Áp dụng sai công nghệ?

Chi 91 tỷ đồng để sửa, mặt cầu vẫn nhiều “ổ trâu” Ảnh: Hồng Vĩnh, Trần Võ
Chi 91 tỷ đồng để sửa, mặt cầu vẫn nhiều “ổ trâu” Ảnh: Hồng Vĩnh, Trần Võ
TP - Chi 91 tỷ đồng sửa mặt cầu Thăng Long, nhưng vừa sửa xong thì mặt cầu đã nứt. Hơn nửa năm trôi qua với 4 lần hàn vá mặt cầu, nhưng nguyên nhân nứt mặt cầu vẫn chưa tìm được. Nhà thầu và đơn vị tư vấn đổ lỗi cho nhau, trong khi Bộ GTVT vẫn chưa có kết luận.

>> Mặt cầu Thăng Long càng vá càng nứt

Chi 91 tỷ đồng để sửa, mặt cầu vẫn nhiều “ổ trâu” Ảnh: Hồng Vĩnh, Trần Võ
Vết sùi, vặn nứt mặt đường cầu Thăng Long ảnh chụp 15h ngày 10-9.
Ảnh: Hồng Vĩnh


Tư vấn thiết kế, giám sát: Lỗi do thi công

Dự kiến trong tháng 9 này, đơn vị thi công sẽ tiếp tục đợt sửa chữa, trám vá các vết nứt trên mặt cầu Thăng Long. Như vậy, kể từ khi sự cố nứt mặt cầu Thăng Long xảy ra (từ tháng 2-2010), tính đến nay cả chủ đầu tư lẫn nhà thầu thi công đã bốn lần sửa chữa, hàn vá với diện tích lên đến hàng nghìn m2. Qua tìm hiểu, tính đến thời điểm này phần diện tích hư hỏng còn lại chưa được sửa chữa vào khoảng 2.242 m2.

Sau những diễn biến trên, Bộ GTVT đã giao Viện Khoa học Công nghệ GTVT lập bản đồ điểm hỏng, điểm tiềm ẩn khả năng hỏng với tổng diện tích lên đến 4.200 m2. Theo tính toán, tổng kinh phí cho cả 4 lần sửa chữa vào khoảng 2 tỷ đồng, do nhà thầu bỏ ra vì mặt cầu vẫn đang trong giai đoạn bảo hành. Tuy nhiên đến nay, mặt cầu vẫn tiếp tục bị hư hỏng. Thực tế này đặt ra câu hỏi: đâu là nguyên nhân và giải pháp khắc phục lần thứ 5 tiếp tục sửa lại liệu có bảo đảm mặt cầu sẽ không tiếp tục hư hỏng?

Trước đó ngày 23-3, Viện Khoa học và Công nghệ (Bộ GTVT), với tư cách là đơn vị thiết kế và giám sát dự án sửa chữa cầu Thăng Long đã công bố nguyên nhân chính xảy ra hiện tượng nứt mặt cầu. Tại thời điểm đó, ông Doãn Minh Tâm, Viện trưởng Viện KH-CN cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự cố nứt, nhưng yếu tố thi công tại hiện trường là nguyên nhân chính.

“Nguyên nhân chính dẫn đến sự hình thành một số vết nứt cục bộ trên mặt cầu là một số mẻ bê tông nhựa SMA công nghệ bê tông, làm mặt đường của Trung Quốc đã bị nguội nhanh trong quá trình lu lèn. Bê tông nhựa sau khi kết thúc lu lèn ở nhiệt độ thấp hơn 12 độ C đã làm cho bê tông nhựa vừa không đủ nhiệt độ để bám dính với lớp dưới, vừa không đảm bảo độ chặt như thiết kế, dẫn tới cường độ chịu lực bị suy giảm mạnh và phát sinh vết nứt kéo”- Lãnh đạo Viện lý giải.

Tuy nhiên, công bố trên của Viện KH-CN đã khiến nhà thầu và dư luận không đồng tình.

Đến nay, theo ý kiến chỉ đạo của Bộ GTVT, thời hạn mà Viện KH-CN GTVT phải đưa ra kết luận chính thức về nguyên nhân hỏng mặt cầu và giải pháp xử lý triệt để đã hết. Để tìm câu trả lời, chúng tôi đã trao đổi với lãnh đạo Viện. Tuy nhiên, câu trả lời nhận được hết sức mơ hồ.

Áp dụng sai công nghệ? ảnh 2


Nhà thầu: Áp dụng sai công nghệ

Theo ông Bùi Xuân Trung, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Bảo Quân, nhà thầu thi công việc thảm lại mặt đường: Việc sửa cầu Thăng Long đã được Viện KH-CN - GTVT giám sát chặt chẽ theo các quy trình mà Viện đã đặt ra. Chính vì vậy, việc hư hỏng như hiện nay nhiều khả năng do áp dụng sai công nghệ.

Cũng theo ông Trung, đây là dự án có yếu tố công nghệ mới lần đầu tiên được áp dụng ở Việt Nam nên chưa khẳng định được sự phù hợp hay không phù hợp với điều kiện khí hậu nóng ẩm ở Việt Nam và trên mặt cầu bản thép. Có thể yếu tố thời tiết chưa được đề cập một cách đúng mức trong quá trình nghiên cứu. Hiện nay Ban QLDA 2 đang đôn đốc, chỉ đạo nhà thầu khẩn trương sửa chữa đôn đốc Viện Khoa học Công nghệ GTVT sớm có báo cáo chính thức nguyên nhân chính gây hư hỏng để từ đó có biện pháp khắc phục triệt để.

Đến nay, do vật liệu Bond coat (lớp dính bám giữa bê tông nhựa SMA bên trên với lớp chống thấm Eliminator bên dưới) phải nhập khẩu từ nước ngoài nên việc sửa chữa các hư hỏng phải chia thành nhiều đợt. Phần diện tích hư hỏng còn lại chưa được sửa chữa tính đến ngày 6-9-2010 vào khoảng 2.242 m2, chiếm 8,58% tổng diện tích mặt cầu. “Được sự chấp thuận của Bộ GTVT, chúng tôi đã nhập khẩu tiếp 3.000 kg Bond coat và dự kiến ngày 22-9-2010 sẽ về đến công trình” – Ông Trung nói.

Để triển khai công tác sửa chữa các hư hỏng còn lại, nhà thầu đã chuẩn bị đầy đủ cốt liệu đá dăm, nhựa đường Polymer để sản xuất bê tông nhựa SMA và các thiết bị thi công cần thiết để ngay sau khi vật liệu Bond coat về đến công trình, công tác sửa chữa sẽ tiếp tục được triển khai và thời gian sửa chữa khoảng 7 ngày.

Theo nhận định của một số chuyên gia về cầu đường, việc mặt cầu Thăng Long ngày càng nứt sâu và rộng hơn có thể là dấu hiệu của thiết kế và vật liệu không tốt, dẫn đến một bộ phận lớp mặt cầu bị mất lực dính bám. Đại diện Công ty CP Đầu tư và xây dựng Bảo Quân, trong một lần trả lời báo chí trước đây cho rằng, việc đổ lỗi cho thi công là không có cơ sở.

“Có thể thi công không đúng 100%. Nếu có sơ suất trong thi công thì chỉ 1, 2 điểm thôi. Nhưng ở đây, sau hai vết nứt đầu tiên phát hiện trước Tết, giờ đã có thêm nhiều vết khác. Hơn nữa thiết bị trộn là tự động, không có mẻ nào gặp mưa. Quá trình thi công được Viện Khoa học và Công nghệ giám sát chặt chẽ từ trạm trộn, đưa ra hiện trường đến từng cân nhựa...” - Nhà đầu tư cho biết.

Ông Doãn Minh Tâm
Ông Doãn Minh Tâm.
Ông Doãn Minh Tâm, Viện trưởng Viện KHCN, Bộ GTVT:

Tất cả được báo cáo Bộ GTVT

Nguyên nhân chẳng còn cái gì là không rõ cả. Tất cả đã được báo cáo Bộ và sắp tới bộ sẽ ra thông báo cụ thể về việc này. Vì vậy theo quy định, tất cả các thông tin liên quan đến vấn đề này nay thuộc thẩm quyền phát ngôn của ông Nguyễn Văn Công, Chánh văn phòng Bộ GTVT.

Ông Nguyễn Văn Công, Chánh Văn Phòng Bộ GTVT:

Ông Nguyễn Văn Công
Ông Nguyễn Văn Công.
Đến nay Viện chưa gửi báo cáo

Cho đến nay Bộ vẫn chưa nhận được báo cáo nào từ Viện Khoa học Công nghệ Bộ Giao thông vận tải về vấn đề sụt nứt của mặt cầu Thăng Long.

Sau khi có các thông tin về việc lún nứt của cầu Thăng Long, Bộ đã yêu cầu Viện có văn bản chính thức đánh giá về việc này cũng như làm rõ nguyên nhân và đề xuất các giải pháp khắc phục nhưng đến nay vẫn chưa thấy Viện này gửi báo cáo.

MỚI - NÓNG