ANNAM dụ giới trẻ 'quẩy' với nhạc di sản

Vũ Phương Thảo và Nguyễn Phan Huy - hai nhà sản xuất của ANNAM. Ảnh: Ðông Cô.
Vũ Phương Thảo và Nguyễn Phan Huy - hai nhà sản xuất của ANNAM. Ảnh: Ðông Cô.
TP - Hai nhà sản xuất nhạc electro chưa tên tuổi kết hợp với nghệ sĩ phim đồ họa đa phương tiện số 1 Việt Nam dự định tạo ra thể loại nghệ thuật của riêng họ. Thay vì thái độ né “nhạc các cụ”, khán giả tuổi từ 18-25 có thể lắc lư với giai điệu điện tử trên nền nhạc truyền thống và tương tác với màn hình video visual.

Ra mắt lần đầu trên mạng, tên dự án “ANNAM Cổ nguyệt” mang vẻ “âm lịch” của nhóm ANNAM không gây chú ý cho tới khi nhiều bạn trẻ thử nghe. Phái nam thích những bài như “Cậu vàng phú quí”, “Tổ dân phố nghệ thuật”... Nữ bấm like cho “Chợ tình”, “Hoa trong phố”. Tất cả đều được sáng tác trên nền nhạc chầu văn, ca trù, quan họ, chèo... Hai nhạc sĩ đồng sản xuất ANNAM chia sẻ các tác phẩm cho Lê Thanh Tùng (nghệ danh Crazy Monkey-Tùng Khỉ) nghe, không ngờ đàn anh nổi tiếng bày tỏ sự thích thú quan tâm. Như một cơ duyên, ANNAM đề nghị Video Jockey (VJ)  Tùng Khỉ kết hợp làm dự án chung và nhận được sự đồng ý.

Hoài cổ bằng ngôn ngữ electro

Nguyễn Phan Huy (Dustin Ngo) và Vũ Phương Thảo (THDC) hai năm trước gặp nhau trong tình huống Thảo chia sẻ một bản nhạc tự sáng tác, Huy ủng hộ và họ rủ nhau cùng làm nhạc ban đầu là hiphop, sau đó là “cổ nguyệt”. Cả hai có điểm giống nhau cùng là dân ngoại đạo, tự học sáng tác qua mạng và đồng cảm hỗ trợ tốt cho nhau.

Phương Thảo là cử nhân Học viện Ngoại giao VN, hiện đang làm cho một công ty truyền thông. Thảo sinh ra ở Sơn La, hồi bé từng học đàn organ, bẵng đi đến lúc lên Hà Nội học đại học, cô mới nảy sinh cảm tình với giai điệu dân ca của đồng bào dân tộc miền núi như Mông, Dao, Thái. Thảo dùng chất liệu dân gian đó đưa vào sáng tác sử dụng công nghệ.

Phan Huy học Ðại học Kiến trúc Hà Nội đến hết năm thứ ba thì quyết định dừng để rẽ sang âm nhạc một cách nghiêm túc. “Tôi có ý định đi học nhạc cơ bản để có thêm kiến thức chuyên sâu”.

Nghe ANNAM người trẻ thấy mình trong câu chuyện, nghe bài hát ca trù, chầu văn... nguyên bản họ cho rằng “đó là câu chuyện của tiền bối”.

Giải thích lý do đang từ nghiện nhạc tây bỗng chuyển sang “nhạc cổ truyền”, Phan Huy cho biết trong nghệ thuật đa số người Việt thấy ở Tây có gì là ta phải có cái đó. “Chúng ta thường bắt chước chứ không tạo ra xu hướng”. Tuy nhiên bê nguyên si nhạc cổ truyền sẽ thất bại.

Huy để ý ở phố cổ các câu lạc bộ nhạc di sản cho các bạn sinh viên mặc áo tứ thân đứng bán vé cũng không dụ được khán giả 9X, 10X.

Trước đây, ở Việt Nam đã có nhạc sĩ Quốc Trung và Trí Mính từng thành công khi đưa giai điệu truyền thống vào EDM (Electronic Dance Music) nhưng với phong thái ambient nhẹ nhàng. Nhóm ANNAM muốn thể hiện tinh hoa âm nhạc cổ truyền bằng ngôn ngữ của giới trẻ, khiến họ hòa nhập và nhún nhảy.

ANNAM sử dụng yếu tố sampling (dùng các đoạn thu thanh, mẫu nhạc từ abum nhạc khác hoặc mọi âm thanh ngoài cuộc sống trộn vào tác phẩm). Trong bài “Tổ dân phố nghệ thuật” xen lẫn các câu hát được ghi âm từ một buổi tập văn nghệ của người cao tuổi, là tiết tấu sôi động của đường phố và nhạc điện tử. Về bài “Hoa trong phố” nhạc sĩ Phương Thảo nói cô lấy cảm hứng từ bộ phim “Mê thảo thời vang bóng”,  miêu tả tâm trạng của một người bị lạc lõng với thời cuộc. Trong bài có ghép đoạn ca trù “Tống biệt” qua giọng hát của nghệ sĩ Thanh Hoài. Bài “Thượng Ngàn”, bừng vui với đoạn trích “Cô Bé thượng ngàn” của nghệ sĩ Thanh Long trên nền EDM. Nghe ANNAM người trẻ thấy mình trong câu chuyện, nghe bài hát ca trù, chầu văn... nguyên bản họ cho rằng “đó là câu chuyện của tiền bối”.

Với thiết bị Midi controller và Turnable, Huy và Thảo ngồi nhà vẫn có thể phối hợp sáng tác cùng một tác phẩm qua mạng. Qui trình sản xuất một bản nhạc được bắt đầu bằng cảm hứng, ý tưởng, rồi sắp xếp vào nhau cho hợp lý, dùng nhạc cụ tạo giai điệu hay nhất, có lúc Huy làm nhạc, Thảo làm trống hoặc ngược lại. Sau cùng, họ dùng phần mềm xử lý âm thanh số.

Ðược VJ oách chống lưng

Thời nay, Audio visual (Audio tương tác thị giác) đã trở thành thói quen với khán giả. Nếu không có visual người ta không nghe DJ nữa.

ANNAM và VJ Thanh Tùng muốn có sản phẩm kết hợp hình và tiếng (xác và hồn) ở mức độ hoàn hảo, kỹ lưỡng nhất trong dự án “Tết” ra mắt trước Tết Nguyên đán. Những video minh họa bám sát nội dung cũng đã lỗi thời. Khán giả không còn nhu cầu “tả” mà họ cần “cảm” nhiều hơn qua hình ảnh tương tác âm thanh.

Sự kiện Tùng Czazy Monkey, tác giả hiệu ứng thị giác của những sản phẩm âm nhạc khủng như Festival âm nhạc Monsoon,  MV Lạc Trôi (360 Degree MV) Sơn Tùng MTV, nhiều nhạc hội thương hiệu điện tử lớn... cộng tác làm visual video cho ANNAM khiến nhiều người trong nghề thắc mắc. Thanh Tùng nhận thấy, khác với nhiều nhạc sĩ chỉ sáng tác ngẫu hứng một vài bài, ANNAM có hẳn một album với concept rõ ràng. “Họ trẻ mà nhất quán khiến tôi chú ý”. Sản phẩm của ANNAM không bị đánh đố giống nhạc thể nghiệm nên dễ nghe, tạo phản hồi tốt.

VJ top đầu không thấy mạo hiểm khi đầu tư vào nhóm. Mặt khác, ngoài guồng chảy cùng những dự án âm nhạc thị trường có tên tuổi, Thanh Tùng mong muốn khám phá phát hiện nghệ sĩ trẻ có gu chất và sản phẩm có giá trị tương lai. Xu hướng sáng tác nhạc điện tử trên nền nhạc truyền thống đã thịnh hành ở nhiều nước, đặc biệt mạnh ở Trung Quốc, anh hy vọng ANNAM sẽ mở đầu trào lưu này ở Việt Nam.

Phan Huy thổ lộ “Chúng tôi hiện rất nghèo. Ði diễn vài lần chủ yếu để quảng bá. Tôi thỉnh thoảng làm nhạc thuê để lấy tiền sống, Thảo cũng không dư dả hơn. Chắc là không bao giờ đủ tiền để trả công anh Tùng làm video hiệu ứng”.

Ðầu tiên, “Tết” sẽ ra mắt trên mạng vì online chiếm 70% phản hồi chính xác. Nếu suôn sẻ, trong năm 2018, ANNAM sẽ diễn ở TPHCM.

MỚI - NÓNG