Một trong những điểm nhấn của Festival Áo dài - đó là người đẹp, người mẫu và nữ sinh ngồi xích lô và đạp xe diễu hành qua một số tuyến phố. Ông có sợ nó giống với những cuộc đạp xe tuyên truyền nào đó, không gây được chú ý?
Sáng 16/10, sẽ có 50 xe xích lô chở 50 người mẫu mặc áo dài, 50 xe đạp của 50 nữ sinh mặc áo dài và 20 xe đạp hoa nhằm tôn vinh vẻ đẹp trong sáng, hồn nhiên và thanh lịch của thanh niên Thủ đô. Đây là hoạt động quảng bá, tuyên truyền chuyên đề về du lịch Hà Nội bằng phương thức trực quan, có tính thẩm mỹ cao; mang đến dấu ấn tốt đẹp cho nhân dân và du khách về Thủ đô Hà Nội hòa bình, hữu nghị và an toàn thân thiện. Vì vậy, tôi cho rằng hoạt động này không chỉ tiếp nối những hình ảnh đẹp, đặc trưng về tà áo dài với đường phố Hà Nội vào mỗi dịp mùa thu tới, mà thực sự sẽ mang đến cảm nhận khác biệt rõ nét, so với những cuộc đạp xe tuyên truyền khác.
Lần đầu tiên Hà Nội tổ chức Festival áo dài trong ba ngày với nhiều hoạt động phong phú. Ông có thể nói rõ hơn về kỳ vọng gắn kết sự kiện này với du lịch?
Tôi cũng hy vọng Hà Nội xác định được Festival Áo dài là bước đi đột phá trong lộ trình xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành trung tâm thời trang của cả nước và khu vực.
GĐ sở du lịch hà nội Đỗ Đình Hồng
Festival Áo dài năm nay là một trong những sản phẩm du lịch đặc sắc do Sở Du lịch Hà Nội lên ý tưởng và tổ chức. Với chủ đề “Tinh hoa Áo dài Việt Nam”, Lễ hội là cơ hội để các nhà thiết kế thời trang, nghệ nhân, nghệ sỹ và những người yêu Hà Nội, tâm huyết với Thủ đô cống hiến trí tuệ, công sức của mình nhằm bảo tồn, phát huy và giới thiệu tới nhân dân cả nước, bạn bè quốc tế những giá trị văn hóa truyền thống, tài hoa của người Hà Nội và của cả dân tộc Việt Nam.
Hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của Áo dài trong du lịch” mặt khác phân tích, làm rõ những nội hàm và ý nghĩa của Festival Áo dài trong phát triển du lịch. Qua đây, tôi cũng hy vọng Hà Nội xác định được Festival Áo dài là bước đi đột phá trong lộ trình xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành trung tâm thời trang của cả nước và khu vực; đồng thời, trong thời gian tới, Thủ đô sẽ tận dụng được lợi thế của tà áo dài truyền thống hơn nữa trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch. Tôi nghĩ rằng sự kiện này góp phần khiến hình ảnh người Hà Nội ngày càng đáng yêu hơn trong mắt bạn bè quốc tế.
Gần đây Hà Nội liên tục tổ chức một loạt sự kiện văn hóa như Liên hoan Du lịch Làng nghề truyền thống Hà Nội, Hội sách Hà Nội, và nhiều sự kiện khác. Theo ông những sự kiện văn hóa như thế này có thực sự quảng bá tốt hơn hình ảnh Hà Nội và phát triển du lịch?
Những sự kiện nêu trên tuy chỉ được tổ chức trong một thời gian ngắn nhưng lại cô đọng, hàm chứa những tinh hoa văn hóa của Thủ đô Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung. Những sự kiện này mang hiệu quả marketing truyền miệng rất lớn. Rất nhiều khách tham quan Hoàng thành Thăng Long đã ghé vào Liên hoan Du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội, thích thú trước các khu trưng bày nghệ thuật và các gian hàng làng nghề truyền thống. Họ sẽ kể lại cho bạn bè, người thân của họ về những nét độc đáo của làng nghề Hà Nội sau khi trở về từ chuyến đi. Một cách vô tình, họ đã khơi gợi được cảm xúc tò mò, ham muốn khám phá Việt Nam của những người bạn, người thân của họ và trở thành những đại sứ tuyên truyền tốt nhất về những giá trị văn hóa làng nghề truyền thống Việt Nam.
Có thể thấy rằng, việc tổ chức các sự kiện tại một điểm đến du lịch nổi bật như Hoàng thành Thăng Long thu hút được đông đảo du khách quốc tế tới tham quan, mua sắm và mang về những phản hồi tích cực. Đó có lẽ là một trong những minh chứng rõ ràng nhất cho sự hiệu quả của việc tổ chức các sự kiện trong công tác quảng bá và phát triển du lịch Thủ đô.
Hoàng thành một trong những điểm du lịch ngày càng được ưa thích khi tổ chức sự kiện. Ngành du lịch thành phố có những chiến lược, ý tưởng gì để đưa địa điểm này thành một trong những biểu tượng của Hà Nội trong thời gian tới?
Di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long là địa linh lưu giữ linh hồn của vùng đất nghìn năm văn hiến. Vì vậy, những sự kiện được tổ chức tại Hoàng thành cần được chọn lọc kỹ càng, mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống. Thành ủy có nghị quyết trong đó nhắc “Tập trung tạo dựng sản phẩm hoàn chỉnh và đưa vào khai thác phục vụ khách du lịch, kéo dài thời gian lưu trú ở Thủ đô”, trong đó đặc biệt chú trọng tới khu di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long. Ngành du lịch coi đây là kim chỉ nam để tổ chức quy hoạch, đầu tư bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, đưa Hoàng thành trở thành một trong những điểm đến nổi bật, mang dấu ấn riêng của du lịch Thủ đô. Chuỗi các sự kiện văn hóa - du lịch như Liên hoan Du lịch Làng nghề truyền thống, Festival Áo dài và Ký ức Hà Nội..., cùng với việc giới thiệu di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là một trong những giải pháp nhằm thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.
Lâu nay có câu đến Hà Nội chỉ “sáng rối tối phở”, ông nghĩ tình trạng này đã được cải thiện chưa? Du lịch Hà Nội làm gì để Thủ đô xứng đáng điểm đến du lịch nhất định phải đến của du khách quốc tế, chứ không đơn thuần điểm trung chuyển?
Ngành Du lịch Hà Nội trong những năm qua đã bước đầu phát triển và có những đóng góp tích cực đối với Thủ đô. Tuy nhiên, với tư cách là người đứng đầu ngành, tôi phải thẳng thắn thừa nhận rằng du lịch Hà Nội còn một số hạn chế, bất cập. Một trong số “rào cản” lớn nhất đối với sự phát triển du lịch Thủ đô, đó là còn thiếu sản phẩm du lịch hoàn chỉnh, đặc trưng, mang đậm dấu ấn của Hà Nội. Sở tham mưu cho Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết về phát triển du lịch Thủ đô 2016-2020 và giai đoạn tiếp theo, một trong những điểm nhấn “Phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao, gắn với xây dựng thương hiệu du lịch Thủ đô”.