng tái hòa nhập cộng đồng quốc tế sau hai thập kỷ bị cô lập.

> Ngoại trưởng Mỹ sẽ thăm Myanmar

Nhưng nhiều người đặt câu hỏi, đâu mới là lý do thực sự khiến Mỹ chìa tay ra với Myanmar, vì trong con mắt phương Tây, nước này được coi là “thường xuyên bội ước”.

Lý do bề nổi, hoặc có thể được gọi là một trong các lý do, là Myanmar đã có những thay đổi về chính trị, về tổ chức bộ máy nhà nước mà phía Mỹ gọi là những tiến bộ quan trọng: cho phép lực lượng đối lập chính thức hoạt động, trả tự do cho một số tù chính trị, cởi trói báo chí, sửa đổi luật bầu cử... cho dù đợt bầu bán năm 2010 vẫn bị phương Tây xem là “dàn dựng”.

Một quan chức cao cấp Mỹ, cỡ ngoại trưởng, tới Myanmar sau 50 năm là cách rất tốt để Washington tỏ thái độ khen ngợi và khuyến khích Naypyidaw tiếp tục cải cách.

Nhưng có lẽ chuyến thăm của bà Clinton tới Myanmar có nguyên nhân sâu xa là quan hệ của Myanmar với Trung Quốc. Trong hai thập kỷ bị cô lập, Myanmar gần như không có mối quan hệ nào đáng kể ngoài Trung Quốc, nước láng giềng to lớn và đang ngày càng lớn mạnh.

Tuy nhiên, ảnh hưởng của Trung Quốc lên kinh tế, xã hội và chính trị Myanmar đã lớn đến mức khiến giới lãnh đạo ở Naypyidaw và người dân cảm thấy ngột ngạt. Quyết định hủy bỏ dự án thủy điện Myitsone do Trung Quốc tài trợ của Naypyidaw cho thấy Myanmar đang có những nỗ lực thoát ra cái bóng của người láng giềng khổng lồ.

Đây cũng là cách Naypyidaw “hô hoán” lên với thế giới rằng họ muốn đa phương hóa các mối quan hệ chứ không muốn quá phụ thuộc vào Trung Quốc.

Trong khi ấy, các nhà lãnh đạo phương Tây có lẽ đã nhận thấy rằng, cấm vận và cô lập Myanmar sẽ càng đẩy nước này vào vòng tay Trung Quốc, tạo điều kiện để Bắc Kinh tham gia sâu vào tương lai của Myanmar.

Khi cả hai bên Mỹ và Myanmar “tình trong như đã, mặt ngoài còn e” thì có khó gì đâu cái cớ để tìm đến với nhau.

Washington có thể “bỏ ngoài tai” những ta thán rằng cuộc bầu cử năm 2010 ở Myanmar là dàn dựng, rằng tuy được coi là chính phủ dân sự nhưng giới quân nhân vẫn chiếm đa số gương mặt trong chính phủ? để ngợi ca những “tiến bộ” mà chính quyền Naypyidaw đã đạt được.

Lãnh đạo Mỹ hiểu rằng, muốn kiểm soát được đối phương, không có cách nào khác là phải áp sát. Mà có “gần gũi” Myanmar, Mỹ mới kiểm soát và cân bằng được mối quan hệ Mỹ-Myanmar, Myanmar-Trung Quốc và thậm chí là Myanmar-Triều Tiên.

Việc tiến lại gần Myanmar cũng là cách Mỹ truyền thông điệp tới Trung Quốc: Chúng tôi đã trở lại châu Á và sẽ nắm quyền kiểm soát ở khu vực này.

Tuy nhiên, quan hệ Mỹ-Myanmar chắc chắn còn không ít gập ghềnh vì còn đó những nghi ngại và bất đồng giữa đôi bên về một loạt vấn đề.

Và vẫn còn đó Trung Quốc. Naypyidaw dù gì thì cũng không thể quay lưng lại với Bắc Kinh. Nhưng ít nhất, cơ hội chọn lựa và tự quyết đã trong tầm tay chính quyền Naypyidaw.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG