Đó là kết quả của ghiên cứu mới đây được xuất bản trong tập san Sức khỏe môi trường (Environmental Health).
Có một mối liên hệ chặt chẽ giữa việc tiếp xúc với ánh nắng và tâm trạng của con người, một ví dụ điển hình nhất là chứng bệnh rối loạn cảm xúc theo mùa (Seasonal affective disorder), là một rối loạn khí sắc thường xảy ra vào mùa đông và thu. Thông thường sẽ phục hồi trở lại vào mùa xuân hoặc hè.
Trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu của trường đại học Alabama tại Birmingham, Mỹ đã quan tâm đến sự tương quan giữa dữ liệu thời tiết của Cục Quản trị Hàng không và Không gian Quốc gia (NASA) và kết quả những bài kiểm tra liên quan đến nhận thức của hơn 14.000 người Mỹ từ 45 tuổi trở lên. Tất cả đều tham gia vào những nghiên cứu của chính phủ về khả năng đột quỵ.
Những nhà nghiên cứu thấy rằng những người mắc bệnh trầm cảm có ít thời gian tiếp xúc với ánh nắng trong 2 tuần sẽ có kết quả về khả năng nhận thức thấp hơn so với những người sống ở những khu vực có nhiều ánh sáng.
Những người mắc chứng trầm cảm ở những khu vực có ít ánh sáng có sự sút kém về trí nhớ và những chức năng về nhận thức gấp đôi so với những người ở khu vực có nhiều ánh nắng.
Tuy nhiên, mối liên kết giữa thời gian tiếp xúc với ánh nắng và khả năng nhận thức không áp dụng với những người không mắc bệnh trầm cảm.
Người đứng đầu nghiên cứu, tiến sĩ Shia T. Ken của trường đại học Alabama, Mỹ đã phát biểu:
“Tiếp xúc với nắng một cách thường xuyên giúp làm tăng mức độ của hai loại hoóc môn melatonin và serotonin. Hai loại hoóc môn này ảnh hưởng đến tâm trạng và đóng một vai trò quan trọng đối với bệnh rối loạn cảm xúc theo mùa và những bệnh trầm cảm thông thường.”
Những nhà nghiên cứu gợi ý rằng melatonin và serotonin cũng liên quan đến khả năng nhận thức.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng liệu pháp ánh sáng dùng để chữa bệnh rối loạn cảm xúc theo mùa cũng có thể cải thiện được khả năng nhận thức đối với những người bị trầm cảm.
Lê Anh
Theo Sina