Ant-Man and the Wasp: Quantumania (Tựa Việt: Người Kiến & Chiến binh Ong: Thế giới lượng tử) là phim riêng thứ 3 kể về siêu anh hùng Người Kiến (Paul Rudd), cũng là phần thứ 31 trong Vũ trụ Điện ảnh Marvel (MCU). Tác phẩm đóng vai trò quan trọng vì là dự án đầu tiên mở ra Kỷ nguyên Anh hùng V của MCU trên màn ảnh rộng. Do đó, nhiều người hâm mộ đặt kỳ vọng tác phẩm thành công rực rỡ, trở thành bước ngoặt lớn tương tự Captain America: Civil War (2016).
Kịch bản thiếu sự mới mẻ
Chuyện phim lấy bối cảnh nối tiếp những sự kiện trong Avengers: Endgame (2019). Sau khi đánh bại Thanos, nhóm siêu anh hùng Avengers tạm thời tan rã để mỗi người được trở về với cuộc sống cá nhân. Riêng Scott Lang – tức Người Kiến – tập trung vào việc bán sách và sống hạnh phúc bên bạn gái Hope (Evangeline Lilly) – tức Chiến binh Ong.
Trong khi đó, con gái Người Kiến là Cassie (Kathryn Newton) lại bí mật nghiên cứu về Thế giới lượng tử mà không chia sẻ với bất kỳ ai. Một lần, cô bé gặp trục trặc trong lúc tìm hiểu về vũ trụ mới. Kết quả, cả gia đình Người Kiến bị cuốn vào Thế giới lượng tử nhưng mỗi người một nơi, không rõ tung tích của nhau.
Gia đình Người Kiến (Paul Rudd) lạc vào Thế giới lượng tử sau rắc rối do con gái Cassie (Kathryn Newto) gây ra. |
Trước tình cảnh đó, Người Kiến phải tìm lại từng thành viên để gia đình hội tụ và cùng trở về Trái Đất. Thách thức lớn nhất đối với anh lúc này chính là ác nhân Kang (Jonathan Majors) - cũng đang mắc kẹt trong Thế giới lượng tử. Gã mệnh danh là "kẻ thống trị", độc ác và mưu mô không kém Thanos năm nào.
Về cơ bản, tác phẩm vẫn tuân theo công thức làm phim siêu anh hùng của Marvel. Kịch bản đi theo mô-típ thiện ác đối đầu quen thuộc, xoay quanh cuộc chiến sống còn tại Thế giới lượng tử. Thi thoảng biên kịch lồng ghép một số tình huống hài hước để gây cười.
So với 2 phần Người Kiến trước, các nhà làm phim muốn tạo ra một tác phẩm có tông màu đen tối và nghiêm túc hơn hẳn. Do đó, câu chuyện về gia đình Lang là điểm trọng tâm bên cạnh cuộc chiến với Kang. Thông qua hành trình của các nhân vật, biên kịch làm nổi bật sức mạnh tình thân, lồng ghép thông điệp về gia đình, tình cảm cha con… Tuy nhiên, hướng đi này khiến một số tình tiết trong phim còn khiên cưỡng, mang tính giáo điều.
Tình cảm giữa các thành viên trong gia đình Người Kiến là điểm trọng tâm của phim. |
Hình ảnh đẹp nhưng chưa ấn tượng
Ngồi ghế đạo diễn là Peyton Reed – người từng thực hiện 2 phần trước Ant-Man (2015) và Ant-Man and the Wasp (2018). Dưới sự chỉ đạo của Reed, loạt phim về Người Kiến trước nay vẫn được đánh giá khá thấp so với mặt bằng chung các phim siêu anh hùng thuộc MCU. Trở lại lần này, nhà làm phim vẫn chưa thành công trong việc làm mới thương hiệu Người Kiến.
Kịch bản phim đơn giản nhưng cách dẫn dắt chưa hợp lý. Trong nửa tiếng đầu, đạo diễn thiết lập các sự kiện quá nhanh. Sau đó, hàng loạt nhân vật liên tục xuất hiện khiến câu truyện bị rối. Các sự kiện trở nên rời rạc, thiếu sự liên kết.
Với kinh phí xấp xỉ 100 triệu USD, phim được đầu tư mạnh về phần nhìn. Những cảnh hành động, cháy nổ hay đánh đấm đều tạo cảm giác mãn nhãn. Đặc biệt là cảnh Người Kiến phóng to hay thu nhỏ vốn là “đặc sản” của loạt phim, luôn kích thích được cảm xúc người xem.
Tác phẩm vẫn có phần hình ảnh được đầu tư chỉn chu nhưng còn thiếu sáng tạo và chưa đạt được cảm giác chân thật. |
Tuy nhiên, kỹ xảo vi tính vẫn còn thiếu sáng tạo, mang dáng dấp nhiều phim trước đó của MCU. Các hiệu ứng CGI, VFX đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng bối cảnh Thế giới lượng tử, nhưng kết quả chưa thể tạo được cảm giác đồ sộ cần thiết. Hơn nữa, phông xanh được sử dụng quá nhiều khiến “vũ trụ” trong phim mất cảm giác tự nhiên. Nếu đặt lên bàn cân, kỹ xảo trong phim vẫn là “một trời một vực” so với bom tấn Avatar: The Way of Water (2022) của James Cameron.
Diễn xuất không cứu được phim
Sau nhiều lần hóa thân Người Kiến, tài tử Paul Rudd thể hiện nhân vật một cách mượt mà, không lên gân. Nhưng anh lại có phần bị lép vế so với nhiều diễn viên khác, đặc biệt là Jonathan Majors trong vai phản diện chính Kang. Ngôi sao sinh năm 1989 thực sự khiến người xem phải ngạc nhiên với hình ảnh mới. Từ ánh mắt đến cử chỉ, anh thực sự lột tả được sự độc ác, man rợ của một ác nhân khét tiếng.
Tạo hình của Jonathan Majors trong vai phản diện Kang. |
Các diễn viên còn lại chỉ ở mức tròn vai. Evangeline Lilly vẫn là một Chiến binh Ong quả cảm và giàu tình thương. Kathryn Newton cũng thể hiện được tính cách rắc rối của cô bé Cassie Lang ở tuổi 18. Nổi bật nhất là minh tinh Michelle Pfeiffer. Dù có ít đất diễn, bà vẫn tạo được nhiều cảm xúc, chứng tỏ “gừng càng già càng cay” với vai Janet – mẹ của Chiến binh Ong.
Đáng tiếc, diễn xuất của dàn diễn viên vẫn chưa đủ xuất sắc để cứu phần kịch bản cũ kỹ. Đây gần như là điểm trừ quen thuộc trong các phim Marvel trong 2 năm trở lại. Kể từ Black Widow (2021), phim Marvel thường xuyên bị đánh giá thấp về chất lượng và Ant-Man 3 chưa thể xóa bỏ được định kiến đó.
Ý tưởng thực hiện phần phim thứ 3 về Người Kiến được các nhà sản xuất ấp ủ ngay sau thành công của Ant-Man and the Wasp. Tuy nhiên, dự án gặp nhiều khó khăn vì Covid-19. Đến khi ra mắt, tác phẩm không được giới phê bình đón nhận nồng nhiệt, chỉ đạt 48/100 điểm trên Metacritic và bị xếp vào loại “Thối” trên Rotten Tomatoes với 48% bình chọn.
Nhìn chung, Ant-Man and the Wasp: Quantumania vẫn là một bom tấn đậm tính giải trí, dễ dàng chiều lòng khán giả yêu thích phim Marvel. Tuy nhiên, tác phẩm chưa ấn tượng với tư cách là phần khởi động Kỷ nguyên Anh hùng V của MCU. Hơn nữa câu chuyện cũng chưa thực sự mang tính gợi mở, kích thích sự tò mò của người xem cho những phần sau.