Áp dụng lẽ công bằng trong giải quyết tranh chấp

0:00 / 0:00
0:00
Giải quyết những tranh chấp dân sự, kinh tế phát sinh trong xã hội luôn là đòi hỏi của đời sống xã hội. Đối với những tranh chấp phức tạp mà không có quy phạm pháp luật để áp dụng, không có tập quán, không có luật để áp dụng tương tự, không có án lệ thì nguyên tắc chung của luật là lẽ công bằng được áp dụng.

Thực tế đã cho thấy, có những tranh chấp chỉ có thể áp dụng lẽ công bằng mới giải quyết được. Áp dụng lẽ công bằng là một việc phức tạp, nhằm giải quyết kịp thời những tranh chấp phát sinh theo nguyên tắc không thể viện cớ chưa có luật thì không giải quyết. Vậy lẽ công bằng là gì và được quy định như thế nào trong pháp luật hiện nay? Và áp dụng lẽ công bằng cần tuân theo những nguyên tắc nào? Những phân tích, chia sẻ của PGS.TS Ngô Quốc Chiến, Giảng Viên cao cấp, Khoa Luật, Đại học Ngoại thương, Hà Nội đưa ra trong bài phỏng vấn dưới đây sẽ giúp quý vị có cái nhìn tổng quan hơn về vấn đề này.

Áp dụng lẽ công bằng trong giải quyết tranh chấp ảnh 1

PV: Trước tiên xin cảm ơn PGS.TS Ngô Quốc Chiến đã nhận lời tham gia bài phỏng vấn. Thưa ông, vì sao cần phải áp dụng lẽ công bằng? Lẽ công bằng có thể được hiểu như thế nào? Và khi áp dụng lẽ công bằng thì cơ quan xét xử cần phải dựa trên những nguyên tắc và điều kiện gì, thưa ông?

PGS.TS Ngô Quốc Chiến: Trước hết, phải khẳng định rằng áp dụng lẽ công bằng để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong đời sống xã hội không phải là một việc mới mẻ ở Việt Nam cũng như các nước trên thế giới. Khảo cứu lịch sử pháp luật Việt Nam cho chúng ta những minh họa hết sức thuyết phục về áp dụng lẽ công bằng. Sở dĩ áp dụng lẽ công bằng được nhắc tới nhiều trong thời gian gần đây là vì chúng ta đã ý thức rõ ràng hơn về sự luôn khuyết thiếu của pháp luật.

Ngoài ra, còn phải nhắc thêm rằng tiếp cận công lý là một quyền Hiến định (Điều 30 Hiến pháp năm 2013) cần được thực thi trong thực tế. Chính trong bối cảnh đó đã ra đời quy định về nghĩa vụ xét xử của Tòa án ngay cả khi chưa có luật hoặc luật không đủ rõ. Nghĩa vụ này được cụ thể hóa tại khoản 2, Điều 14 Bộ Luật Dân sự năm 2015: “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng”. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Đây cũng là một nguyên tắc Hiến định, được cụ thể hóa tại khoản 2, Điều 103 Hiến pháp năm 2013. Vậy làm thế nào để thẩm phán “chỉ tuân theo pháp luật” khi mà không có điều luật cụ thể để áp dụng? Câu trả lời nằm trong câu thứ hai trong khoản 2 của Điều 14 Bộ Luật Dân sự năm 2015: “Trong trường hợp này, quy định tại Điều 5 và Điều 6 của Bộ luật này được áp dụng”.

Trong danh sách các nguyên tắc được liệt kê tại Điều 5 và Điều 6 Bộ Luật Dân sự năm 2015, chúng ta thấy lẽ công bằng. Như vậy, áp dụng lẽ công bằng đã trở thành một nguyên tắc luật định trong giải quyết tranh chấp dân sự. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng áp dụng lẽ công bằng chỉ là một giải pháp cuối cùng khi các giải pháp khác không phát huy tác dụng. Nói cách khác, tuy đã ghi nhận việc áp dụng lẽ công bằng trong giải quyết tranh chấp dân sự, nhưng sự ghi nhận này còn “dè dặt”.

Tất nhiên, sự dè dặt này có những lý do của nó. Một trong những lý do quan trọng, theo tôi, đó là sự thiếu rõ ràng của khái niệm này. Đây cũng là thực trạng chung của nhiều nước trên thế giới: có quy định về áp dụng lẽ công bằng nhưng không định nghĩa thế nào là lẽ công bằng. Có lẽ do tính phức tạp và dễ biến động của khái niệm này mà pháp luật của nhiều nước “im lặng” và trao quyền cho thẩm phán xác định thế nào là lẽ công bằng trong các tình huống cụ thể. Ở Việt Nam, trong nỗ lực làm rõ khái niệm này, khoản 3 Điều 45 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã đưa ra chỉ dẫn theo đó “Lẽ công bằng được xác định trên cơ sở lẽ phải được mọi người trong xã hội thừa nhận, phù hợp với nguyên tắc nhân đạo, không thiên vị và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của các đương sự trong vụ việc dân sự đó”. Bản thân chỉ dẫn này cũng chưa đủ để xác định lẽ công bằng trong mọi tình huống. Vì vậy, chúng ta sẽ chỉ có câu trả lời khi xem xét các hoàn cảnh cụ thể. Trong quá trình xác định thế nào là lẽ công bằng, thẩm phán vừa phải lắng nghe niềm tin nội tâm vừa phải đo lường lòng người. Đây là các cân nhắc rất khó khăn. Có lẽ, chính vì thế, ở những nước có hệ thống luật công bình (equity law), trong đó áp dụng lẽ công bằng là một nguyên tắc tồn tại song song với nguyên tắc áp dụng pháp luật của Nhà nước, thì thẩm phán phải là người có bằng cử nhân luật và trước đó còn phải có một bằng cử nhân khoa học xã hội.

Áp dụng lẽ công bằng trong giải quyết tranh chấp ảnh 2

PV: Thưa ông, ông có thể chia sẻ thẩm quyền áp dụng lẽ công bằng hiện nay được quy định như thế nào?

PGS.TS Ngô Quốc Chiến:

Hiện nay, hai phương thức giải quyết tranh chấp dân sự được sử dụng phổ biến đó là Tòa án của quốc gia và Trọng tài thương mại. Tuy nhiên, các điều luật của Việt Nam hiện hành quy định về áp dụng lẽ công bằng chỉ nhắc đến thẩm quyền của Tòa án, chứ không nhắc đến Trọng tài. Nói cách khác, nếu chỉ dựa vào câu chữ của điều luật thì chỉ có Tòa án quốc gia có thẩm quyền áp dụng lẽ công bằng và Trọng tài không có quyền này. Cần lưu ý rằng, ngay cả ở một số nước, từ “Tribunal” được dùng chung để chỉ Tòa án quốc gia và Tòa án trọng tài thì Trọng tài cũng không chắc chắn có thẩm quyền áp dụng lẽ công bằng. Ở Pháp, để tránh những tranh cãi về thuật ngữ, Điều 1512 Bộ Luật Tố tụng dân sự quy định rằng “Tòa trọng tài áp dụng lẽ công bằng khi các bên thỏa thuận trao quyền cho trọng tài áp dụng lẽ công bằng”. Như vậy, Trọng tài chỉ được áp dụng lẽ công bằng khi các bên thỏa thuận trao cho Trọng tài quyền này.

Quy định thẩm quyền của Trọng tài thương mại trong việc áp dụng lẽ công bằng ở Việt Nam nên được bổ sung. Thực tiễn giải quyết tranh chấp thương mại ở nhiều nước trên thế giới đã cho thấy việc áp dụng lẽ công bằng giúp nhanh chóng giải quyết được tranh chấp và giúp các bên giữ được hòa khí cũng như quan hệ thương mại, bởi vì lẽ công bằng là thứ dễ được chấp nhận bởi các bên.

PV: Thưa ông, vậy khi giải quyết tranh chấp mà áp dụng lẽ công bằng thì cơ quan xét xử cần phải lưu ý những vấn đề gì để không tiếp tục xảy ra những tranh chấp phát sinh sau đó nữa, thưa ông?

PGS.TS Ngô Quốc Chiến:

Đây là một câu hỏi thú vị rất đáng đặt ra và cần được trả lời. Sẽ là quá sức đối với tôi để đưa ra các giải pháp cho vấn đề nan giải như vậy. Vả lại, như nhà thơ Xuân Diệu đã cảm thán “Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ chật!”; với khuôn khổ hữu hạn của bài phỏng vấn, tôi sẽ không thể đưa ra các giải pháp thấu đáo để áp dụng lẽ công bằng cho mọi hoàn cảnh. Ở đây, tôi chỉ xin có một lưu ý rằng, để tránh xảy ra những tranh chấp tiếp tục phát sinh thì giải pháp mà tòa đưa ra phải nhận được sự đồng tình của các bên. Mà để đạt được sự đồng tình của các bên thì cách tốt nhất là thẩm phán phải đóng vai trò của một người hòa giải và tòa sẽ lựa chọn ra giải pháp dung hòa sự đối kháng của các bên trên cơ sở lắng nghe nhu cầu và thấu hiểu tâm lý của chính các bên.

PV: Thưa ông, về phía các doanh nghiệp, họ có thể rút ra bài học hay lưu ý gì về việc vận dụng lẽ công bằng trong quá trình giải quyết tranh chấp?

PGS.TS Ngô Quốc Chiến: Về phía doanh nghiệp, tôi muốn lưu ý tính chất tự do định đoạt của luật tư. Luật tư ghi nhận và bảo vệ quyền tự do định đoạt cho các bên. Vì vậy, các doanh nghiệp cần đầu tư công sức thích đáng cho việc đàm phán, soạn thảo các hợp đồng sao cho chặt chẽ, tránh tạo ra các “lỗ hổng”. Tuy nhiên, cũng phải lưu ý rằng sự tự do của các chủ thể tư là có giới hạn và phải tuân theo những nguyên tắc nhất định, mà một trong số đó chính là thiện chí. Thiện chí phải được doanh nghiệp coi như một kim chỉ nam cho mọi hành động của mình, cả trong đàm phán, ký kết, lẫn thực hiện và chấm dứt hợp đồng. Ngay cả khi tranh chấp xảy ra, thì doanh nghiệp vẫn nên giữ tinh thần thiện chí trong giải quyết để đạt được sự đồng thuận, vì “một thỏa thuận hòa giải tồi, còn hơn là một bản án tốt”.

Doanh nghiệp cũng cần lưu ý rằng khi tham gia các quan hệ kinh doanh, thương mại thì Doanh nghiệp độc lập, nhân danh và vì lợi ích mình và phải chịu trách nhiệm đối với hành vi của mình. Lẽ công bằng không có nghĩa là doanh nghiệp phải chia sẻ rủi ro và gánh vác hậu quả cho các tính toán sai lầm của đối tác.

Khi tham gia kinh doanh quốc tế, doanh nghiệp có thể lựa chọn nhiều phương thức giải quyết tranh chấp khác nhau và nhiều nguồn luật áp dụng khác nhau. Một số nước, như Pháp, cho phép các bên thỏa thuận trao quyền cho tòa án hoặc trọng tài xét xử theo lẽ công bằng mà không cần áp dụng luật. Trong những trường hợp như vậy, các bên cần thỏa thuận trong hợp đồng trao quyền cho cơ quan giải quyết tranh chấp áp dụng lẽ công bằng trong quá trình xét xử.

Xin cảm ơn ông!

Bài phỏng vấn trên được thực hiện trong khuôn khổ chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” do Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty Cổ phần Truyền thông ALO (ALO Media) phối hợp thực hiện, với sự hỗ trợ của Tổng Công ty Khí Việt Nam - PV Gas. Chương trình được phát sóng vào 09h00’ Thứ Bảy, phát lại vào 14h00’ Chủ nhật hàng tuần trên Kênh VTV2 - Đài Truyền hình Việt Nam.

Chương trình được cập nhật tại Website: http://kinhdoanhvaphapluat.com/

Kính mời bạn đọc theo dõi!

MỚI - NÓNG
Hà Nội tổng kiểm kê tài sản công
Hà Nội tổng kiểm kê tài sản công
TPO - Theo kế hoạch, Hà Nội sẽ tiến hành tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý. Dự kiến, đến tháng 6/2025 công tác tổng kiểm kê tài sản công sẽ hoàn thành.